- Do thu nhập thấp, cán bộ, công chức tùy theo năng lực, sở trường, chuyên môn mà tìm mọi cách, mọi việc có thể làm để tạo ra thu nhập. Nghịch lý là lương không đủ sống nhưng nhiều người sống đàng hoàng... - Đánh giá của Bộ Nội vụ khi nhìn lại cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2003 đến nay.

Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công hiện hành được thực hiện từ ngày 01/01/2003 theo Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2003 - 2007 đã được Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX thông qua (Kết luận số 21-KL/TW ngày 07/8/2003) và Chính phủ đã báo cáo tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XI (tháng 10/2003).

Đến cuối năm 2007, Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương Nhà nước đã tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tiền lương giai đoạn 2003 - 2007 và xây dựng Đề án tiền lương giai đoạn 2008 - 2012 báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Bí thư Trung ương và Bộ Chính trị trình Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua (Kết luận số 20-KL/TW ngày 28/01/2008), trong đó đã nhấn mạnh: “Tiếp tục quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng: Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Từ đó, nghiên cứu thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương”; “Cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội. Trên cơ sở đó, hình thành các cơ chế tiền lương (hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp) ngày càng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo động lực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước”.

Đồng thời, cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức là một nội dung của Chương trình cải cách tổng thể hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 với các nội dung như sau:

“Cải cách tiền lương theo quan điểm: coi tiền lương là hình thức đầu tư trực tiếp cho con người, đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và hoạt động công vụ. Những việc chính là:

- Nâng mức lương tối thiểu cho cán bộ, công chức đủ sống bằng lương. Cải cách hệ thống thang lương, bảng lương trên cơ sở xem xét tính chất và đặc điểm lao động của các loại cán bộ, công chức; điều chỉnh bội số và hệ số tiền lương trong các thang, bảng lương;

- Chậm nhất đến năm 2005, thực hiện xong cải cách cơ bản chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, thực hiện tiền tệ hóa đầy đủ tiền lương, điều chỉnh tiền lương tương ứng với nhịp độ tăng thu nhập trong xã hội;

Chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được cải cách từ năm 2003 đến nay và sẽ tiếp tục được cải cách trong giai đoạn 2012 - 2020. Ảnh minh họa: Bình Minh

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ngoài lương theo ngạch, bậc, theo cấp bậc chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ, công chức cho cán bộ, công chức làm việc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, độc hại….”
Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề kinh tế - xã hội hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều năm đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi phải được cân nhắc kỹ nhiều mặt, cả về nội dung cải cách và lộ trình thực hiện cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, nên trong quá trình thực hiện, Đảng và Nhà nước đã căn cứ vào tình hình thực tế kinh tế - xã hội của đất nước để triển khai những bước đi phù hợp nhằm bảo đảm cân đối kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước, bảo đảm an sinh xã hội,…, cụ thể:

Hàng năm, Chính phủ đã xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu chung; sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp đặc thù đối với một số ngành, nghề; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức một số chuyên ngành; sửa đổi, bổ sung các chế độ phụ cấp lương cho phù hợp; thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp,...đã góp phần từng bước hoàn thiện chế độ tiền lương và cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, mức độ cải thiện, bước đi còn chậm và từng nội dung của chế độ tiền lương hiện hành còn những hạn chế như: Mức lương tối thiểu chưa đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương; quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình - tối đa còn bình quân; thang, bậc lương và các chế độ phụ cấp còn phức tạp, chưa thực sự hợp lý giữa các ngành, nghề và các loại cán bộ, công chức, viên chức; việc đổi mới cơ chế tài chính để tạo nguồn cho cải cách tiền lương và đổi mới cơ chế tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm,...dẫn đến chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý, chính sách tiền lương, thu nhập chưa động viên được cán bộ, công chức, viên chức gắn bó, tận tâm với công việc, …

Để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2012 – 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Bộ Nội vụ báo cáo tổng kết thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2003 đến nay và định hướng cải cách giai đoạn 2012 – 2020 như sau:

I. VỀ MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU:

1. Kết quả đạt được:

a) Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác. Đồng thời, chế độ tiền lương hiện hành quy định mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức bằng mức lương tối thiểu chung là mức lương thấp nhất (mức lương của nhân viên phục vụ bậc 1), được dùng làm căn cứ để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và được dùng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

b) Mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức nêu trong Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2003 – 2007 và 2008 – 2012 như sau:

- Đề án giai đoạn 2003 – 2007 dự kiến mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức cao hơn mức lương tối thiểu chung, cụ thể:

Năm

2003

2004

2005

2006

2007

Mức lương tối thiểu chung của Đề án (1.000đ/tháng)

290

290

300

320

340

Mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức của Đề án (1.000 đ/tháng)

% cao hơn so với mức lương tối thiểu chung

290

 

0%

290

 

0%

320

 

7%

350

 

9%

400

 

18%


- Đề án giai đoạn 2008 – 2012 dự kiến mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức bằng mức lương tối thiểu chung (bằng mức lương tối thiểu vùng IV – vùng thấp nhất của khu vực doanh nghiệp); đồng thời áp dụng chế độ phụ cấp công vụ, cụ thể:

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

Mức lương tối thiểu chung của Đề án (1.000đ/tháng)

540

630

730

850

990

Mức phụ cấp công vụ của Đề án[1] (% tính trên mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

0%

10%

20%

30%

40%



[1] Theo Đề án tiền lương giai đoạn 2008 – 2012 thì mức phụ cấp công vụ cao nhất đến năm 2013 là 50% (chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang).


c) Thực hiện các nội dung của Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2003 – 2007 và 2008 – 2012, từ tháng 01/2003, Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, cụ thể là:

- Kết quả điều chỉnh mức lương tối thiểu chung theo Đề án tiền lương giai đoạn 2003 – 2007:

+ Tháng 01/2003 điều chỉnh từ 210.000 đồng lên 290.000 đồng/tháng (tăng thêm 38,1%);

+ Tháng 10/2005 điều chỉnh từ 290.000 đồng lên 350.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,7%);

+ Tháng 10/2006 điều chỉnh từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng/tháng (tăng thêm 28,6%).
Từ năm 2003 đến hết năm 2007, mức lương tối thiểu chung đã được điều chỉnh 3 lần từ 210.000 đồng/tháng lên 450.000 đồng/tháng, bằng 2,143 lần, tăng thêm 114,3%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) +46,75% và mức tăng chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống +95,45%. Như vậy, mức tăng tiền lương thực tế so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là +46,02% và so với chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống là +9,64%, đời sống của người hưởng lương đã có phần được cải thiện.

- Kết quả điều chỉnh mức lương tối thiểu chung theo Đề án tiền lương giai đoạn 2008 – 2012:

+ Tháng 01/2008 điều chỉnh từ 450.000 đồng lên 540.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,0%);

+ Tháng 5/2009 điều chỉnh từ 540.000 đồng lên 650.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,4%);

+ Tháng 5/2010 điều chỉnh từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng/tháng (tăng thêm 12,3%);

+ Tháng 5/2011 điều chỉnh từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng (tăng thêm 13,7%).
Từ năm 2008 đến năm 2011, mức lương tối thiểu chung đã được điều chỉnh 4 lần từ 450.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, bằng 1,844 lần, tăng thêm 84,4%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) +65,09% và thấp hơn mức tăng chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống +99,05%. Như vậy, mức tăng tiền lương thực tế so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là +11,72% và so với chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống là -7,34%. Đây là giai đoạn nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta thấp hơn so với giai đoạn 2003 – 2007, lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự kiến, nên tuy Chính phủ đã chú trọng đến việc điều chỉnh tiền lương nhưng tiền lương thực tế bị giảm sút, đời sống của người hưởng lương gặp khó khăn.

Tính chung từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh 7 lần từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, bằng 3,952 lần, tăng thêm 295,2% cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và mức tăng GDP là 85,9%. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung nêu trên được thực hiện trên cơ sở các mức đã dự kiến trong Đề án tiền lương giai đoạn 2003 – 2007 và 2008 – 2012, có điều chỉnh linh hoạt theo mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng của ngân sách nhà nước để từng bước cải thiện đời sống của cán bộ, công chức .

2. Hạn chế:

Việc thực hiện mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức chưa đạt được các mục tiêu của Đề án giai đoạn 2003 – 2007, giai đoạn 2008 – 2012 và của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, cụ thể:

a) Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung mới thực hiện chủ yếu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách, chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức, mức tăng tiền lương thực tế thấp nên đời sống của người hưởng lương còn gặp nhiều khó khăn,…

So sánh mức lương tối thiểu chung với kết quả tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội theo phương pháp nhu cầu tối thiểu (chưa tính đủ tiền nhà trong tiền lương) như sau:

Nội dung

Mức lương tối thiểu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu (chưa tính đủ tiền nhà)

Mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định

Tỷ lệ giữa mức lương ở cột 3 so với cột 2

(1)

(2)

(3)

(4)

Năm 2003

576.000 đ

290.000

50,35%

Năm 2008

1.048.000 đ

540.000 đ

51,53%

Năm 2011

1.410.000 đ

830.000 đ

58,87%


Tính toán theo phương pháp nhu cầu tối thiểu (chưa tính đủ tiền nhà) theo giá năm 2008 thì cơ cấu chi tiêu lương thực, thực phẩm bảo đảm 2.300 Kcal/người/ngày là 52,64% và chi tiêu phi lương thực, thực phẩm là 47,36%. Trong thực tế, mức lương tối thiểu chung do Chính phủ ban hành chỉ bảo đảm bằng khoảng 50% mức lương tối thiểu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu (chưa tính đủ tiền nhà) thì mới bảo đảm cho nhu cầu tối thiểu về chi tiêu lương thực, thực phẩm, chưa bảo đảm được các chi tiêu khác.

b) Chưa thực hiện được việc quy định mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức cao hơn mức lương tối thiểu chung theo Đề án giai đoạn 2003 – 2007.

c) Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu giai đoạn 2008 – 2012 đối với cán bộ, công chức còn chậm hơn so với khu vực doanh nghiệp.

Mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng từ 1.400.000 đồng/tháng (vùng IV – vùng thấp nhất) đến 2.000.000 đồng (vùng I – vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ, cụ thể là: Mức lương tối thiểu 830.000 đồng từ tháng 5/2011 áp dụng đối với cán bộ, công chức chỉ bằng 59,3% vùng IV – vùng thấp nhất (vùng có thị trường lao động kém phát triển nhất như các huyện nghèo,…) và bằng 41,5% vùng I – vùng cao nhất (vùng có thị trường lao động phát triển nhất như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,…).

Như vậy, tuy từ năm 2003 đến nay Chính phủ thường xuyên điều chỉnh mức lương tối thiểu nhưng mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức, kéo theo các mức lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng thấp theo, chưa đủ để cán bộ, công chức sống bằng tiền lương, thấp hơn mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường nên khó thu hút được người có tài năng vào làm cán bộ, công chức, chưa tạo ra động lực cho cán bộ, công chức tận tâm, gắn bó với công việc, nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng tốt, chưa làm cơ sở cho việc thực hiện nghiêm tính kỷ luật trong thực thi công vụ, chưa tạo điều kiện cho việc cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng,…

II. VỀ QUAN HỆ MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU – TRUNG BÌNH – TỐI ĐA

1. Kết quả đạt được:

Theo Đề án tiền lương giai đoạn 2003 – 2007 và căn cứ Kết luận số 21/KL-TW ngày 07/8/2003 của Hội nghị Trung ương 8 khóa IX “Khi xây dựng quan hệ tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa phải chú trọng nâng thêm mức lương cho các đối tượng lương trung bình và thấp, đồng thời nâng mức lương tối đa để khuyến khích những người có trình độ chuyên môn cao.

Theo hướng đó, từ tháng 10/2004, điều chỉnh quan hệ tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa từ 1 – 1,78 – 8,5 hiện nay lên 1 – 2,34 – 10”, việc mở rộng dãn cách quan hệ mức lương tối thiểu – trung bình - tối đa đã được thực hiện từ tháng 10/2004 (theo các thang lương, bảng lương mới), trong đó hệ số lương trung bình (tốt nghiệp đại học qua tập sự - kỹ sư bậc 1) tăng từ 1,78 lên 2,34, tăng thêm 31,5%; hệ số lương tối đa (chuyên gia cao cấp bậc 3) tăng từ 8,5 lên 10, tăng thêm 17,6%. Hệ số lương của Chủ tịch nước (cao nhất trong hệ thống bảng lương của Nhà nước) tăng từ 10 lên 13, tăng thêm 30%. Các mức lương thấp (nhân viên, cán sự) có mức (%) tăng cao hơn để có lợi cho số đông cán bộ, công chức.

Mức lương bằng tiền tính theo quan hệ mức lương tối thiểu – trung bình – tối đa hiện hành (1-2,34-10) và mức lương tối thiểu chung 830.000 đồng/tháng từ tháng 5/2011 như sau:

Chức danh Hệ số lương Mức tiền lương tháng (chưa đóng 6% BHXH, 1,5% BHYT, 1% công đoàn phí) Mức tiền lương tháng (sau khi đã đóng 6% BHXH, 1,5% BHYT, 1% công đoàn phí)

Nhân viên phục vụ bậc 1 (thấp nhất) 1,00 830.000 đ/tháng 759.450 đ/tháng

Chuyên viên bậc 1 (đại học qua tập sự) 2,34 1.942.200 đ/tháng 1.777.133 đ/tháng

Chuyên gia cao cấp bậc 3 10,00 8.300.000 đ/tháng 7.594.500 đ/tháng

Tổng bí thư, Chủ tịch nước (cao nhất) 13,00 10.790.000 đ/tháng 9.872.850 đ/tháng

2. Hạn chế:

- Quan hệ mức lương tối thiểu – trung bình – tối đa theo Đề án tiền lương giai đoạn 2003 – 2007 được thực hiện từ tháng 10/2004 đã mở rộng hơn so với trước đó nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các mức lương trên thị trường, dẫn đến hệ thống thang, bậc lương còn bình quân, mức lương xác định đối với các chức danh tương ứng chưa phản ánh đúng mức độ phức tạp công việc. Mức lương trung bình của cán bộ, công chức còn thấp so với thu nhập trung bình của lao động xã hội , chưa bảo đảm cho công chức sống được bằng tiền lương, nên không có tính cạnh tranh, làm hạn chế khả năng giữ và thu hút người giỏi vào làm việc trong khu vực nhà nước.

- Theo Đề án tiền lương giai đoạn 2008 – 2012 đã được thông qua tại Kết luận số 20-KL/TW ngày 28/01/2008 của Hội nghị Trung ương 6 khóa X thì đến năm 2011 tiếp tục thực hiện mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu – trung bình – tối đa, trên cơ sở đó tiếp tục thu gọn thang, bảng, ngạch, bậc lương và hoàn thiện các chế độ phụ cấp, khuyến khích người có tài, người làm việc giỏi. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được nhiệm vụ này của Đề án tiền lương giai đoạn 2008 – 2012 do tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước không đạt như dự kiến.

III. HỆ THỐNG THANG LƯƠNG, BẢNG LƯƠNG:

1. Kết quả đạt được:

Hệ thống thang lương, bảng lương hiện hành được thực hiện theo Đề án tiền lương giai đoạn 2003 – 2007 từ tháng 10/2004 trên cơ sở kế thừa những tiến bộ và khắc phục những hạn chế của hệ thống bảng lương trước đây. Theo đó, đã thu gọn một bước hệ thống ngạch, bậc lương, mở rộng khoảng cách chênh lệch giữa các bậc lương. Hệ thống thang, bảng lương đã bao quát được các ngành, lĩnh vực và các đối tượng liên quan, giảm dần phức tạp, đảm bảo tương quan giữa các đối tượng, các ngành và các lĩnh vực. Cụ thể như sau:

- Quy định bảng lương chức vụ đối với các chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên và cán bộ cấp xã . Các chức danh lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) còn lại từ Trung ương đến cấp huyện và công chức cấp xã có trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch, bậc công chức, viên chức và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

- Tách bảng lương hành chính với bảng lương sự nghiệp để gắn với cơ chế hình thành nguồn trả lương, cách thức trả lương phù hợp với trao quyền tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, về quản lý, sử dụng lao động và nguồn tài chính, tự chủ về trả lương cho người lao động trong đơn vị sự nghiệp. Rút bớt số bậc trong các ngạch (cán sự trở xuống rút bớt 4 bậc, chuyên viên trở lên rút bớt 1 bậc so với trước), cụ thể là:

