Một tháng sau khi bị quân đội Bình Nhưỡng dội pháo, người dân trên hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc vẫn vật lộn để trở lại cuộc sống thường nhật.

Khi tỏ ra không để ý về những người khách nước ngoài trong căn nhà nguyên vẹn của mình, Baek Soo-nyu đã thể hiện là một người phụ nữ cứng rắn, quen đối phó với hoàn cảnh bất lợi.

Người phụ nữ 80 tuổi ấy đã ra đi khỏi Triều Tiên vào lúc chấm dứt chiến tranh năm 1953 để xây dựng một cuộc sống mới trên đảo Yeonpyeong. Nơi ở của bà hiện tại, một hòn đảo biệt lập và đầy gió nằm ngay phía nam biên giới hàng hải tranh chấp giữa hai miền, giờ đây là tâm điểm của một cuộc khủng hoảng khu vực, mà nhiều người thậm chí còn quan ngại sẽ nổ ra một cuộc chiến thứ hai giữa hai miền Triều Tiên.

Những ngày này, Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận hải quân bất chấp cảnh báo trả đũa từ Bình Nhưỡng.

Đầu giờ chiều ngày 23/11, đất nước nơi bà từng sinh ra đã gây nên vụ dội pháo chấn động. Không một lời cảnh báo, Triều Tiên bắn 170 quả đạn pháo vào Yeonpyeong, dường như để phản ứng với cuộc tập trận bắn đạn thật của đơn vị lính thuỷ đánh bộ Hàn Quốc trên đảo.

Vụ tấn công đã phá huỷ hoặc làm hư hại hàng chục ngôi nhà, tạo ra dòng người sơ tán đổ về Incheon, một thành phố cách đó khoảng 80km về phía đông.

Những ngôi nhà bị đạn pháo phá huỷ trên đảo Yeonpyeong. Ảnh: Getty Images

Đây là lần đầu tiên, dân thường trở thành mục tiêu kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt. Nó nhắc nhở người ta về việc hòn đảo này, cách bờ biển Triều Tiên không xa, vẫn là tiền tuyến của một cuộc xung đột sau gần 60 năm bán đảo bị chia cách tại vĩ tuyến 38.

Khi quả đạn pháo đầu tiên rơi xuống, Baek nghĩ là tiếng sấm. “Tôi muốn nhìn ra ngoài cửa sổ, nhưng mọi thứ bắt đầu rung chuyển và tôi cảm thấy căn nhà như xoay tròn”, bà nói. “Tôi chạy đi tìm một nơi an toàn, la hét tìm sự giúp đỡ, tôi quá sợ hãi”.

Hơn 10 phút sau, quân đội Hàn Quốc đã bắn pháo đáp trả. Khi cuộc giao tranh kết thúc, hai lính thuỷ đánh bộ và hai dân thường Hàn Quốc thiệt mạng. Vụ việc đã nhấn chìm khu vực vào một cuộc khủng hoảng, với quan ngại rằng, thoả thuận ngừng bắn từng giữ bán đảo tương đối yên bình trong 57 năm sẽ bị phá vỡ.

Yeonpyeong dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công từ phía Bình Nhưỡng, khi nằm ngay gần Đường giới hạn phía Bắc, biên giới hàng hải trên vùng biển phía tây của bán đảo do LHQ đưa ra nhưng Triều Tiên không thừa nhận.

Đối mặt với chỉ trích của nhiều người dân trong cách giải quyết của chính phủ Tổng thống Lee Myung-bak về cuộc khủng hoảng, Yeonpyeong tuần vừa qua đã trở thành nơi diễn ra một cuộc tập trận bắn đạn thật khác nữa. Tuy nhiên, lần này, hòn đảo được “thở phào” sau khi Triều Tiên (cho dù trước đó đe dọa trả đũa) đã tuyên bố không cần phải phản ứng về sự “khiêu khích” của Hàn Quốc.

Nhưng với Baek, mọi thứ vẫn không hề dễ dàng và thoải mái. Bà cùng nhiều người khác buộc phải ở tại một trong 18 hầm trú ẩn trên hòn đảo cả ngày dài.

Khung cảnh trên con phố nơi có căn nhà của bà vắng lặng rợn người, khiến người ta có cảm giác phập phồng về số phận tương lai của mình. Khách sạn đen thuốc pháo, một toà nhà khác bị phá huỷ. Chỉ duy nhất quyết định nã pháo của Triều Tiên là vào đầu giờ chiều, khi hầu hết dân đảo nghỉ làm việc, nên đã giảm được số dân thường tử nạn.

Sau vụ tấn công, hai người hàng xóm chạy đến đưa Baek tới hầm trú ẩn gần nhất, nơi bà được cấp chăn và thuốc an thần. “Tôi quá kinh hoàng và không thể nói gì”, bà nhớ lại. Bà đã có hai tuần về đất liền với gia đình, những người sống cả ở Incheon, nhưng lại quyết định trở lại Yeonpyeong, bầu bạn với bà là ít người hàng xóm và chiếc ti vi. “Tôi sợ hãi, nhưng tôi không nghĩ Triều Tiên sẽ tấn công lần nữa”, bà nói. “Nhưng tôi vẫn kinh hoàng mỗi khi nghe thấy tiếng động lớn”.

Choi Chung-young rùng mình khi nhớ lại khoảnh khắc chợt hiểu ra ngôi nhà của mình trở thành mục tiêu tấn công. Và là một nhân viên của chính quyền địa phương, Choi vẫn phải ở lại trên đảo Yeonpyeong trong khi gia đình đã sơ tán về đất liền.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là người dân trở lại hòn đảo. Mọi thứ chỉ trở lại bình thường nếu họ trở về”, Choi nói. “Tôi cảm thấy sợ hãi, nhưng tôi là nhân viên chính quyền nên không có lựa chọn nào khác. Tôi không ngủ sâu giấc hàng đêm, mơ thấy vụ tấn công, tôi nghe và nhìn thấy pháo nổ ngay bên mình. Tôi sẽ rời đi nếu có thể, và đoàn tụ với gia đình”.

Một tháng sau vụ tấn công, Yeonpyeong vẫn thực sự hoang vắng. Trong tổng số 1.400 dân, chỉ còn khoảng 100 người ở lại. Phần lớn họ là nhân viên chính quyền địa phương và công nhân xây dựng, tham gia nỗ lực tái thiết, cùng một số lượng lớn nhà báo Hàn Quốc. Từng đống đổ nát vẫn chất cao trên đường phố, những con chó lạc sục sạo tìm thức ăn, run rẩy trong thời tiết giá lạnh.

Ít người dân ở lại cho rằng, vụ nã pháo đã chôn vùi cuộc sống từng nhộn nhịp vui vẻ và sống động của cộng đồng trên đảo. “Tôi cảm thấy ngạt thở”, Park Mi-gyong nói. “Không có trường học, nên trẻ em không biết làm gì, tôi thì ở trong nhà cả ngày. Cuộc sống thường nhật đã bị phá huỷ”.

Kim Chung Gee, 65 tuổi, đã ở trên đảo để cung cấp nước cho quân đội. Ông nói. “Rõ ràng là rất bất tiện, tôi ngủ không sâu, và hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa”.

Con cái ông Kim sống ở Seoul đều tin là Triều Tiên sẽ không tấn công lần nữa, nhưng thừa nhận vụ nã pháo đã thay đổi hòn đảo. “Tôi không chắc 100% rằng hòn đảo sẽ trở lại được bình thường”, ông cho biết.

Những người khác thì bình tâm hơn về tương lai. “Đây là nhà của tôi, và tôi muốn ở đây”, Ra Jae-kyung, 46 tuổi, đã gửi con trai về đất liền, nhưng bản thân vẫn ở lại trên đảo Yeonpyeong để xây dựng lại các ngôi nhà bị hư hại. “Tôi hy vọng rằng Triều Tiên sẽ không làm thế nữa, nhưng ở đây luôn là bầu không khí căng thẳng, nếu may mắn, tôi sẽ sống, nếu không, tôi sẽ chết”.

  • Thụy Phương (Theo globalpost)