- Kế hoạch tăng lương từ 1/5//2012 được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là đã đi sớm so với lộ trình, song điều căn bản nhất là phải cải cách tiền lương quyết liệt, thay vì chắp vá như hiện nay.
>> 2012 -2014: Lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu
>> 2012 -2014: Lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu
>> Bỏ lương ‘giả vờ’, trả xứng đáng cho người giỏi
>> Lương: Cải cách thật chứ đừng ‘gọt chân cho vừa giày’
>> Lương: Cải cách thật chứ đừng ‘gọt chân cho vừa giày’
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội diễn ra hai ngày qua, rất nhiều đại biểu Quốc hội phân tích những bất cập của cơ chế tiền lương hiện nay và kỳ vọng lộ trình cải cách mười năm tới sẽ tạo ra thay đổi
ĐB Mai Hữu Tín: Liệu có thể tăng lương đến mức phù hợp được không, với ngân sách thâm hụt liên tục? |
Cải cách không chắp vá
Theo đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), Chính phủ cần nghiên cứu để cải cách tiền lương một cách cơ bản, xây dựng hệ thống thang bảng lương một cách khoa học phù hợp với từng ngành, từng chức danh.
"Bảng lương không thể tiếp tục chắp vá như hiện nay. Định hướng sắp tới là phải làm sao để tiền lương thực sự là động lực trong quá trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực".
Ông Phúc cũng mong Chính phủ quan tâm tới lương cho các đối tượng công tác ở cơ sở và các người nghỉ hưu trước năm 1993 hiện nay có mức lương và trợ cấp rất thấp, không thể đảm bảo cuộc sống.
Theo nhiều đại biểu, chế độ lương bất cập hiện nay không chỉ làm phát sinh nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền mà về lâu dài ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ. Vấn đề là chuyện cải cách đã được nói đến nhiều nhưng kết quả chưa thấy đâu.
Theo đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương), phản ánh của cử tri cho thấy chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân khi đến giải quyết công việc liên quan đến "người nhà nước" không giảm đi mà còn gia tăng.
"Lương công chức thấp được coi là một trong những nguyên nhân chính cho tình trạng này và chúng tôi cũng đồng ý như vậy. Nhưng liệu Chính phủ có thể tăng lương đến mức phù hợp được không, với ngân sách thâm hụt liên tục như hiện nay?" , ông Tín nêu vấn đề.
Ông Tín phân tích thêm, chúng ta đã liên tục lặp lại "điệp khúc" về tinh giản biên chế hơn 20 năm qua. Nhưng con số giảm thực sự lại không nhiều. Thậm chí, trong suốt nhiều ngày qua, mỗi khi lý giải về bất cập của một lĩnh vực nào đó, ai cũng nói thiếu người, thiếu đầu tư... "Nhưng tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận vấn đề theo hướng khác. Đó là không thể mãi trông chờ vào ngân sách", ông Tín khẳng định.
Theo ông, cần đánh giá lại cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay, từ đó mới tìm ra bài toán tối ưu cho câu chuyện tăng lương hay giảm biên chế.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, nhiều người vẫn nói, do Nhà nước đang trả cho công chức mức lương "giả vờ" nên tất yếu họ sẽ chỉ làm việc "giả vờ".
"Đây là nguồn nhân lực quản trị đất nước nhưng lại bị trả lương thấp. Mức lương như vậy sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, nhũng nhiễu, gây khó khăn để kiếm chác. Cải cách tiền lương phải làm quyết liệt, căn cứ vào mức sống hiện nay và trượt giá tiêu dùng chứ đừng nói tăng lương một cách cơ học", ông Vinh đề xuất.
Công bằng
Một trong các nguyên tắc để trả lương, theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) là phải công bằng, hợp lý giữa các khu vực, các vùng miền và ngành nghề.
Theo đại biểu Thanh, dù lộ trình cải cách tiền lương đã được Chính phủ quan tâm nhưng nhiều cử tri còn phân vân về những bất cập trong các chính sách tiền lương, phụ cấp, nhất là cho cán bộ cơ sở, cán bộ hưu trí. "Cử tri mong Chính phủ cần có lộ trình đổi mới chính sách tiền lương cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng", bà Thanh đề xuất.
Chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre) chia sẻ thêm, trong lộ trình cải cách tiền lương chung của Chính phủ thì cán bộ cấp cơ sở còn gánh chịu nhiều thiệt thòi và chưa công bằng. Chẳng hạn, phụ cấp 30% cho cán bộ cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chỉ được áp dụng tới cấp huyện.
"Do chính sách không thống nhất của nhà nước nên tùy vào điều kiện ngân sách của từng địa phương, mỗi địa phương có sự hỗ trợ khác nhau. Nơi nào khó khăn thì không có sự hỗ trợ gì dù có muốn điều tiết thì cũng không thực hiện được bởi không cân đối được kinh phí. Đây là điều hết sức nghịch lý và thiếu cân bằng", bà Đào nói.
Trong khi đó, cán bộ cấp cơ sở chính là người có vai trò quan trọng trong tổ chức, vận động và thực thi chính sách pháp luật của nhà nước tới mