- Tiếp tục thảo luận về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm chiều nay (26/10), chỉ một số ít ĐBQH đề cập đến tình hình tội phạm tham nhũng đang gia tăng. Phát hiện nhiều nhưng xử lý chưa được bao nhiêu là điều khiến các ĐB băn khoăn.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu: "Hiện có hơn 211 nghìn tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm và số tiền vi phạm lớn nhưng thu hồi lại nhỏ. Chỉ một số ít vụ chuyển cơ quan điều tra, trong đó không biết có bao nhiêu vụ đưa đến cơ quan xét xử".

Trao đổi ngoài hành lang QH, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định: "Ai cũng nói có tham nhũng mà không thấy xử lý nhiều, vì thực ra đây là vấn đề khó, nhất là trong cơ chế này".

ĐB Đỗ Mạnh Hùng

Nói chuyện cơ chế trong phòng, chống tham nhũng, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thẳng thắn cho rằng cần đánh giá lại mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. "Nếu cần thì tăng thẩm quyền và phân công lại", ông Hùng nói.

"Hiện ban chỉ đạo từ trung ương đến địa phương do Thủ tướng và chủ tịch tỉnh đứng đầu. Mô hình này đang phát huy hiệu quả, vì những người này có đủ điều kiện và nắm quy trình phát sinh tham nhũng nên dễ dàng ngăn ngừa", ông Hùng nhận định. "Dù có là trưởng ban hay không thì những người này vẫn phải tham gia phòng chống tham nhũng và huy động được kịp thời các nguồn lực".

Tuy nhiên, ông Hùng không khỏi băn khoăn liệu mô hình này có dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Bên cạnh phân tích "khối lượng công việc của những người này rất nhiều, việc ở ban chỉ đạo lại kiêm nhiệm nên khó dành thời gian", ông Hùng còn chỉ ra "công tác phòng chống tham nhũng vừa qua chưa cao", và đặt câu hỏi "không biết có phải do mô hình này không".

Nhưng theo ông Dương Trung Quốc, cần có thời gian để tổng kết thực tiễn việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng sau khi luật này có hiệu lực, chứ không thể nói một cách cảm tính.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng còn cho rằng thời gian qua, Chính phủ chưa huy động được toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng. Một trong những nguyên nhân ông nêu là "cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng chưa hiệu quả".

Ông Hùng đề xuất phải minh bạch hơn trong cơ chế phòng chống tham nhũng cũng như cần có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người chống tham nhũng.

ĐB Dương Trung Quốc (giữa)
Tại phiên thảo luận chiều nay, ĐB Dương Trung Quốc đề cập đến "một vấn đề rất mới mẻ mà đến giờ vẫn chưa thể chỉ đích danh là biểu tình hay tụ tập".

"Cách đây hơn một thập kỷ đã chứng kiến người nông dân Thái Bình biểu tình, ban đầu cũng ít nhiều bị nhìn nhận có tính chất bạo loạn. Nhưng thời điểm đó các lãnh đạo đã sáng suốt, về tận dân để tìm hiểu, và nhận ra câu chuyện có hai mặt, để rồi có thể trừng trị những kẻ quá khích, xúi giục, đồng thời chấn chỉnh bộ máy chính quyền địa phương", ông Quốc kể.

"Với các sự kiện gần đây, ta không thể hôm trước nói là yêu nước, hôm sau lại gọi là phản động, hoặc quy kết cho các lực lượng bên ngoài, mà không nhìn lại trách nhiệm của chúng ta là chưa tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tập hợp và tổ chức quần chúng...", ĐB tỉnh Đồng Nai nhận định.

"Rất mừng khi Chính phủ chủ động đề xuất cần có một lộ trình xây dựng Luật Biểu tình. Nếu ta không chủ động nhìn nhận hiện tượng mới nhưng sẽ phát triển trong tương lai này, một cách thận trọng, khoa học và khách quan phân tích và đưa ra những khuôn khổ pháp lý, ta sẽ càng lúng túng, đó mới là lúc kẻ xấu lợi dụng".

T.Chung - L.Nhung - Ảnh: M.Thăng