Trước QH ngày 28/10, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rõ hơn vấn đề cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 mà nhiều ngày nay các ĐB đã thảo luận sôi nổi.

TIN LIÊN QUAN:
'Đổi giờ làm không phải sáng kiến của chúng tôi'

Chưa thu được đồng nào về Trung ương

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Không khởi công dự án mới để tránh đầu tư dàn trải.

"Nghị quyết 11 có dùng ‘cắt giảm đầu tư công’ nhưng trong thực tế không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí cho năm 2011 của các bộ, ngành và địa phương về trung ương", ông Vinh giải thích. "Thực tế đến phút này Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng nào trong kế hoạch đã bố trí bằng số lượng cụ thể giao cho các bộ, ngành và địa phương".

Từ "cắt giảm" dùng trong Nghị quyết 11 nêu các vấn đề, Bộ trưởng Vinh phân tích: Thứ nhất, không kéo dài thực hiện các khoản vốn đầu tư đã cấp cho năm 2010, khoản này giảm được 5.000 tỷ đồng. Thứ hai, không ứng trước ngân sách của năm 2012, kể cả trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước, khoản này giảm được 10.000 - 12.000 tỷ đồng. Thứ ba, không khởi công mới các công trình - cũng là điểm gây khó khăn cho các địa phương, bộ, ngành.

"Trước đây vốn ít nhưng bố trí rất nhiều dự án nên kéo dài, không dự án nào hoàn thành, nay Nghị quyết 11 yêu cầu tập trung hơn, không khởi công mới để tránh tiếp tục dàn trải", Bộ trưởng KH - ĐT nói.

Vốn đã bố trí cho dự án sẽ được các địa phương, bộ, ngành soát xét lại theo tính cấp thiết để dồn cho những dự án có thể hoàn thành trong năm 2011 - đây là ưu tiên số một của Nghị quyết 11: "Như vậy chủ yếu là sắp xếp lại để tập trung hơn, hiệu quả hơn, còn việc cắt giảm thu về Trung ương thì không có", ông Vinh giải thích.

Giảm đầu tư công lại lo an sinh xã hội?

Nhiều ĐB bức xúc trước việc các công trình của Bộ Giao thông - Vận tải quản lý không bị cắt một đồng nào, vẫn để nguyên kế hoạch năm 2011. Ông Vinh giải thích là do bộ này hàng năm đều thiếu vốn, năm nào cũng phải dùng vốn ứng trước của năm sau để đầu tư.

ĐB Danh Út: Nơi nào không chấp hành NQ 11 nghiêm túc thì thu hồi tiền về đầu tư cho an sinh xã hội.

Báo cáo của UB Tài chính - Ngân sách QH còn chỉ ra có nhiều dự án không có trong danh mục đầu tư vẫn được khởi công. Bộ trưởng Vinh cho rằng tình trạng này có nhưng rất ít, chủ yếu do các địa phương thấy bức xúc nên vẫn khởi công dù biết không thuộc danh mục, ví dụ các công trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên, bệnh viện, trường học nhỏ…

"Các địa phương đã đấu thầu rồi, tiền bố trí rồi, làm rồi nên làm liều, làm cố vẫn cho khởi công", ông Vinh nói. "Những công trình này quá lâu không được khởi công đã gây bức xúc trong dân, chờ đợi mãi mới được bố trí vốn, nay lại không được khởi công nữa sẽ càng gây bức xúc".

Thực tế nhiều ĐB chỉ ra việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công một cách dàn trải, máy móc đang khiến nhiều công trình hạ tầng cần thiết cho an sinh xã hội bị đình đốn, dở dang, gây lãng phí.

Với các công trình dở dang, ông Vinh nhấn mạnh lại, Nghị quyết 11 không yêu cầu cắt mà yêu cầu địa phương, bộ, ngành tự sắp xếp để dồn cho những công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2011 và hoàn toàn do địa phương quyết định.

Chính phủ chỉ cho phép mở rộng một số công trình cấp bách phòng chống thiên tai lũ lụt, vốn ODA, cầu yếu, cấp bách về quốc phòng, an ninh và phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Vinh cho biết thêm.

Theo Bộ trưởng KH-ĐT, các biện pháp trên đã góp phần làm bố trí nguồn vốn đầu tư giảm mạnh: "Năm nay đầu tư xã hội theo dự báo chỉ đạt khoảng 34% GDP, so với bình quân các năm 2009 - 2010 là 42%".

Tuy vậy, không ít ĐB lo ngại về việc giảm đầu tư xã hội. ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) e giảm đầu tư thì cũng giảm nguồn thu trong tương lai. Bà Yến đồng ý giảm đầu tư từ khu vực quốc doanh nhưng phải có biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp ngoài quốc doanh bằng cách tạo sân chơi và mở rộng cơ chế cho họ.

Chung nỗi lo về an sinh xã hội, ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) thấy đầu tư cho các mục tiêu như việc làm, giảm nghèo… chưa thỏa đáng. ĐB Danh Út (Kiên Giang) còn đề nghị Chính phủ sau khi rà soát đầu tư công thấy địa phương, bộ, ngành nào không chấp hành hoặc chưa chấp hành Nghị quyết 11 nghiêm túc thì thu hồi tiền về đầu tư cho an sinh xã hội và người nghèo.

Ông Sang kiến nghị cụ thể là đầu tư vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo, để đạt được bền vững các chỉ tiêu tạo việc làm cũng như giảm nghèo.

Chung Hoàng - Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng