Khi một đoàn tàu cao tốc lao vào đoàn tàu khác vào ngày 23/7 ở thành phố Ôn Châu, Trần Lí Hoa, 38 tuổi, cha của hai đứa con, bị gãy tám xương sườn, tổn thương phổi và vỡ xương bánh chè. Em trai của anh đã tử nạn vì những chấn thương vùng đầu.

Đó là những thương tích, còn sự xúc phạm và bất mãn lại tới sau đó. Trần nói, anh mất gần 6.000 USD tiền mặt và nhiều tài sản trong vụ tai nạn. Bộ Đường sắt chỉ trả cho anh vẻn vẹn 35 USD. Trần đề nghị chuyển từ một bệnh viện ở Ôn Châu tới viện khác tốt hơn ở Phúc Châu, thành phố của anh. Thay vào đó, bộ này chuyển anh tới nhà dưỡng lão, nơi anh không được điều trị thuốc men dù tiếp tục đau phổi, lưng và những chấn thương khác.

Mọi thứ gần như trở lại bình thường ở gần nơi diễn ra vụ tai nạn tàu cao tốc ngày 23/7 ở Ôn Châu, Trung Quốc. Ảnh: New York Times

“Tôi muốn khóc, nhưng không còn nước mắt", anh nói. "Gia đình tôi đã mất người trong tai nạn. Làm sao họ có thể đối xử với chúng tôi thế này? Tôi bị tra tấn cả về tinh thần lẫn thể trạng".

Gần hai tháng sau vụ tai nạn tàu cao tốc làm 40 người chết và 191 người bị thương, một ủy ban điều tra chính phủ đã sẵn sàng đưa ra báo cáo vụ việc, dự kiến trong tháng này. Nhưng những người bị thương và người nhà nạn nhân tử nạn nói, họ đã có các kết luận của riêng mình. Họ cho rằng, Bộ Đường sắt Trung Quốc với lịch sử dài tham nhũng, cẩu thả trong áp dụng chuẩn an toàn và vụng về trong nỗ lực cứu hộ đang cố gắng che giấu những thất bại và sai sót.

Họ có vương quốc của riêng họ", Pasquale Liguori, người đã mất con gái - sinh viên ngoại ngữ từ Naples, Italy, người đầu tiên tới thăm Trung Quốc cùng bạn trai, nói. “Bộ Đường sắt Trung Quốc giết chết con gái tôi và muốn che giấu tất cả những gì xảy ra".

Trong khi đó, bộ này tuyên bố đã nâng cao các chuẩn an toàn, không hấp tấp ngừng cứu hộ và đang tiến hành một cuộc điều tra minh bạch. Trên thực tế, Bộ Đường sắt Trung Quốc giống như một "thái ấp". Với hai triệu lao động, có lẽ đó là nơi sử dụng nhân công lớn thứ tư thế giới, sau Wal-Mart. Lực lượng này sánh ngang với toàn bộ nhân viên chính phủ liên bang Mỹ, ngoại trừ quân đội và nhân viên bưu điện.

Bộ này có những quy định đường sắt của riêng mình, những quy định chất chứa mâu thuẫn mà giới phân tích nói rằng, nó chỉ cổ xúy cho chuyện tham nhũng, che giấu trách nhiệm. Dữ liệu an toàn thì không được công khai, thậm chí bộ có hệ thống toà án riêng và gần đây nhất là có riêng lực lượng cảnh sát.

Chính phủ Trung Quốc đã mất cả thập niên để thảo luận về việc chia tách lĩnh vực kinh doanh và chức năng điều tiết của bộ, như họ từng làm những năm trước đây với ngành công nghiệp hàng không dân sự. Nhưng sử dụng ảnh hưởng của mình - với ưu thế phát triển tàu cao tốc - Bộ Đường sắt Trung Quốc đã khéo léo "né" cải cách. “Nó giống như sự pha tạp, nửa là cơ quan chính phủ, nửa là công ty lợi nhuận", Trương Khai, một luật sư ở Bắc Kinh nói. "Họ có thể chọn lựa một trong hai cách hành xử".

Thảm kịch có thể ngăn chặn

Quan chức Trung Quốc đã từng tuyên bố, thảm kịch trên có thể ngăn chặn được, rằng nó là do lỗi của con người và lỗi thiết kế trong hệ thống báo hiệu. Và giờ đây, Bộ Đường sắt nước này đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu điều tra chính phủ không đáng tin cậy, họ có thể mất đi cơ hội xuất khẩu thiết bị cũng như công nghệ tàu cao tốc. Nhưng sự thú nhận sai lầm cũng có thể khiến hành khách hoảng sợ mà tránh xa.

Những nỗ lực cứu hộ rõ ràng "có vấn đề". “Chúng tôi không thể nói lời nào và cảm thấy kinh hoàng về cách cứu hộ", Leo Cao, 29 tuổi, nghiên cứu sinh tại đại học Bắc Carolina nói. Cha mẹ anh đã thiệt mạng còn em trai bị chấn thương trầm trọng trong vụ tai nạn.

“Họ mang máy móc hạng nặng đến để khôi phục lại hoạt động của tàu và chôn vùi các toa tàu rơi tại hiện trường trong khi vẫn có người vật lộn tìm sự sống trong đống đổ nát", Cao cho biết.

Các chuyên gia Trung Quốc nói rằng, nỗ lực cứu hộ nên tiếp tục ít nhất trong 72h, nhưng báo chí nước này thông tin rằng, cuộc tìm kiếm người còn sống đã ngừng lại khi chưa đầy 8h sau khi xảy ra tai nạn. Thay vào đó, các công nhân dọn dẹp đống đổ nát để giao thông đường sắt có thể phục hồi, bao gồm cả việc đào hố chôn một toa của đoàn tàu gặp nạn. Hố này được đào lên hai ngày sau đó sau khi người dân bất mãn về kiểu che giấu vụ việc. Việc một em bé 2 tuổi mắc trong đống đổ nát, được cứu sống sau 21h là chỉ vì một số quan chức địa phương phớt lờ yêu cầu của bộ đường sắt và tiếp tục tìm kiếm đống đổ nát.

Kế hoạch khẩn cấp của bộ này đối phó với vụ tai nạn nhấn mạnh đến việc, cần thiết "tranh thủ từng phút từng giây để khôi phục giao thông", theo thông tin từ Southern Weekly, một tờ báo Quảng Châu. Chưa đầy 24h sau vụ tai nạn, họ đã tự hào tuyên bố rằng, tuyến đường Ôn Châu đã khôi phục trở lại.

Người ta có thể tiến hành kiện tụng. Nhưng luật sư Trương nói: “Nhiệm vụ số 1 của toà án là bảo vệ lợi ích của bộ". Sau khi một số gia đình mất người thân trong vụ đâm tàu ở Ôn Châu phản đối, các quan chức đã gia tăng mức bồi thường là vào khoảng 145.000 USD. Ông Liguori đã từ chối bồi thường, muốn tiến hành vụ kiện. Nhưng một luật sư người Trung Quốc khuyên ông trong bức thư điện tử rằng: "Việc này chỉ tốn thời gian vô ích".

Thái An (theo New York Times)

Từ tàu cao tốc nghĩ chuyện tốc độ phát triển TQ
Vụ tai nạn tàu cao tốc mới đây ở Trung Quốc, làm ít nhất 40 người thiệt mạng, đã củng cố tâm lý bất an về tốc độ phát triển của nước này.
 
Bên trong chuyện giấu tai nạn tàu cao tốc ở TQ
Với ngành công nghiệp đường sắt cao tốc của Nhật Bản, vụ đâm tàu thảm khốc ở Trung Quốc mới đây không có gì đáng bất ngờ thực sự.
 
Những dấu hỏi sau tai nạn tàu cao tốc Trung Quốc
Sau vụ tai nạn tàu cao tốc kinh hoàng tại TQ, hàng loạt câu hỏi đang đặt ra cho chính phủ nước này: do sự vô trách nhiệm hay thiết kế yếu kém, hay do công tác cứu nạn khẩn cấp có vấn đề.
 
TQ đổ lỗi tín hiệu gây tai nạn tàu cao tốc
Một quan chức đường sắt TQ nói một “khiếm khuyết nghiêm trọng” trong thiết kế hệ thống tín hiệu đã gây ra vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc. Nhưng theo các chuyên gia quốc tế, đây là điều cực kỳ bất thường.
 
Tai nạn cao tốc: Báo TQ tố nhà chức trách 'ngạo mạn'
Một trong những tờ báo chính thống của Trung Quốc cáo buộc sự “ngạo mạn” của nhà chức trách khi xử lý vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc.
 
Trung Quốc 'vỡ mộng' xuất khẩu tàu lửa cao tốc
Vụ lật tàu cao tốc ở Ôn Châu (Trung Quốc) ngày 23/7 được tờ Thời báo Hoàn cầu gọi là “bài học máu” của TQ. Vụ tai nạn cũng như một gáo nước lạnh dội vào giấc mơ xuất khẩu tàu lửa cao tốc của quốc gia này.