- Hầu hết đại biểu trong phiên thảo luận kinh tế xã hội được tường thuật trực tiếp sáng nay (27/10) đều nói về những vấn đề kinh tế - xã hội tản mát, rất nhiều người phản ánh chuyện địa phương hoặc những câu chuyện đã nói từ nhiều năm nay như chế độ cho cán bộ xã, đầu tư công dàn trải... Một trong các vị bộ trưởng nhận được nhiều sự quan tâm nhất sáng nay là Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng với các 'khoảng tối' của ngành.
>> Tướng Lê Văn Cương bình về "hiện tượng Đinh La Thăng"
Bà Nga thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân cốt tử. Thứ nhất, do ý thức người dân quá yếu kém. 80% các vụ tai nạn là do lỗi người điều khiển như phóng nhanh vượt ẩu. Biện pháp cần thiết là tiến hành giáo dục ý thức và tăng cường xử lý vi phạm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Bộ GTVT hàng năm phải báo cáo Quốc hội tiến độ làm trong sạch đội ngũ |
Nguyên nhân thứ hai là tình trạng
yếu kém trong quản lý nhà nước đã kéo dài nhiều năm. Một trong các tồn tại
rõ nhất là việc thực hiện chế độ trách nhiệm không nghiêm. Chính phủ đã ban hành
rất nhiều quy định pháp luật nhưng không ai thực hiện và cũng không ai phải chịu
trách nhiệm hay bị kỷ luật.
3 khóa gần đây, có trên 150.000 người chết vì tai nạn nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ chức, không cán bộ nào từ cơ sở tới TƯ bị kỷ luật do để xảy ra tai nạn. Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm bộ trưởng nào vì lý do này.
Tình hình như vậy nhưng hàng năm đại đa số cán bộ công chức các đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn giao thông đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Theo bà Nga, nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế, khó có thể giải quyết tình trạng này.
Nguyên nhân khác được chỉ ra là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa hạ tầng và phương tiện. Vấn đề này xuất phát từ chính sách. Việc cho phép phát triển ồ ạt phương tiện trong 10 năm qua đã vượt xa khả năng đáp ứng của hạ tầng.
Việc này đi ngược với chủ trương quản lý nhà nước khi năm 2002 trong Nghị quyết 12 Chính phủ đã đưa ra chủ trương tăng cường phương tiện vận tải công cộng, kìm chế sự gia tăng của mô tô xe máy, hạn chế thấp nhất phương tiện cá nhân ở Hà Nội, TPHCM. Nhưng thực tế, trong khi tăng cường phương tiện công cộng, phát triển ở các thành phố lớn, Chính phủ cũng đồng thời cho phép sản xuất, nhập khẩu, lưu thông xe cá nhân như ôtô, xe máy, phát triển rầm rộ taxi. Tai nạn và ùn tắc giao thông là hệ quả tất yếu. Đại biểu yêu cầu Chính phủ giải trình rõ hướng giải quyết vấn đề.
Mặt khác, không ít tuyến đường giao thông huyết mạch xuống cấp nhanh, tai nạn rình rập hàng giờ, ảnh hưởng giao thương.Cũng theo bà Nga, nhiều chủ trương của ngành giao thông đã thành công vì thực hiện nghiêm túc cho dù ban đầu vấp phải làn sóng phản đối, như chủ trương đội mũ bảo hiểm, cấm xe lam... Trong khi đó, các mục tiêu về hạn chế phương tiện cá nhân, chống mãi lộ lại chưa đạt kết quả cũng do triển khai chưa đến nơi khiến dân nhờn và coi thường pháp luật.
"Không thể cứ tháng an toàn giao thông, năm an toàn hay năm cao điểm mà phải làm liên tục, quyết liệt", bà Nga khẳng định.
Một trong các lý do quan trọng khác làm trầm trọng thêm tình hình tai nạn giao thông đó là công việc kiểm soát, sát hạch bằng cấp lái xe chưa được thực hiện nghiêm. Hơn nữa, các hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực giao thông chậm được khắc phục và ngày càng hỗn loạn khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Hầu hết vụ việc sai phạm đều do báo chí phát hiện trong khi ngành giao thông vẫn có thanh tra riêng. Bà Nga cho rằng, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an hàng năm phải báo cáo trước Quốc hội tiến độ làm trong sạch đội ngũ.
Sau khi chỉ rõ nguyên nhân, bà Nga cũng nêu một số kiến nghị cụ thể. Trước mắt, Quốc hội nên tổ chức giám sát tối cao về tình hình tai nạn giao thông để tạo ra áp lực mạnh, căn cứ vào thực tế, có thể đề xuất hạn chế quyền của một số bộ phận. Đây phải được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ và Quốc hội khóa 13.
Chính phủ nên đồng ý để Hà Nội và TP Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế đặc thù. "Nếu không có biện pháp mạnh, giải pháp cấp bách thì chúng ta sẽ phải bất lực nhìn 11 nghìn người tiếp tục chết", bà Nga khẳng định. Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cần tuyên truyền thức tỉnh ý thức công dân. Nhất là trong bối cảnh sẽ có một số biện pháp khi áp dụng có thể ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ của một bộ phận dân cư. "Nhưng lợi ích thiểu số phải nhường cho lợi ích cộng đồng", bà Nga nhắn nhủ.
Với khuôn mặt tập trung và khá căng thẳng, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã theo dõi rất chăm chú các phân tích và đề xuất của đại biểu Lê Thị Nga.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng theo dõi chăm chú phân tích của đại biểu Lê Thị Nga |
Chẳng hạn, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) sau khi chỉ ra những mặt tối của ngành giao thông đã gửi gắm: "Cử tri rất hy vọng tân Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này sẽ xóa đi được những khoảng tối đó".
Còn với đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), một trong những tồn tại khác của ngành giao thông là tình trạng nhiều công trình chậm tiến độ. "Nhưng vừa qua Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có nhiều hành động mạnh mẽ, quyết liệt trong ngành giao thông, chẳng hạn cấm cán bộ lãnh đạo đánh golf trong ngày nghỉ để tập trung giải quyết công việc. Hành động này được cử tri đánh giá cao vì giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí", ông Học nói.
Ông Học cũng đề nghị Quốc hội biểu thị sự đồng tình, ủng hộ "để chúng ta tiếp tục có những vị Bộ tưởng quyết liệt như vậy".
Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục
thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội.
Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng