- Chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân phải thích đáng, thuyết phục, không để người dân nghĩ chính quyền không quản được thì cấm - Bí thư Hà Nội nói.
Phát biểu kết luận Hội nghị 6 BCH Đảng bộ Hà Nội hôm nay (5/10), Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh chương trình “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị”, trong đó có chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đang được dư luận chú ý.
Phải vì lợi ích của dân
Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ căn cứ và cơ sở khoa học chủ trương này để khi áp dụng sẽ thực sự thuyết phục và hiệu quả.
Theo ông Nghị, chủ trương này phải vì lợi ích của nhân dân, xã hội, giúp cải thiện điều kiện đi lại của số đông chứ không nhằm mục đích cấm đoán, gây thiệt hại cho quyền được sở hữu phương tiện giao thông cá nhân của người dân.
Ông Nghị cũng nhấn mạnh, đồng thời với hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, thành phố phải tăng cường và hoàn thiện hệ thống phương tiện giao thông công cộng, khắc phục tình trạng xe buýt nhiều lên mà đường vẫn tắc nghẽn như hiện nay.
“Chủ trương đưa ra để dân thực hiện thì phải thích đáng, thuyết phục, không để người dân nghĩ rằng chính quyền không quản được thì cấm”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhắc nhở.
Bí thư Phạm Quang Nghị với các đại
biểu dự hội nghị. |
Một loạt thách thức khác đối với công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị của Hà Nội cũng được ông chỉ ra như cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, xuống cấp, xây nhà cho người thu nhập thấp, di dời các cơ sở sản xuất, các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô, xử lý các công trình xây dựng sai phép, nhà siêu mỏng, siêu méo…
Nhận định đây là những việc phức tạp, không dễ xử lý vừa đúng luật vừa hiệu quả, nhưng ông Nghị cho rằng thời gian qua các vấn đề này vẫn bị buông lỏng.
“Công tác quy hoạch phải đi trước một bước”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói. “Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và môi trường…, chúng ta có thể điều chỉnh quy hoạch để đạt yêu cầu khoa học, hợp lý, hiệu quả, đẹp hơn chứ không phải ngược lại”.
Mấu chốt ở con người
Ông Phạm Quang Nghị cũng nhắc nhở các cơ quan thành phố “nhịp độ triển khai công việc không được sôi động, khẩn trương như năm trước”.
“Có thể do các nhiệm vụ không còn quá thúc bách nên không khí có thể trầm lắng hơn”, ông Nghị nói. “Có những cơ quan vẫn dồn dập công việc, nhưng không phải không có những cơ quan đã có tâm lý nghỉ ngơi, lơi là”.
Đối với nhiệm vụ cải cách hành chính, ông Nghị đồng ý bên cạnh cải cách thủ tục, điểm mấu chốt vẫn là nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
“Chúng ta phải tập trung cao độ vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa có đủ năng lực, trình độ giải quyết công việc; vừa có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; và họ cũng cần được quan tâm thỏa đáng về mặt chính sách tiền lương, thu nhập để yên tâm phục vụ”..
Nhiệm vụ chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm cũng được ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh vì “đây đang là vấn đề đặc biệt quan trọng; ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin và đời sống của toàn xã hội".
“Trong rất nhiều trường hợp, nó trở thành một cơ chế không chính thức, tồn tại song hành với hệ thống cơ chế, chính sách chính thức”, Bí thư Thành ủy đánh giá nhiệm vụ này không dễ dàng vì “tâm lý dễ người dễ ta, nể nang không dám đấu tranh, nhất là khi có những biểu hiện tham nhũng, lãng phí đã trở thành tràn lan, phổ biến”.
Với cả hai nhiệm vụ cải cách hành chính và chống tham nhũng, ông Nghị cho rằng xét cho cùng đều ở con người tổ chức thực hiện: “Con người không có tâm, không quyết tâm làm cho hệ thống trở nên trong sạch, vững mạnh của dân, do dân, vì dân thì vẫn có khe hở để tiêu cực”.
Lưu ý những khó khăn, thử thách mà thành phố còn phải tiếp tục đối mặt, ông nhấn mạnh nhiệm vụ của ba tháng cuối năm nay và cả năm tới là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn và ở những vùng xa trung tâm.
Chung Hoàng