- 11 đập thủy điện lớn được dự kiến xây dựng chặn dòng chảy chính tại hạ lưu đang đặt tương lai của sông Mekong nằm ở "ngã tư đường", theo đánh giá của Ban thư ký Ủy hội sông Mekong.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học "Thủy điện dòng chính Mekong: Sinh kế, an ninh lương thực và sự ổn định khu vực" sáng nay (4/11) tại Hà Nội. Sự kiện do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức.

Cảnh báo tác động


Góp mặt tại hội thảo, đại diện Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) đã nhắc tới một nghiên cứu khá quy mô do MRC tiến hành cách đây 3 năm mà đến nay, theo MRC, những kết quả của nó vẫn còn nguyên giá trị.


Một trong những kết quả đánh giá chính, đó là
"11 đập thủy điện lớn được dự kiến xây dựng chặn dòng chảy chính tại hạ lưu Mekong đặt tương lai của sông vào "ngã tư đường". Những đập này có nguy cơ sẽ tổn hại không thể phục hồi tới sinh thái sông, đồng thời đặt sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu dân cư sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên của dòng sông vào tình trạng đe dọa".

Đề xuất việc ngừng xây dựng đập thủy điện tại Mekong trong 10 năm nữa, MRC chờ đợi sẽ tiến hành các nghiên cứu sâu hơn và mong muốn các nhà chức trách có đầy đủ thông tin về rủi ro do việc xây đập thủy điện gây ra.

Ảnh: Kiên Trung
Những cái mất, theo báo cáo phân tích: việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính thượng nguồn Mekong sẽ không mang lợi cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng vì nó làm thay đổi cơ cấu dòng chảy. Thủy điện Xayaburi và 11 đập khác là dạng đập dâng không điều tiết, nghĩa là chỉ dùng để phát điện, ngoài ra không có mục tiêu nào khác.

Xayaburi về mùa khô, với dung tích hoạt động 225 triệu m3, nếu thủy điện không vận hành theo cơ chế đập dâng mà xả và tích để phát điện, lượng dòng chảy xuống hạ du sẽ thay đổi và gây cạn hơn cho hạ lưu trong nhiều thời điểm. Sự thay đổi này cũng sẽ tác động đến nguồn cá, tăng xâm nhập mặn.


Được ít, mất nhiều

Diễn giả hội thảo, TS Đào Trọng Tứ cho hay, quan điểm phát triển thủy điện từ 20 năm trước đến nay có sự khác nhau. Vào những năm 1990, quy mô công trình thủy điện càng to cho thấy sức mạnh quốc gia càng lớn về con người và kỹ thuật, sản xuất ra nguồn năng lượng khổng lồ… Từ đó đến nay nó đã được nhìn nhận và dừng lại để đánh giá tác động của các công trình thủy điện đối với môi trường và sự phát triển bền vững. Theo đó, công trình thủy điện càng lớn, tác động xâm hại đến môi trường sống càng nhiều.

Đường dẫn tới khu vực định xây đập thủy điện Xayaburi. Ảnh: Bangkok Post

Ủy ban Thế giới về Đập (WCD) được thành lập, đã tiến hành nghiên cứu, phân tích về ba tác động chính từ các công trình thủy điện. Đó là: thay đổi dòng chảy hạ lưu, tác động bồi lắng và chất dinh dưỡng (hạ lưu các đập chắn sẽ ít phù sa và chất dinh dưỡng gây tác động tiêu cực đến các loài thủy sinh, trong đó có cá); tác động liên quan đến những thay đổi năng suất sinh học sơ cấp của hệ sinh thái.


"Rõ ràng, cái được ít hơn so với cái mất khi triển khai thủy điện trên lưu vực các dòng sông"
- theo TS Tứ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng nhóm tư vấn quốc gia Đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thủy điện dòng chính Mekong cho hay, trong số 12 thủy điện trên dòng chính, chỉ duy nhất dự án Thakho là 'run-of-river' (cho nước chảy qua và không có đập). 11 dự án còn lại đều có đập chắn giữa dòng chính.

"Việc xây dựng 11 đập chắn sẽ nhấn chìm 25.000ha đất rừng và 8.000ha đất canh tác; các hồ chứa sẽ thay đổi cảnh quan các thung lũng sông Mekong, nước ngập sâu quanh năm; 1.370km2 đất ven sông sẽ bị ngập vĩnh viễn; 150.000ha đất canh tác ven sông sẽ bị ảnh hưởng bởi 996km hồ chứa của 11 đập, làm mất kế sinh nhai của 450.000 gia đình" - ông Thiện cảnh báo.

Thiếu tướng PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an) dẫn trường hợp đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, Trung Quốc như "minh chứng" cho nhận định về mặt trái của các đập thủy điện.

Khởi công xây dựng từ năm 1994, hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện từ năm 2008, Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất châu Á với chi phí 24 tỷ USD. Hồ nước cao 185 m, dài 660 km, chứa 39 tỷ m3 nước, công suất hơn 18.000 MW (hơn 9 lần thủy điện Hoà Bình,Việt Nam).

Song đập Tam Hiệp làm ngập hơn 600km2 đất phì nhiêu, chôn vùi 13 thành phố, 140 huyện, 1350 làng mạc trong biển nước và buộc 1,4 triệu người phải bỏ nhà đến định cư chỗ khác.  

Chưa vận hành đủ 3 năm, con đập lớn hàng đầu thế giới đã gây ra hậu quả hết sức to lớn về nhiều mặt: môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, nước trong hồ chứa khổng lồ (39 tỷ m3) bị ô nhiễm nghiêm trọng và áp suất quá cao đã gây ra nạn lở đất buộc Chính phủ Trung Quốc phải chi 9 tỷ USD để gia cố chống sạt lở.

Đồng bằng sông Dương Tử đang chịu đựng hạn hán tệ hại nhất trong 50 năm qua, chưa kể những tiềm ẩn động đất khi nhiều cơn địa chấn từng xảy ra. 


Kiên Trung

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi dừng xây đập trên sông Mekong
Gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao các nước hạ lưu sông Mekong, bà Hillary Clinton bày tỏ lo ngại về việc xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
 
Cuộc chiến năng lượng trên dòng Mekong
Mekong là huyết mạch của nhiều quốc gia mà nó chảy qua. Giờ đây, dòng sông trở thành trung tâm một cuộc chiến năng lượng.
 
Dòng Mekong lại bị "bức tử"?
Cách đây hai năm, dòng sông Mêkông đã từng bị “bức tử” bởi đập thủy điện Tiểu Loan của Trung Quốc. Và hôm nay, dòng sông ấy phải tiếp tục gồng mình hứng chịu tác hại nếu dự án thủy điện Xayaburi, Lào triển khai.