- Né tránh cung cấp thông tin, mua chuộc, đe dọa, giữ người, tấn công gây thương tích, trả thù, thậm chí quấy rối... Cản trở, hành hung người làm báo được nhận diện diễn biến phức tạp.

>> Đánh nhà báo phải xử tội chống người thi hành công vụ

RED - Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển - một tổ chức khoa học phi lợi nhuận thuộc Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam hôm qua (17/10) công bố kết quả dự án "Nghiên cứu - truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp". Dự án được sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Anh, triển khai từ tháng 6/2011 đến đầu năm 2012.


12 hành vi cản trở báo chí tác nghiệp được RED nhận diện cho thấy những vấn đề bỏ ngỏ trong việc xây dựng một hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động chuyên môn của báo chí hiện nay. Nghiên cứu dựa trên ý kiến của 7,2 vạn bạn đọc của 6 tờ báo trực tuyến uy tín, đồng thời khảo sát trực tiếp 384 nhà báo đang hành nghề. RED nhận định "tình hình cản trở, hành hung người làm báo đã và đang diễn ra phức tạp".


Chấn thương sọ não vì tác nghiệp

Phóng viên Trần Công Lũy, báo Công lý, kể chuyện "gặp hạn" khi bị còng tay, bóp cổ, dọa thu giữ máy móc, đưa về trụ sở công an chỉ vì tội... chụp ảnh người dân mua sắm trong một hội chợ ở An Giang tháng 5 vừa qua.


Trưởng đại diện báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên Hoàng Thiên Nga, tác giả nhiều bài điều tra về nạn phá rừng, từng bị khủng bố tinh thần, xe ô tô bị đốt... Nhà báo Cao Hùng - người có 15 năm công tác ở báo Lao Động - nổi tiếng với các loạt bài chống tiêu cực và bảo vệ môi trường - cũng nhiều lần bị đối tượng xã hội đe dọa giết...


Nhà báo Trần Thế Dũng, báo Người Lao động, bị hành hung tại Lạng Sơn, sát một điểm nóng về buôn lậu xuyên biên giới. Nhóm buôn lậu đã hành hung tập thể anh, sau đó công khai đưa đến đồn công an rồi bỏ đi. Bệnh án của bệnh viên Việt - Đức (Hà Nội) ghi rõ anh Dũng bị "chẩn đoán chấn thương sọ não kín, tụ máu quanh hốc mắt hai bên, tụ máu xung huyết hai mắt".


Phóng viên Thế Dũng và Võ Minh Châu bị hành hung dã man khi đang tác nghiệp

Đe dọa, giữ người là hai trong số những hành vi cản trở gây nguy hiểm cho các nhà báo. 320 trên tổng số 384 phóng viên, nhà báo mà RED tiếp cận, cho biết đe dọa, khủng bố tinh thần nhiều khi không nhằm vào phóng viên, nhà báo mà lại vào gia đình họ. 71 người từng bị đe dọa, khủng bố. Nhiều người bị trả thù do viết bài chống tiêu cực.

Trong nhiều trường hợp, nhà báo bị những đối tượng hoàn toàn không có thẩm quyền, không thuộc cơ quan chức năng nào, giằng giật máy ảnh. Hay phổ biến nhất là hành vi "né" cung cấp thông tin. Nhiều phóng viên khi liên hệ công tác thường xuyên phải nghe bài ca "mệt, bận, không biết" hay "chuyện nội bộ, không thể công bố", hay gây khó dễ với nhiều trường hợp tinh vi đủ để cơ quan báo chí không thể dùng điều luật hay quy định nào về cung cấp thông tin để gây sức ép.


Có những đối tượng không từ chối hẳn, mà vẫn nhận lời tiếp phóng viên, nhưng liên tục sai hẹn, cốt để phóng viên nản và bỏ cuộc. "Cắt liên lạc" cũng là kiểu hành vi cản trở trong đó đối tượng chủ động tắt máy điện thoại, cắt mọi kênh liên lạc qua điện thoại, email, fax… “biến mất một cách bí ẩn”. Có trường hợp, đối tượng đồng ý tiếp xúc, nhưng khi phóng viên đến địa điểm hẹn thì không gặp, gọi điện thì đối tượng không bật máy. 18 người đã thực sự là nạn nhân bị quấy rối nhằm mục đích đe dọa, gây nhiễu để phóng viên, nhà báo không tác nghiệp được.


Các lĩnh vực tác nghiệp hay bị cản trở được RED ghi nhận gồm phản ánh một vấn đề thời sự xã hội, chống tiêu cực về tài chính, liên quan đến quản lý đất đai, chống xâm hại môi trường, liên quan quản lý tài nguyên, khoáng sản, liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, liên quan đến công tác cán bộ, y tế - giáo dục, giải trí... Đặc biệt, hai lĩnh vực bảo vệ tài nguyên - môi trường và chống tham nhũng, nguy cơ nhà báo bị cản trở là "cực kỳ cao".


Nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân - báo Pháp luật TP.HCM cho biết khi tác nghiệp với tư cách phóng viên viết bài đấu tranh chống tham nhũng, anh thường xuyên bị từ chối thông tin, bôi nhọ, gây khó dễ.


Cản trở nhà báo là tội

Từ nhận diện 12 dạng hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp, RED chỉ ra thấu đáo những nguyên nhân cả từ phía người làm báo, cơ quan báo chí và từ phía đối tượng. RED cho rằng, những bất cập tồn tại trong hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng để hạn chế các vụ việc cản trở, góp phần xây dựng một xã hội minh bạch thông tin, thì luật pháp đóng vai trò tối quan trọng


Để bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của phóng viên, luật chuyên ngành đã có nhiều quy định. Song có nhiều vấn đề đặt ra.


Như vụ phóng viên báo Người Lao động bị hành hung ở Lạng Sơn được cơ quan chức năng khởi tố vụ án theo điều 104 Bộ luật Hình sự, nhưng sau đó đã đình chỉ điều tra do thương tật của phóng viên Trần Thế Dũng chỉ là 2%, chưa đủ mức xử lý hình sự vì tội cố ý gây thương tích. Việc xử lý vụ án này gây bức xúc trong xã hội, trong làng báo, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về chính sách, về pháp lý.


Kể từ mốc thời gian 2001 đến nay đã 10 năm, "các quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cản trở, hành hung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hủy hoại tài sản của nhà báo chưa bao giờ được áp dụng", bất chấp sự tồn tại của chúng trên văn bản.


Nhóm chuyên gia của RED cũng nêu vấn đề: phóng viên đi tác nghiệp có phải người thi hành công vụ? Cần làm rõ cản trở hoạt động báo chí có phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội không. Chỉ khi câu hỏi này được trả lời thì mới đưa ra được phương án giải quyết.

Trả lời khảo sát của RED, đa số phóng viên, nhà báo cho rằng cần có thêm tội “cản trở nhà báo tác nghiệp” trong Bộ luật Hình sự. Cũng cần có một thông tư hướng dẫn Nghị định 02, do Bộ Thông tin - Truyền thông hoặc cơ quan chức năng tương đương ban hành làm rõ 12 hành vi cản trở nhà báo đã được nhận diện.


Anh Thư