+ Đối với công chức chuyên môn, nghiệp vụ (từ cán sự và tương đương trở lên) làm việc ở các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể, toà án, kiểm sát, thanh tra, tư pháp áp dụng thống nhất một bảng lương. Các điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi ngành, nghề thực hiện bằng phụ cấp để thu gọn thang lương, bảng lương; các ngành toà án, kiểm sát, thanh tra, kiểm tra được thực hiện phụ cấp trách nhiệm; rút bớt số bậc lương trong các nhóm ngạch công chức để tăng khoảng cách giữa các bậc, giảm bớt tính bình quân trong tiền lương. Khi đã xếp bậc cuối cùng trong ngạch thì hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (không khống chế tối đa); đồng thời đã quy định chế độ nâng bậc sớm (thưởng) khi đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và kéo dài thời gian nâng bậc (phạt) khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật.

+ Đối với viên chức ở các ngành sự nghiệp áp dụng chung một bảng lương để làm căn cứ cho việc cấp hoặc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, để đóng – hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trả lương ngày nghỉ chế độ. Tiền lương thực trả phụ thuộc vào nguồn thu và kết quả hoạt động của từng đơn vị sự nghiệp. Các ngành giáo dục, y tế,… được thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi phù hợp.

+ Đối với công chức, viên chức thừa hành phục vụ trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội áp dụng một bảng lương chung.

2. Hạn chế:

- Trong quá trình thực hiện hệ thống thang, bảng lương theo Đề án tiền lương giai đoạn 2003 – 2007 từ tháng 10/2004 đến nay đã bộc lộ các bất hợp lý cần được nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp như sau:

+ Số lượng ngạch, bậc lương vẫn khá phức tạp. Việc trả lương, quản lý và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, bậc của ngành chuyên môn chủ yếu dựa vào bằng cấp đào tạo và thâm niên công tác, chưa theo yêu cầu vị trí việc làm, dẫn đến chạy theo bằng cấp, nặng về thi cử, chưa gắn với kết quả thực thi nhiệm vụ của từng vị trí việc làm đảm nhận. Trong không ít cơ quan, đơn vị có tình trạng người có ngạch, bậc lương thấp hơn lại làm được hoặc làm tốt hơn những phần việc của người có ngạch, bậc lương cao hơn, nhưng không được trả lương cao hơn.

+ Tương quan về tiền lương và phụ cấp chức vụ của các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị – xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau.

+ Nguyên tắc thiết kế bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức chuyên ngành vẫn còn những ý kiến khác nhau: Thiết kế bảng lương áp dụng chung , hay thiết kế bảng lương riêng đối với từng ngành. Đến nay, có một số ngành đề nghị thiết kế bảng lương riêng như: Toà án nhân dân, Kiểm sát nhân dân, Ngoại giao và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

+ Bảng lương hiện hành quy định mỗi loại công chức, viên chức (ngạch tương đương) có một số nhóm mức lương là phức tạp và chưa hợp lý .

- Đến nay, chưa thực hiện việc ban hành hệ thống thang, bảng lương mới trên cơ sở mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu – trung bình – tối đa theo bước đi của Đề án tiền lương giai đoạn 2008 – 2012.

IV. VỀ CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯƠNG:

1. Kết quả đạt được:

a) Từ tháng 10/2004 đến tháng 12/2007:

Trên cơ sở nguyên tắc thiết kế của hệ thống thang, bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngoài mức lương theo ngạch, bậc công chức, tại thời điểm tháng 10/2004, Chính phủ quy định 12 chế độ phụ cấp lương để khuyến khích, thu hút cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng khó khăn hoặc theo điều kiện lao động của ngành, nghề, ....cụ thể là:

+ Nhóm phụ cấp theo phân loại chức danh và phân loại tổ chức: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác.

+ Nhóm phụ cấp theo vùng: Phụ cấp khu vực; phụ cấp đặc biệt; phụ cấp thu hút.

+ Nhóm phụ cấp theo điều kiện lao động và ưu đãi ngành, nghề công việc: Phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp lưu động; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh.

+ Nhóm phụ cấp theo thời gian công tác: phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề.

Trong quá trình thực hiện, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã chủ trì, phối hợp với liên Bộ xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với 11 ngành nghề và chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với 5 ngành, nghề.

b) Từ tháng 01/2008 đến nay:

- Bổ sung 3 chế độ phụ cấp mới gồm: Phụ cấp theo loại xã; phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phụ cấp công vụ.

- Bổ sung hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I; nâng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với chức danh Bí thư tỉnh ủy từ 1,3 lên 1,4, của chức danh Phó trưởng đoàn thể ở Trung ương, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh từ 1,25 lên 1,3 và của chức danh Tư lệnh quân khu từ 1,20 lên 1,25.

- Bổ sung đối tượng hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, nhà giáo, kiểm tra Đảng

- Sửa đổi, bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành y tế (mức cao nhất 70%), ngành khí tượng thủy văn (mức cao nhất 30%) và phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội mức 30%.

Trong điều kiện mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp thì việc thực hiện các chế độ phụ cấp lương đã bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức theo địa bàn công tác hoặc điều kiện làm việc và chính sách ưu đãi, thu hút của Nhà nước theo nghề, công việc, phát huy tác dụng các chức năng của tiền lương, thúc đẩy phân công lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

2. Hạn chế:

Trong quá trình thực hiện các chế độ phụ cấp lương hiện hành đã phát sinh một số bất hợp lý như sau:

- Khung phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp, chênh lệch phụ cấp chức vụ lãnh đạo giữa cấp trưởng và cấp phó không đáng kể nên chưa thể hiện rõ thứ bậc trong hành chính. Mức tiền phụ cấp chức vụ chưa tương xứng với trách nhiệm công việc được giao.

- Việc giải quyết trước một bước về phụ cấp đối với một số đối tượng có tác dụng bổ sung thu nhập, động viên được một bộ phận cán bộ, công chức ở một số ngành, nghề (đến nay đã có 19 ngành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề và 9 ngành được hưởng phụ cấp thâm niên nghề) nhưng lại tạo ra phát sinh bất hợp lý mới như: các ngành, nghề chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp thâm niên nghề cũng đề nghị được hưởng phụ cấp hoặc các ngành đã được hưởng phụ cấp thì đề nghị nâng mức hưởng phụ cấp cao hơn, tạo ra tâm lý so sánh giữa các ngành, nghề; khó thu hút, điều động công chức, viên chức có năng lực ở các đơn vị sự nghiệp về công tác trong các cơ quan quản lý nhà nước,...

Ví dụ:

+ Cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện được hưởng phụ cấp bằng 30% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Do đó, phát sinh chênh lệch thu nhập giữa cán bộ, công chức cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan Nhà nước (đều là đối tượng áp dụng quy định của Luật Cán bộ, công chức và xếp lương theo các ngạch công chức hành chính), cụ thể: Đồng chí Phó bí thư thường trực huyện ủy và đồng chí Phó bí thư huyện ủy – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đều đang xếp hệ số lương 4,74 bậc 2 ngạch chuyên viên chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,70. Tính theo mức lương tối thiểu chung 830.000 đồng/tháng từ tháng 5/2011 thì tiền lương của đồng chí Phó bí thư huyện ủy – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là 4.515.000 đồng/tháng và tiền lương của đồng chí Phó bí thư thường trực huyện ủy được hưởng thêm 30% phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội là 5.869.760 đồng/tháng (cao hơn 1.354.760 đồng/tháng).

+ Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 25% đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề (phụ cấp này được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội), viên chức y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 20% đến 70%, nên khó tuyển dụng được nhà giáo, viên chức y tế có năng lực về công tác tại Bộ, Sở, phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân do công chức hành chính chỉ được hưởng tiền lương theo ngạch, bậc công chức và phụ cấp công vụ (mức 10% từ ngày 01/5/2011), thấp hơn nhiều so với viên chức ở các đơn vị sự nghiệp.

- Việc giải quyết bổ sung các chế độ phụ cấp còn mang tính chắp vá, không đồng bộ, lại được quy định trong nhiều văn bản luật, nghị định hướng dẫn luật chuyên ngành và do nhiều cơ quan giải quyết, nên đã phá vỡ các nguyên tắc thiết kế ban đầu, làm mất ý nghĩa của từng loại phụ cấp, phát sinh bất hợp lý về thu nhập trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Ví dụ: Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII quy định về chủ trương, định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015, nhưng lại có quy định “bảo lưu phụ cấp đứng lớp trong thời hạn 3 năm cho nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục”; theo đó, nhà giáo được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan nhà nước trở thành công chức hành chính và được xếp lương theo các ngạch công chức, nhưng lại được hưởng bảo lưu phụ cấp ưu đãi theo nghề của nhà giáo, dẫn đến phá vỡ nguyên tắc chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề chỉ áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên ngành trong thời gian trực tiếp làm nghề hoặc công việc đó, làm phát sinh chênh lệch thu nhập ngay trong nội bộ của cơ quan Sở, phòng, đồng thời phát sinh đề nghị của các ngành về vấn đề này.

- Chưa có quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức không giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm công việc của người khác mà giảm được biên chế; có nhiều mức phụ cấp kiêm nhiệm (cán bộ và công chức cấp xã là 20%; cán bộ và công chức từ cấp huyện trở lên là 10%).

- Phụ cấp theo đơn vị hành chính ở cấp huyện và cấp xã chưa nhất quán, cụ thể là ở cấp huyện quy định phụ cấp chức vụ khác nhau theo phân loại đô thị, còn ở cấp xã quy định phụ cấp theo loại xã.

V. VỀ CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG, NÂNG NGẠCH

1. Kết quả đạt được:

Chế độ tiền lương hiện hành tiếp tục kế thừa chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn khi có thông báo nghỉ hưu của chế độ tiền lương năm 1993; đồng thời bổ sung chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ (tỷ lệ không quá 5% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị), đã có quy định xếp lên bậc lương cao hơn đối với người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn tiêu chuẩn khi tuyển dụng (người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ nội trú xếp bậc 2; người có trình độ tiến sĩ xếp bậc 3) hoặc người có thời gian công tác đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước.

Việc thi nâng ngạch công chức, viên chức đã được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho những người có tài năng (trình độ, kinh nghiệm) được bổ nhiệm và xếp lương ở ngạch cao hơn theo công việc đảm nhiệm. Triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức và khuyến khích, động viên người có tài năng trong hoạt động công vụ, từ năm 2011 Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức thi nâng ngạch cạnh tranh đối với các ngạch công chức.

2. Hạn chế:

Trong quá trình thực hiện chế độ nâng bậc, nâng ngạch đã phát sinh một số bất hợp lý như sau:

- Việc thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa kịp thời, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất mức độ hoàn thành nhiệm vụ để làm cơ sở xem xét nâng bậc lương.

- Tỷ lệ 5% được xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc còn thấp. Trên thực tế số công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo được nâng bậc lương còn hạn chế, nên chính sách này chưa có tác động nhiều đến đội ngũ công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ.

- Việc thi nâng ngạch còn nặng về giải quyết chính sách, chưa gắn với vị trí việc làm do chưa xây dựng được cơ cấu ngạch công chức, viên chức.

VI. CƠ CHẾ QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG VÀ THU NHẬP:

1. Kết quả đạt được:

a) Đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội:

- Đã thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ, trên cơ sở đó thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên góp phần đẩy mạnh thực hiện quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Trong phạm vi biên chế và kinh phí hoạt động được giao, các cơ quan hành chính đã chủ động nghiên cứu cải tiến quy trình thực hiện nhiệm vụ và ban hành nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ đó, tiết kiệm được kinh phí hoạt động thường xuyên, vừa góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện đời sống của người hưởng lương. Kết quả cụ thể như sau:

Ở Trung ương: Theo số liệu báo cáo của 13 Bộ, cơ quan ngang Bộ về kết quả thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP thì trong năm 2009, các cơ quan nhà nước ở Trung ương tiết kiệm được khoảng 7,48% số biên chế được giao và tiết kiệm được khoảng 8,72% số kinh phí được giao thực hiện tự chủ. Có khoảng 98% cơ quan, đơn vị có thu nhập tăng thêm, trong đó:
+ 90,8% cơ quan, đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm dưới 0,2;
+ 2,2% cơ quan, đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 0,2 đến dưới 0,3;
+ 0,3% cơ quan, đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 0,3 đến dưới 0,4;
+ 6,8% cơ quan, đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 0,4 trở lên.

Người có mức thu nhập tăng thêm cao nhất là 18.188.000 đồng/tháng (Văn phòng Trung ương về phòng, chống tham nhũng); người có mức thu nhập tăng thêm thấp nhất là 41.667 đồng/tháng (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Ở cấp tỉnh: Theo số liệu báo cáo của 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP thì trong năm 2009, các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh tiết kiệm được khoảng 7,18% số biên chế được giao và tiết kiệm được khoảng 5,23% số kinh phí được giao tự chủ. Có khoảng 58,9% cơ quan, đơn vị có thu nhập tăng thêm, trong đó:
+ 80,8% cơ quan, đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm dưới 0,2;
+ 8,8% cơ quan, đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 0,2 đến dưới 0,3;
+ 5,2% cơ quan, đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 0,3 đến dưới 0,4;
+ 5,2% cơ quan, đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 0,4 trở lên.

Người có mức thu nhập tăng thêm cao nhất là 10.884.000 đồng/tháng (tỉnh Hà Tĩnh); người có mức thu nhập tăng thêm thấp nhất là 17.000 đồng/tháng (tỉnh Đồng Tháp).

- Đã thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với một số cơ quan theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc trên cơ sở số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và nguồn kinh phí được sử dụng, mức chi tiền lương, tiền công bình quân đối với cán bộ, công chức và người lao động cao hơn so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức do Nhà nước quy định (lương ngạch, bậc, chức vụ và các loại phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ), cụ thể:

+ Không quá 1,8 lần đối với cán bộ, công chức và người lao động các cơ quan: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;

+ Không quá 3 lần đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

- Ngoài thu nhập từ tiền lương, các cơ quan, tổ chức vận dụng các quy định của Nhà nước đã bổ sung thu nhập có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức như: tiền bồi dưỡng họp, tiền bồi dưỡng cho người chủ trì hoặc tham gia đóng góp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, đề tài, thù lao báo cáo viên hoặc giảng viên kiêm nhiệm, tiền hỗ trợ ăn trưa...Đối với những người giỏi, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì khoản thu nhập ngoài lương này lớn hơn nhiều so với lương cơ bản hàng tháng.

b) Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:

Căn cứ Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp trong thời gian qua. Kết quả cụ thể như sau:

- Ở Trung ương (theo số liệu báo cáo của 13 Bộ, cơ quan ngang Bộ) :

Cơ cấu phân loại các đơn vị sự nghiệp theo nguồn thu, gồm: 14,2% đơn vị tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên; 72,1% đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí chi thường xuyên và 13,7% đơn vị do ngân sách nhà nước cấp toàn bộ;
Cơ cấu kinh phí được giao quyền tự chủ, gồm: 40,8% kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và 59,2% kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.
Có 43,7% đơn vị thực hiện tự chủ có thu nhập tăng thêm, trong đó:
45,3% đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm dưới 1,0;
38,4% đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 1,0 đến dưới 2,0;
9,3% đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 2,0 đến dưới 3,0;
7% đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm trên 3,0.

Người có mức thu nhập tăng thêm cao nhất là 42.700.000 đồng/tháng (Bộ Thông tin và Truyền thông); người có mức thu nhập tăng thêm thấp nhất là 83.000 đồng/tháng (Bộ Thông tin và Truyền thông).

- Ở cấp tỉnh (theo số liệu báo cáo của 20 tỉnh, thành phố trực thuộc TW):
Cơ cấu phân loại các đơn vị sự nghiệp theo nguồn thu, gồm: 4,5% đơn vị tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên; 32,4% đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí chi thường xuyên và 63,2% đơn vị do ngân sách nhà nước cấp toàn bộ;
Cơ cấu kinh phí được giao quyền tự chủ, gồm: 59,3% kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và 40,7% kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

Có 46,3% đơn vị thực hiện tự chủ có thu nhập tăng thêm, trong đó:
93,6% đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm dưới 1,0;
4,9% đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 1,0 đến dưới 2,0;
1,1% đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 2,0 đến dưới 3,0;
0,3% đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm trên 3,0.

Người có mức thu nhập tăng thêm cao nhất là 12.640.000 đồng/tháng (Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh Vĩnh Long); người có mức thu nhập tăng thêm thấp nhất là 22.000 đồng/tháng (Thư viện tỉnh Bình Dương).

Việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập là phù hợp với tính chất hoạt động của loại hình tổ chức này, vừa khuyến khích đơn vị nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ nhân dân được tốt hơn, vừa tăng thêm nguồn thu cho đơn vị để bổ sung thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động, từ đó khuyến khích động viên công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, gắn bó với công việc. Hiện nay, số lượng công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập khoảng 1.700.000 người. Do đó, việc đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính, tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là rất quan trọng, có tính quyết định cho việc cải cách tiền lương ở Việt Nam.

- Tương tự như cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, ngoài thu nhập từ tiền lương, các đơn vị sự nghiệp công lập vận dụng các quy định của Nhà nước đã bổ sung thu nhập từ nguồn kinh phí của đơn vị cho công chức, viên chức như: tiền bồi dưỡng họp, tiền bồi dưỡng cho người chủ trì hoặc tham gia đóng góp xây dựng văn bản, đề án, đề tài, thù lao báo cáo viên hoặc giảng viên kiêm nhiệm, làm thêm ngoài giờ, tiền hỗ trợ ăn trưa...

2. Hạn chế:

a) Việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với các cơ quan hành chính nêu trên đã tạo điều kiện để các cơ quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số bất hợp lý như sau:
- Do định mức khoán kinh phí quản lý hành chính còn thấp nên phần tiết kiệm được để chi tiền lương tăng thêm cho cán bộ, công chức còn thấp (90,8% cơ quan, đơn vị ở Trung ương và 80,5% cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh có hệ số tăng thêm dưới 0,2).
- Việc chi trả tiền lương tăng thêm ở nhiều cơ quan, đơn vị còn bình quân (chi theo lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc bằng mức tiền như nhau), chưa gắn với vị trí công việc và kết quả thực hiện nhiệm vụ.
- Cán bộ, công chức và người lao động làm việc ở các cơ quan được thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có thu nhập bình quân cao hơn từ 1 đến 2 lần so với các cơ quan khác đã tạo ra tâm lý so bì trong đội ngũ công chức.
- Trong nhiều trường hợp các khoản thu nhập ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập của cán bộ, công chức nhưng cán bộ, công chức vẫn cho là đãi ngộ của Nhà nước thấp nên không coi trọng vào công việc chính đảm nhiệm mà dành nhiều thời gian cho các việc làm khác (trong giờ và ngoài giờ) để có thêm thu nhập.

b) Việc thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều bất hợp lý như sau:

- Việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của khu vực sự nghiệp công lập còn chậm, còn nặng về tư duy bao cấp, không đạt mục tiêu, tiến độ đề ra. Theo Kết luận số 20-KL/TW, thì trong năm 2008 ban hành khung giá dịch vụ về giáo dục đào tạo và khám chữa bệnh, .... nhưng đến nay mới ban hành được Nghị định của Chính phủ về học phí, trong đó nguyên tắc xác định học phí chưa theo định hướng tính đủ tiền lương, từng bước tính đủ các chi phí khác.

- Chưa thực sự đổi mới cơ chế tài chính, tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng hạch toán thu – chi (không vì mục đích lợi nhuận).

- Kinh phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện chủ yếu vẫn do ngân sách nhà nước cấp, tỷ lệ đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên còn thấp (ở Trung ương là 14,2% và ở cấp tỉnh là 4,5%).

VII. CÁC GIẢI PHÁP TẠO NGUỒN

1. Kết quả đạt được:

a) Đã thực hiện nhiều giải pháp từ nhiều nguồn khác nhau thay cho chỉ có một nguồn từ ngân sách Trung ương như trước đây để thực hiện cải cách tiền lương, cụ thể là:

- Tiết kiệm 10% chi ngân sách thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương): áp dụng đối với tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giải pháp này góp phần đẩy mạnh thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và sử dụng kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu để cải cách tiền lương, đẩy mạnh triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã phát huy được tác dụng tích cực, tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương ngay tại đơn vị.

- Sử dụng một phần nguồn thu của các cơ quan hành chính: Các cơ quan hành chính có thu sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ.

- Sử dụng một phần nguồn thu sự nghiệp: Các đơn vị sự nghiệp có thu, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ; riêng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế).

- Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương.

- Số nguồn kinh phí còn thiếu do ngân sách trung ương bảo đảm.

b) Việc bảo đảm kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và cơ chế dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương được thực hiện kịp thời; các cơ quan, đơn vị chi trả tiền lương mới tăng thêm cho người lao động theo đúng quy định.

c) Đã có 20 tỉnh, thành phố tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương năm 2011, ngân sách Trung ương không phải bổ sung, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau.

2. Hạn chế:

a) Tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt dự kiến ảnh hưởng lớn đến thu cân đối ngân sách nhà nước.

b) Chi ngân sách nhà nước tăng nhanh hơn dự kiến, nhất là chi để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

c) Khả năng huy động các nguồn lực khác để cân đối chi ngân sách nhà nước, từ đó dành nguồn cho cải cách tiền lương còn hạn chế.

d) Việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của khu vực sự nghiệp công lập không đạt mục tiêu, tiến độ đề ra.

đ) Giải pháp tiết kiệm 10% chi thường xuyên và sử dụng một phần nguồn thu được để lại theo chế độ, sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương để chi tiền lương áp dụng đối với tất cả các cơ quan, đơn vị còn bất hợp lý, cụ thể: Do định mức chi cho một số lĩnh vực (như sự nghiệp kinh tế,...) còn thấp nên không đáp ứng được nhu cầu chi thực tế cho công việc chuyên môn; nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị còn dư nguồn thực hiện cải cách tiền lương nhưng không được sử dụng để chi lương cao hơn cho cán bộ, công chức, viên chức hoặc sử dụng vào mục đích khác mà phải chuyển số dư sang năm sau,...

VIII. HẬU QUẢ CỦA CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG THẤP VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ TRONG CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG

1. Hậu quả của chính sách tiền lương thấp:

Việc cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ năm 2003 đến nay đã từng bước triển khai toàn diện các nội dung, gồm: Tiền lương tối thiểu; quan hệ mức lương tối thiểu – trung bình – tối đa; hệ thống thang lương, bảng lương và các chế độ phụ cấp; cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt được các mục tiêu đề ra theo các Nghị quyết của Đảng và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 như: Cán bộ, công chức chưa đủ sống bằng tiền lương, chính sách tiền lương, thu nhập chưa động viên được cán bộ, công chức, người lao động tận tâm, gắn bó với công việc, chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý, quá trình đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn nhiều bất cập và yếu kém (việc triển khai ở nhiều lĩnh vực còn chậm, còn nặng về tư duy bao cấp, chưa chủ động huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và của xã hội để phát triển các dịch vụ sự nghiệp công, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập)…

Nhiều ý kiến cho rằng chính sách tiền lương hiện hành tồn tại nhiều bất hợp lý và kéo dài, đã gây ra một số hậu quả đối với bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức như sau:

- Không thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung vào thực thi nhiệm vụ công vụ, dẫn đến tình trạng chất lượng của việc xây dựng hệ thống thể chế (kinh tế, hành chính, tư pháp…) và các quyết sách về chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội có phần bị hạn chế. Chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật chưa tốt, chưa thực sự phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, có những văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung ngay sau khi ban hành một thời gian ngắn,…

- Chưa góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ tài, đủ tầm thực hiện công vụ trong điều kiện mới, cụ thể: Một số người đã từ bỏ làm việc trong bộ máy nhà nước do chính sách đãi ngộ của Nhà nước không đủ giữ, thu hút họ ở lại.

Thực tế là vẫn có người muốn vào làm việc trong bộ máy nhà nước, trong đó có người thiện chí mong muốn đóng góp cho công việc chung của đất nước, có người yếu kém về năng lực không thể tìm được việc làm ở khu vực doanh nghiệp, có nhiều người là phụ nữ cần có việc làm ổn định và có nhiều thời gian cho gia đình, con cái, cũng có những người vào trong bộ máy nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng để có điều kiện tiến thân theo con đường quan chức, tham nhũng, làm giàu bất chính,…

- Không duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước: Công chức không chấp hành đúng quy định thời gian làm việc 8 giờ tại công sở diễn ra phổ biến ở tất cả các cấp, các ngành; do thu nhập thấp, cán bộ, công chức tùy theo năng lực, sở trường, chuyên môn, nghiệp vụ của mình mà tìm mọi cách, mọi việc có thể làm để tạo ra thu nhập; cán bộ, công chức không chú trọng đến việc xây dựng thể chế hoặc lợi ích chung mà chỉ muốn làm các công việc cụ thể liên quan đến nhân sự, tài chính, đất đai,...trực tiếp với dân, với doanh nghiệp để có điều kiện nhũng nhiễu, hạch sách, từ đó có thêm thu nhập bảo đảm cuộc sống, dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo xảy ra ngay trong nội bộ đội ngũ cán bộ, công chức, xuất hiện nghịch lý “tiền lương không đủ sống nhưng nhiều người sống đàng hoàng, tiền lương thấp nhưng rất khó được vào biên chế”…

2. Nguyên nhân của những hạn chế trong cải cách chính sách tiền lương:

a) Đã có nhiều Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách tiền lương nhưng việc thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng vào cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

b) Do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên từ năm 2008 đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của nước ta đạt thấp hơn dự kiến, chưa bền vững và do những yếu kém nội tại của nền kinh tế nước ta như thâm hụt thương mại lớn, kéo dài, bội chi ngân sách nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp,….đã khiến lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự kiến nên giảm ý nghĩa của việc cải cách tiền lương của Nhà nước, đời sống của người hưởng lương có khó khăn,…

c) Các cấp, các ngành tuy đã nhận thức được hậu quả của chính sách tiền lương thấp nhưng chưa quyết tâm thực hiện theo mục tiêu chung mà chỉ chú ý đến những lợi ích riêng của ngành, địa phương như: chưa chú trọng sắp xếp bộ máy, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động để tinh giản biên chế, thực hành tiết kiệm,…mà lại đề nghị tăng thêm tổ chức, biên chế, tăng thêm chức danh, số lượng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn,… dẫn đến đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước ngày một tăng nhưng năng suất, hiệu quả hoạt động công vụ không cao, còn nhiều cán bộ, công chức làm việc kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn hưởng đủ lương,….

d) Còn nặng về tư duy bao cấp, trông chờ ỷ lại vào ngân sách nhà nước, giải quyết chính sách còn mang tính bình quân, dàn trải, chậm đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chưa tách được việc giải quyết các chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công với chính sách tiền lương.

đ) Việc giải quyết tiền lương và phụ cấp còn mang tính chắp vá, không đồng bộ, được quy định trong các văn bản luật, Nghị định hướng dẫn Luật chuyên ngành và do nhiều cơ quan giải quyết.

Bộ Nội vụ
Tiêu đề do VietNamNet đặt

Phần tiếp theo: Định hướng cải cách lương 2012 - 2020