- Rất nhiều đề xuất được đưa ra cho đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020 để cán bộ, công chức có thể sống bằng lương. Với điều kiện, cải cách lần này phải thật.

Hội thảo ngày 23/9 ở Đồ Sơn, Hải Phòng đánh giá kết quả cải cách chính sách tiền lương từ 2003 đến nay và định hướng giai đoạn 2012-2020 do Bộ Nội vụ tổ chức và UNDP tài trợ quy tụ cán bộ cùng chuyên gia từ nhiều bộ và địa phương phía Bắc.

Tất cả đều thống nhất: Cải cách lương không dễ. Nhưng, nói như nguyên Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Đặng Như Lợi, vấn đề bây giờ là chúng ta có định cải cách thật hay không. “Nếu chỉ là khẩu hiệu thì không nên làm, sẽ mất thì giờ”, ông Lợi nói.

Cải cách lương không dễ. Ảnh: Bình Minh

8 năm 7 lần chỉnh vẫn chưa đủ sống 

Theo dự thảo báo cáo tổng kết của Bộ Nội vụ, 8 năm qua, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh 7 lần, từ 210.000 đồng lên 830.000/đồng, nghĩa là tăng 295,2%, so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và tăng GDP 85,9%.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường thừa nhận, đến nay, lương tối thiểu chung vẫn chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức (CBCC). Và hậu quả đầu tiên được dự thảo nêu, là không thu hút được người tài vào cơ quan nhà nước hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung thực thi nhiệm vụ công vụ, khiến “chất lượng việc xây dựng hệ thống thể chế và các quyết sách về chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội có phần bị hạn chế”. 

Dự thảo báo cáo cũng cho hay lương không đủ sống đã làm “một số người” rời khu vực Nhà nước. Nghịch lý là, vẫn có người muốn vào làm việc trong bộ máy, nhưng trong số đó có cả những người năng lực yếu kém không thể tìm được việc làm ở khu vực doanh nghiệp. Cũng có người muốn vào Nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng, tiến thân theo con đường quan chức, tham nhũng, làm giàu bất chính...

Một nghịch lý nữa được Bộ Nội vụ chỉ ra, đó là lương thấp khiến CBCC tìm mọi cách để tạo ra thu nhập, “chỉ muốn làm những việc cụ thể liên quan đến nhân sự, tài chính, đất đai... trực tiếp với dân, doanh nghiệp để có điều kiện nhũng nhiễu”. Và do đó, ngay đội ngũ CBCC cũng phân hóa giàu nghèo, lương không đủ sống nhưng nhiều người sống đàng hoàng.

Những đánh giá này, theo Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, vẫn “chưa đủ đậm”. Ông Đinh Duy Hòa cho rằng, lần cải cách này “phải tạo chuyển biến thực sự  trong nhận thức” về lương. Muốn vậy, báo cáo cần nêu bật được việc CBCC vì không sống nổi bằng lương nên phải tận dụng công việc đang làm để “kiếm thêm” và chuyện tham nhũng, tiêu cực càng ngày càng gia tăng chứ không giảm.

Cũng như vậy, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Hữu Dũng nhận xét, dự thảo báo cáo chưa nêu được hết bức xúc. “Có rất nhiều điểm nếu không được  giải quyết thì không gỡ được nút thắt của cải cách. Hiện nay, thu nhập ngoài lương rất cao, không kiểm soát được, không có giới hạn”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Thu nhập ngoài lương rất cao, không kiểm soát được, không có giới hạn. Ảnh: H.Anh

Không thể tăng lương nếu không đủ nguồn 

Một trong những nội dung làm nóng cuộc hội thảo mở màn cho chuỗi các cuộc gặp góp ý về đề án cải cách tiền lương là nguồn cho cải cách ở đâu? “Mấy lần cải cách trước đều xảy ra tình trạng ‘gọt chân cho vừa giày’”, ông Đặng Đức Đạm, nguyên Phó trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng nhận định.

Nếu ông Đặng Như Lợi đề xuất phải giảm đến 40% tổng số cán bộ, công chức, viên chức không đủ chất lượng theo yêu cầu, thì Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng đối với các dịch vụ công như y tế, giáo dục, khoa học, chỉ cần tạo cơ chế chứ không cần dựa 100% vào ngân sách nhà nước. Vì mục tiêu an sinh xã hội, chẳng hạn với vùng sâu, vùng xa thì cần bao cấp đủ. Bà Hương cũng thiết tha đề nghị phải phân cấp trong cải cách tiền lương. Khu vực hành chính công phải đi trước, bằng cách tạo lương lành mạnh, chẳng hạn lương của công chức vừa tốt nghiệp đại học phải là 4-5 triệu đồng. Vụ trưởng 10-15 triệu đồng/tháng. Thứ trưởng có thể nhận lương mấy chục triệu.

Ông Đặng Đức Đạm cũng đề xuất cả một nhóm giải pháp tạo nguồn để cải cách tiền lương, trong đó Nhà nước cần bớt một phần đầu tư cho phát triển doanh nghiệp nhà nước, dành vốn đầu tư nhiều hơn cho phát triển yếu tố con người trong bản thân bộ máy hành chính, triệt để “tiền tệ hoá lương”, đưa tất cả các khoản bao cấp vào thể hiện trong lương (nhà, xe, điện thoại...). Theo ông, cần công khai hoá, tiến tới quản lý các khoản thu nhập ngoài lương của công chức, trước hết là các khoản từ đề tài khoa học, dự án hợp tác quốc tế, hợp đồng ký với doanh nghiệp...

Một trong những người phát biểu sau cùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đồng tình phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phân tách rõ khu vực hành chính, doanh nghiệp và sự nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh đòi hỏi phải cải cách cơ bản hệ thống tiền lương, đừng lặp lại việc “mỗi lần sửa lại là một sự chắp vá mới”.  

Ngày 26/9, Bộ Nội vụ tổ chức một hội thảo nữa tại TP.HCM để nghe ý kiến của đại diện các tỉnh, thành phía Nam. Dự kiến, đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012 - 2020 sẽ được trình Trung ương tháng 4 năm sau.

  3 phương án trong định hướng cải cách 2012-2020:

- Lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu tối thiểu (tính đủ tiền nhà trong lương) ở vùng có thị trường lao động phát triển nhất (vùng có mức lương tối thiểu cao nhất của khu vực doanh nghiệp).

- Lương tối thiểu bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp, đồng thời áp dụng hệ số tăng thêm đối với CBCC ở những vùng có thị trường lao động phát triển, để mức lương tối thiểu của CBCC cao hơn mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp trên, bảo đảm tính cạnh tranh của lương công chức, thu hút người có tài năng vào bộ máy nhà nước.

- Quy định mức lương tối thiểu áp dụng với CBCC trên cơ sở mức thu nhập và mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước.

Hiền Anh

MỜI BẠN ĐỌC THÊM: