(TuanVietNam) - Một thập kỷ vừa qua chứng kiến những tín hiệu thực tế cho thấy chức năng của hiến pháp ở Việt Nam đang chuyển đổi.

Bài viết này cho rằng một thập kỷ vừa qua chứng kiến những tín hiệu thực tế cho thấy chức năng của hiến pháp ở Việt Nam đang chuyển đổi. Những cơ sở thực tế đó đòi hỏi cần xác lập lại một quan niệm vững chắc về hiến pháp như là những giới hạn pháp lý mà nhân dân áp dụng đối với công quyền xuất phát từ những nguyên tắc cai trị hợp lý, một bản cam kết của nhân dân về những giá trị mà họ muốn hướng tới và những sứ mệnh mà cả xã hội sẽ thực hiện để đạt được những giá trị đó. Một quan niệm hiến pháp như vậy là một sự khởi đầu cần thiết cho việc đổi mới quy trình sửa đổi hiến pháp và những sửa đổi cụ thể về các định chế hiến pháp.

Quà tặng từ Thượng Đế

Trong tác phẩm "Người bạn chung của chúng ta", có một cuộc đàm thoại thú vị giữa Podsnap, một người Anh với một người Pháp thượng lưu. Podsnap nói: "Người Anh chúng tôi rất hãnh diện vì hiến pháp do Thượng Đế ban cấp. Không quốc gia nào được hưởng thiên huệ nhiều bằng Anh quốc." Người Pháp thượng lưu hỏi: "Còn các quốc gia khác họ làm sao?" Podsnap đáp, đầu lắc một cách trịnh trọng: "Thưa ông- tôi xin lỗi phải nói như vậy- họ phải tự lo liệu lấy."[1] Thực ra, cái mà Podsnap gọi là "hiến pháp do Thượng Đế ban cấp" là kết quả của một quá trình trầm tích lâu dài của văn hóa chính trị, hình thành nên các quy tắc điều hành chính quyền, cái mà sau này người ta gọi là hiến pháp bất thành văn của nước Anh.

Hơn là sản phẩm của một triều đại, một thế lực cầm quyền nào đó, Hiến pháp bất thành văn của Anh là kết quả của sự đồng thuận chung của người dân về những nguyên tắc điều hành chính quyền. Tuy nhiên, khác với các quốc gia khác, các nguyên tắc đó không phải hoàn toàn là sảm phẩm của hoạt động có ý thức của con người mà chúng được kết tinh một cách vô thức dần dần trong dân chúng. Điều này tạo nên sức sống lâu dài của các quy tắc đó và do các quy tắc lưu truyền một cách tự nhiên trong dân chúng như là kết của của sự chon lọc của dân chúng nên sự tập hợp các quy tắc thành một văn bản đơn hành được người Anh xem là một việc làm mất thời gian và vô ích.

Họ đã tự lo liệu lấy

Không được hưởng ân huệ từ Thượng Đế như người Anh, người Mỹ phải tự lo liệu lấy hiến pháp của riêng mình. Thoát khỏi sự cai trị của người Anh, người Mỹ từng bước tiến tới xây dựng hiến pháp thành văn. Vay mượn chủ yếu triết lý khế ước xã hội từ một triết gia người Anh, John Locke, các nhà lập quốc Mỹ quan niệm chính quyền là sản phẩm của sự đồng thuận của dân chúng và hiến pháp là một hình thức thể hiện sự đồng thuận đó. Hiến pháp Mỹ mở đầu một cách hùng hồn: "Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,...chấp thuận và thông qua bản hiến pháp này." Hiến pháp được xem là một khế ước xã hội của nhân dân nhằm đặt những giới hạn pháp lý lên quyền lực nhà nước. Với ý nghĩa đó, một triết gia chính trị của Mỹ, Thomas Paine trong cuốn "Quyền con người'' (The Right of Man) (1792) cho rằng: Hiến pháp không phải là một đạo luật của chính phủ, mà là của nhân dân, những người cấu thành nên chính phủ.''[2]

Quan niệm về ý nghĩa của hiến pháp như một hình thức pháp lý của dân chúng giới hạn quyền lực của chính quyền dẫn đến việc phân biệt hiến pháp với chính quyền và theo đó hiến pháp là một thứ có trước chính quyền. Thomas Paine nói thêm : "Hiến pháp là một tài sản của quốc dân, không phải của những người điều hành chính quyền. Tất cả các bản hiến pháp ở Mỹ đều tuyên bố là được xây dựng trên cơ sở chủ quyền nhân dân. Ở Pháp, từ quốc dân được sử dụng thay thế cho từ nhân dân; nhưng trong cả hai trường hợp, hiến pháp là một thứ có trước chính quyền." [3]

Tóm lại, trong quan niệm cổ điển, hiến pháp là một hình thức thể hiện sự đồng thuận của nhân dân về các nguyên tắc pháp lý có tính chất giới hạn mà người cai trị họ sẽ áp dụng đối với họ.

Hiến pháp Mỹ mở đầu một cách hùng hồn

Các hiến pháp hiện đại sau này không phải khi ra đời đã mang đầy đủ ý nghĩa và chức năng của hiến pháp như vậy. Lấy dẫn chứng từ tình hình phát triển hiến pháp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, một nghiên cứu của Viện Luật Đông Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore đã chỉ ra đặc điểm của chủ nghĩa hợp hiến ở Đông Á như sau: "việc xây dựng chính quyền hợp hiến cùng với một hệ thống pháp luật được tiến hành như một bộ phận tất yếu của tiến trình hiện đại hóa. Khi việc xây dựng một chính quyền hợp hiến được xem như là một phần hoặc thậm chí chỉ là một phương diện của một dự án thực dụng lớn hơn, hiến pháp có thể dễ trở thành công cụ cho những mục đích lớn hơn (thường là thực dụng). Hiến pháp sẽ không được xem như cũng không được đối xử như là sự tự đồng thuận của nhân dân như là một sự tự do hóa- điều có ý nghĩa bảo đảm các quyền và tự do của họ và giới hạn quyền lực của nhà nước. Thường phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, của sự tự do hóa và dân chủ hóa chế độ hiến pháp hữu danh vô thực để chuyển sang một nền dân chủ hợp hiến thực sự." [4]

Trường hợp của Việt Nam

Dù nhóm nghiên cứu ở Viện luật Đông Nam Á nói trên không khảo sát trường hợp của Việt Nam, nhưng có thể nhận thấy rằng sự phát triển hiến pháp ở Việt Nam cũng chia sẻ một số đặc điểm của tiến trình hiến pháp hóa ở ba nước Đông Á nói trên. Thực vậy, việc xây dựng hiến pháp ở Việt Nam cũng là một bộ phận của một chương trình rộng lớn hơn; và do đó hiến pháp phải được đặt trong tổng thể của cả chương trình vận động quốc gia. Việc xây dựng hiến pháp Việt Nam là một bộ phận của chương trình cách mạng Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong Lời nói đầu của các hiến pháp. Lời nói đầu của các Hiến pháp Việt Nam dành khá nhiều thời gian tổng kết thành quả cách mạng và cuối cùng là nói đến việc ban hành hiến pháp như một việc tiếp tục thực hiện chương trình cách mạng. Hiến pháp được ban hành để thực hiện những nội dung cách mạng trong những giai đoạn khác nhau.

Có thể nói trong các hiến pháp Việt Nam, bản hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1946 gần với ý nghĩa cổ điển của hiến pháp. Hiến pháp 1946, đúng như các hiến pháp cổ điển, chỉ gồm thuần khiết các quy định về chính quyền, được chia làm hai loại: chính quyền được làm gì và được tổ chức như thế nào; những giới hạn đối với chính quyền- tức các dân quyền. Đối với bản hiến pháp này, người ta không nhận thấy việc lập hiến như là một bộ phận của những chương trình kinh tế- chính trị-xã hội rộng lớn hơn.

Đến bản hiến pháp năm 1959, bản hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Việt Nam, người ta có thể nhận thấy rằng bản hiến pháp này là một hình thức để chính thức hóa một kế hoạch xã hội rộng lớn: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Do đó, ngoài các quy định về chính quyền theo lối tập quyền xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp còn chính thức hóa các chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa trong các quy định mới (so với hiến pháp 1946) về chế độ kinh tế, xã hội (Chương II).

Cũng như Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 là một hình thức của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bản hiến pháp này là một hình thức tuyên bố chính thức các kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, sau khi Bắc Nam thống nhất. Ngoài việc tiếp tục và củng cố đậm đặc hơn mô hình chính quyền theo kiểu tập quyền xã hội chủ nghĩa, bản hiến pháp này dành những chương riêng biệt tuyên bố những đường lối cách mạng về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ. (chương 2, chương 3).

Bản hiến pháp hiện hành được ban hành năm 1992 cũng là một bộ phận của một chương trình rộng lớn hơn: chương trình Đổi mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986.

Khi hiến pháp là một bộ phận của một chương trình rộng lớn hơn, hiến pháp phụ thuộc vào mục đích của các cấu phần khác của chương trình tổng thể. Các hiến pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được sử dụng như một hình thức để thực hiện các mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Một mặt, Hiến pháp được dùng như một hình thức để chính thức hóa các mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mặc khác, các hiến pháp thành lập ra một hệ thống chính quyền mang tính chất tập trung, thống nhất, một mô hình chính quyền tương thích với điều hành việc thực hiện các mục tiêu đó.

Có lẽ cũng nằm trong bối cảnh chung của các hiến pháp Đông Á khác, khi hiến pháp được sử dụng như một phương tiện của các mục tiêu khác, ý nghĩa thực sự của hiến pháp ít được quan tâm hơn. Nhìn lại lịch sử ban hành ba bản hiến pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, người ta có thể nhận thấy rằng, nội dung thực sự của hiến pháp về chính quyền không có những thay đổi căn bản: trước sau vẫn là một mô hình nhà nước tập quyền xã hội chủ nghĩa, mặc dù mức độ mỗi lúc mỗi khác. Những thay đổi chủ yếu của hiến pháp là liên quan đến sự điều chỉnh của chương trình kinh tế, xã hội. Ví dụ, điểm khác biệt căn bản của Hiến pháp 1980 và hiến pháp 1992 là chế độ kinh tế (chuyển đổi từ chế độ kinh tế tập trung sang chế độ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), chứ không phải mô hình chính quyền: Hiến pháp 1992 vẫn tiếp tục duy trì mô hình chính quyền theo kiểu tập quyền xã hội chủ nghĩa do hiến pháp 1980 xác lập, có điều chỉnh nhất định về mức độ tập quyền. Trong khi hiến pháp là một văn bản tổ chức chính quyền, những thay đổi căn bản của các hiến pháp xã hội chủ nghĩa lại không phải là về chính quyền mà là về chính sách kinh tế, xã hội.

Ý nghĩa của hiến pháp như những cam kết chung của nhân dân về những giới hạn pháp lý đối với chính quyền không phải là tinh thần của hiến pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ cách hình thành cho đến nội dung của hiến pháp đều cho thấy điều này. Xét về cách hình thành, các hiến pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam do cơ quan lập pháp ban hành; nhân dân hoặc một đại hội hiến pháp của nhân dân không được tổ chức để phê chuẩn hiến pháp. Xét về mặt nội dung, thay vì đặt những giới hạn đối với quyền lực, hiến pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để cho phù hợp với việc điều hành thực hiện các mục tiêu xã hội chủ nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, củng cố sức mạnh của nhà nước bằng việc xây dựng một mô hình chính quyền theo mô hình quyền lực tập trung, thống nhất. Do đó, dễ thấy là những hình thức kiểm soát quyền lực không có trong hiến pháp Việt Nam như bất tín nhiệm chính phủ, đàn hạch, phủ quyết, tài phán hiến pháp.

Phần 2 : Sửa đổi hiến pháp và những tín hiệu mới

-------

[1] Dẫn lại theo: K.C. Wheare ( Nguyễn Quang dịch), Hiến pháp Tân tiến, 1967, tr.23-24.

[2]Thomas Paine, Rights of Man (Meneola, New York : Dover Publications, INC, 1999), p 125.

[3] Như trên, p 130.

[4]Jiunn-Rong Yen & Wen-Chen Chang, "The Emergence of East Asia Constitutionalism: Features in Conparision", ASLI Working Paper, No. 006, Augest 2009, www.law.nus.sg/asli/pub/wps.htm.

  • Bùi Ngọc Sơn