- Dẫn lại ví dụ về hiệu quả của một phiên điều trần tại Ủy ban Tư pháp mới đây, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng, nên tiến hành thường xuyên hơn nữa hoạt động điều trần.

Hội thảo quốc tế sáng nay ( 7/10) tiếp tục nội dung về đổi mới quy trình, thủ tục chất vấn tại các phiên họp toàn thể.

Nên tranh thủ sự đồng tình của người khác

Cựu ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết, người làm "nổi sóng" nhiều phiên chất vấn của Quốc hội khóa 12, khẳng định các phiên chất vấn gần đây nhờ truyền hình trực tiếp và sức mạnh của truyền thông nên đã có nhiều chuyển biến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: Nên tăng điều trần ở các ủy ban và Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lê Nhung
Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản khiến người dân và nhiều ĐB chưa thật sự hài lòng.

Chẳng hạn, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành suốt nhiệm kỳ, thậm chí cả hai nhiệm kỳ không hề phải trả lời chất vấn trước Quốc hội lần nào, như lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ngoại giao...

Trong khi chất vấn tại nghị viện các nước là những cuộc trao đi, đổi lại ngắn gọn được giới hạn thời gian thì ở nước ta, thời gian dành cho mỗi chất vấn vẫn còn quá dài. Có đại biểu vừa nêu câu hỏi vừa giải thích bối cảnh, kéo dài tới 7 phút. Còn bộ trưởng cũng dành cho mỗi câu trả lời tới 15 phút, tạo ra dư luận không hay về việc "đá bóng, câu giờ".

Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng chỉ ra một hạn chế là các trưởng ngành ngày càng tránh nhận trách nhiệm, tránh hứa hẹn. Đến nỗi có lần một vị khi trả lời đại biểu về một vấn đề cụ thể kèm câu nói "Chúng tôi sẽ đến địa phương xem thế nào" đã lập tức giải thích luôn "nhưng xin báo cáo Quốc hội đây không phải là lời hứa".

Trong khi đó, Quốc hội cũng không bắt buộc phải ra nghị quyết sau chất vấn và chưa từng có tiền lệ về việc bỏ phiếu tín nhiệm, khiển trách và lập ủy ban lâm thời để điều tra. Chưa có quy định cụ thể nào về đôn đốc sau chất vấn. Hiệu lực chất vấn tại các phiên toàn thể cũng không cao bởi lẽ mỗi đại biểu hỏi một vấn đề khác nhau.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền gọi đây là trạng thái hoạt động "đơn thương độc mã", thiếu sự liên kết, chia sẻ. Thậm chí, nhiều trường hợp ngay khi ĐBQH trước vừa chất vấn xong thì một đại biểu khác đứng lên phản bác lại chất vấn đó. Chính vì sự rời rạc này nên trong thời gian chất vấn ngắn ngủi, không vấn đề nào được đẩy đến cùng và được truy vấn mạnh mẽ.

Theo ông Quyền, nên tăng cường điều trần ở các ủy ban và Thường vụ Quốc hội, bởi sự liên kết sức mạnh trong một ủy ban tạo hiệu ứng tốt. Chưa kể, các vấn đề nóng phát sinh thường xuyên không thể đợi đến phiên họp.

Cựu ĐBQH Đặng Văn Thanh cũng cho rằng, mỗi đại biểu nên tranh thủ sự đồng tình của người khác để ý kiến nêu ra có thêm sức nặng.

Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Minh Thuyết đề xuất nên bổ sung vào luật sửa đổi khái niệm về điều trần/giải trình cũng như các quy định: người yêu cầu điều trần, đối tượng, cơ quan tổ chức, hậu quả pháp lý. Một số ủy ban đã tiến hành điều trần ở khóa 12 tương đối hiệu quả...

Chất vấn để xác định trách nhiệm chính trị

Nhiều đề xuất khác được đưa ra nhằm tăng cường hiệu quả các phiên chất vấn và đảm bảo văn hóa nghị trường trong tranh luận.

Đại biểu Quốc hội khóa 13 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất. Ảnh: Lê Anh
Chẳng hạn, theo ông Thuyết, việc ra nghị quyết sau mỗi phiên chất vấn phải được xem là thủ tục bắt buộc. Trong nghị quyết cần xác định trách nhiệm người bị chất vấn, nêu những việc bắt buộc phải thực hiện và những việc khuyến nghị thực hiện. Gắn kết quả chất vấn với chế tài và giao trách nhiệm đôn đốc sau chất vấn cho cơ quan của Quốc hội và cơ quan cấp trên của người bị chất vấn.

Nói như cựu ĐBQH Đặng Văn Thanh, chất vấn ở Quốc hội nhằm xác định trách nhiệm chính trị hơn là trách nhiệm pháp lý.

Một yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo tính dân chủ trong mỗi phiên chất vấn là tiếng nói của người điều hành. Ông Nguyễn Minh Thuyết nhớ lại, trong nhiệm kỳ khóa 11, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đôi lúc khiến các vị bộ trưởng lúng túng khi đưa ra những câu hỏi đúng lúc, đúng chỗ. Nhưng cũng có khi, Chủ tịch QH lại giữ vai trò trung gian "tung phao" cho các vị trưởng ngành. "Ở đâu và lúc nào thì chủ tọa cũng phải là người đầy kinh nghiệm và linh hoạt đủ để lèo lái vấn đề", ông Thuyết kết luận.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà cũng khẳng định, người điều hành phải là một vị "trọng tài" và giữ vai trò trung gian trong mỗi cuộc chất vấn.

Một điểm chung được nhiều đại biểu dự hội thảo chia sẻ, đó là từng ĐBQH phải phát huy bản lĩnh, rèn luyện kỹ năng để nâng cao chất lượng chất vấn. Và điều đó phải do từng đại biểu tự rèn luyện, như đã cam kết trước cử tri ngay từ lúc được bầu.

Lê Nhung

MỜI BẠN ĐỌC THÊM:

>> Không thể ngồi gật gù
>> "Ca sỹ hát hay đến mấy nghe hoài cũng chán"
>> "Thủ tướng trả lời thẳng thắn, nhưng cử tri thấy hơi tiếc"