- Đặt câu hỏi Để có thu nhập cao phải là cán bộ, công chức thế nào?, bạn đọc nêu dẫn chứng để trả lời: Cùng làm một cơ quan nhưng giám đốc, kế toán, thủ quỹ có thu nhập rất cao, người khác có trình độ cũng chỉ nhận lương thuần túy.

Than thở chuyện "bất công" trong hệ thống lương, bạn đọc Chi ở địa chỉ email: khaibil@... cho biết, đi làm 6 năm nay với mức lương 2,67 x 830.000đ, rất thấp và không đủ sống. "Nhưng các bạn tôi làm ở một số ngành thì lương cao, như ngân hàng, điện lực, thuế, bảo hiểm. Cùng thời gian đi làm như tôi nhưng lương gấp 3, 4 lần".

Gia đình bạn Chi cũng xoay xở mở thêm một cửa hàng tại gia đình. Trừ đầu, trừ đuôi, mỗi tháng cũng chỉ còn lãi một, hai triệu đồng. Nhưng bạn cũng không dám bỏ vì chưa biết làm gì để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Lương thấp thúc bách công chức bươn trải ra ngoài kiếm tiền sẽ dẫn đến hệ lụy tất yếu là họ sẽ dành thời gian cho công việc cá nhân nhiều hơn việc nhà nước. Như bạn Bùi An ở địa chỉ email ngothitri@... chia sẻ, "khi đồng lương được trả không xứng đáng, tất yếu dẫn đến họ sẽ làm việc không hiệu quả, làm cho xong việc".

Công chức mong mỏi một chính sách lương thỏa đáng, công bằng. Ảnh minh họa: Danh Lam
Theo bạn An, lương không đủ sống, không đủ cả nhu cầu tối thiểu thì việc làm giả vờ là bình thường. Hãy so sánh tại sao doanh nghiệp lại làm thật, thực tế là đồng lương của họ luôn cao hơn, cuối năm đánh giá lại được thưởng xứng đáng với công sức của mình thì ai lại không thích làm cho tốt.

"Còn chúng tôi, những người luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia biết bao công việc, nhưng cuối năm được bao nhiêu? Đừng nói chúng tôi ít việc, bạn hãy vào làm đi thì biết! Khối lượng việc rất nhiều và rất rất quan trọng. Nhưng đồng lương trả lại không xứng đáng", bạn An than thở.

Độc giả Nguyễn Đình Phúc, email ndphuc54_dhtn@... cũng cho rằng, thang lương không chỉ thấp mà bảng lương còn quá phức tạp.

"Bảng lương quá nhiều mức, không có chênh lệch, không phân biệt sự đóng góp lao động và tính hiệu quả. Bảng lương thể hiện rõ tư tưởng: Sống lâu lên lão làng", độc giả Phúc phân tích.

Bạn Phạm Văn Toàn (email: nghieng23_5c@...) lại chỉ ra một bất cập khác, tại sao công chức các ban đảng, đoàn thể hưởng phụ cấp 30% lương, trong khi ở các phòng ban chuyên môn cơ quan chính quyền chỉ được 10% phụ cấp công vụ.

"Hỏi ra thì họ bảo công chức ủy ban nhiều tiền rồi không cần phụ cấp. Điều này có thể đúng với công chức các bộ ngành trung ương, chứ như chúng tôi công chức ủy ban cấp huyện còn nghèo lắm mà công việc thì nhiều. Cần xem lại chế độ phụ cấp sao cho công bằng giữa công chức với nhau", bạn Toàn nói.

Phần "mềm" luôn cao hơn "cứng"

Ngoài câu chuyện bất bình đẳng giữa các khu vực, độc giả còn chỉ ra sự bất công ngay trong nội bộ một cơ quan. Và đó là căn nguyên của những câu chuyện như sự nhũng nhiễu, tham nhũng...

Bạn Long, email: hero_8403@... cho rằng "thu nhập công chức không hề thấp. Nhưng để có thu nhập cao phải là công chức như thế nào?".

Và bạn dẫn chứng một ví dụ sau: cùng làm trong một cơ quan nhà nước nhưng giám đốc và kế toán, thủ quỹ có thu nhập rất cao. Nhưng công chức thực sự có trình độ thì chỉ có đồng lương thuần túy. Vậy nên trong các cơ quan nhà nước hình thành các nhóm lợi ích cục bộ luôn bao che cho nhau và cộng sinh, cho nên mới có chuyện người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo đi.

Ý kiến trên cũng được  bạn Thu Mai ở địa chỉ email: hanhdohn@... chia sẻ: Trong cơ quan nhà nước, mức chênh lệch thu nhập giữa những người làm công tác quản lý (lãnh đạo) và chuyên môn (nhân viên) quá lớn. Điều này dẫn đến tạo bè cánh, chạy chức chạy quyền. Phần "mềm" bao giờ cũng lớn hơn "cứng" lại chỉ có các lãnh đạo được hưởng. "Đây là một sự thật vô lý và không công bằng".

Cũng chính vì được hưởng "đặc quyền đặc lợi" nên dẫn dến tình trạng cả xã hội than lương công chức thấp song chẳng mấy ai rời khu vực nhà nước.

Nói như bạn Dương ở địa chỉ tatduong_1976@... "lương công chức rất thấp, ai cũng biết vậy mà số người bỏ công chức ra ngoài làm rất ít và nhiều công chức không nghèo, nhất là ở lĩnh vực quản lý đô thị, đất đai, hải quan, thuế...".

Ngoài ra, không ít độc giả nêu thực trạng, vẫn còn rất đông công chức nhàn nhã làm không hết trách nhiệm, đi muộn về sớm, "ăn bám" vào chế độ công chức suốt đời. Cần tinh giản biên chế đội ngũ này để dành tiền cho cải cách lương.

Không thể tăng lương đồng loạt

Nhiều giải pháp cũng được bạn đọc đưa ra với mong mỏi lộ trình cải cách nên được làm sớm.

Bạn Quyên ở địa chỉ quyensafety@... cho rằng, mức tăng lương sắp tới phải đủ cho công chức có thể nuôi được cả gia đình một vợ và 2 con với mức trung bình khá.

Muốn như vậy, cần mạnh tay cắt giảm biên chế thật tinh gọn, để tránh tình trạng cùng một việc nhưng có tới ba, bốn người làm như hiện nay. Ngoài ra, sau khi trả mức lương cao, nếu ai đó tham ô, nhũng nhiễu nên bị xử phạt nặng, thậm chí, truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Tôi đang làm cho người nước ngoài và tôi thấy nhận được tiền của họ không phải dễ, nó đích thực là mồ hôi của mình. Cũng bằng ấy công việc nhưng họ liên tục cắt giảm người, bắt buộc phải làm hết công suất. Tôi cũng đã làm qua các cơ quan nhà nước nhưng chỉ làm 2 giờ là hết công việc của 8 tiếng", bạn Quyên nói.

Bạn Anh Minh (anhminh282@...) cho rằng, hệ lụy của lương thấp ai cũng rõ. Nhưng vấn đề không thể giải quyết bằng việc tăng lương đồng loạt như nâng mức lương tối thiểu đã làm.

Bạn Nguyễn Đoán (doansonla01@...) thẳng thắn chỉ ra, phải giảm được một nửa hay ít nhất là 1/3 số lượng công chức, viên chức hiện nay thì Nhà nước mới có cơ hội để cải cách tiền lương. Nếu không, mọi giải pháp e rằng sẽ chỉ là tạm thời.

Ngọc Lê tổng hợp

Kết quả thăm dò ý kiến lần trước: