- Chính phủ chưa bàn chuyện tăng giá điện, đồng thời cam kết không để hệ thống ngân hàng đổ vỡ trong tiến trình tái cấu trúc... Đây là những nội dung được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (4/11).


Ngành điện công khai kết quả kinh doanh

Theo ông Vũ Đức Đam, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có đề nghị tăng giá điện. Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa diễn ra hai ngày qua, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc: điều hành xăng dầu, điện, các mặt hàng thiết yếu... là phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng về dài hạn phải tiến tới cơ chế thị trường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam

Chính phủ đã có lộ trình chủ động về giá điện. Đến kỳ họp này, CP vẫn chưa bàn tăng giá điện. “Chính phủ sẽ xem xét, bàn vào thời điểm thích hợp nhưng yêu cầu ngành điện công khai giá thành điện, kết quả sản xuất kinh doanh. Chắc chắn sẽ có giải pháp đi kèm để đảm bảo hỗ trợ cho người nghèo, để họ không chịu thiệt hơn, thậm chí lợi hơn”, ông Đam nói.

Liên quan đến vấn đề mua bán, sáp nhập EVN Telecom, ông Đam chia sẻ, chủ trương chung của Chính phủ là các tập đoàn Nhà nước sẽ phải thoái dần vốn ở lĩnh vực phụ, tập trung cho ngành nghề chính. Việc tiến hành sắp xếp, có phương án với EVN Telecom không nằm ngoài chủ trương này.

Ông Đam cho hay, đến nay, đã có nhiều đối tác muốn tham gia mua lại EVN Telecom như VTC, FPT, Hà Nội Telecom. Hiện, Chính phủ đang xem xét, nhưng đúng với tinh thần bảo đảm về suy định sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, quy định về kinh doanh viễn thông, về cạnh tranh, không làm tổn hại đến đối tác và khách hàng.

Tái cơ cấu ngân hàng: Không để dân mất tiền

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin thêm, tại phiên họp vừa qua, Chính phủ đã tiếp tục bàn về các khó khăn, tồn tại hiện nay của nền kinh tế. Thời gian sắp tới sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu cả về đầu tư công, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng.

Việc tái cơ cấu ngân hàng ngân hàng thương mại sẽ theo hướng tăng quy mô hợp lý các ngân hàng, tăng hiệu quả hoạt động.  Ông Đam cho hay, cam kết của Chính phủ là trong mọi trường hợp phải bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng. "Phải kiểm soát, không để ngân hàng đổ vỡ, tiền gửi chính đáng của người dân không bị mất”, ông Đam nói. Các ngân hàng sẽ được sắp xếp lại theo hướng duy trì quy mô hợp lý.

Liên quan đến vấn đề tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói thêm, mục tiêu chúng ta đã đề ra từ đầu năm là kiềm soát lạm phát, đặt ra kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20%, tuy nhiên, sau đó Ngân hàng đề nghị phải giảm hơn thì mới bảo đảm được mục tiêu.

"Từ nay đến cuối năm, nếu điều hành khoảng 12% thì cũng phù hợp với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong lúc này, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ là phù hợp. Chúng ta có thể chấp nhận mức tăng trưởng chậm lại để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và có “sức khỏe” để tái cơ cấu", ông Tiến cho hay.

Theo ông, hệ thống ngân hàng về cơ bản hoạt động ổn định, lành mạnh, nhưng cũng có bộ phận khó khăn, hiệu quả thấp. Chủ trương tái cơ cấu đồng thời đối với cả doanh nghiệp, ngân hàng nhằm bảo đảm quy mô, hiệu quả của ngân hàng.

"Ngân hàng Nhà nước và cả địa phương có giải pháp để hỗ trợ tính thanh khoản trong một số thời điểm. Ngân hàng không phải cứ lớn là mạnh, và ngược lại mà phục thuộc vào trình độ quản trị và khả năng phòng ngừa rủi ro", ông Tiến nói.

Xung quanh câu chuyện vỡ quỹ tín dụng đen thời gian qua, ông Tiến cho hay, đây là vấn đề xã hội, đã từng xảy ra trong quá khứ.

"Hành lang pháp lý cho những sai phạm trong hoạt động này chưa đầy đủ. Nhiều người lợi dụng lòng tham của người khác, dẫn đến nhiều bất ổn. Cần quy định chặt chẽ về hoạt động này, tuyên truyền giúp người dân hiểu biết, tránh xa bẫy tín dụng đen, giúp người dân tin tưởng hơn vào ngân hàng để tránh những hậu quả không mong muốn", Phó Thống đốc nói.

Về vấn đề đổi giờ làm ở Hà Nội, ông Vũ Đức Đam cho biết: Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Bộ GT-VT, hiện đang tiến hành xử lý.

Giải quyết vấn đề an toàn giao thông, chống ùn tắc là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ. Các biện pháp đều đã được bàn đến. Ùn tắc xảy ra nhiều ở Hà Nội, TP.HCM. Chống ùn tắc trước hết là trách nhiệm của Hà Nội, vì vậy Chính phủ đã yêu cầu Bộ GT-VT bàn với Hà Nội xây dựng phương án giảm ùn tắc giao thông. Việc nào thẩm quyền của Hà Nội thì Hà Nội giải quyết, việc nào thuộc Chính phủ thì Chính phủ sẽ quyết định.

“Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, nhân dân trước hết chưa có giải pháp nào cụ thể thì hãy chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông", ông Đam nói.



Lê Nhung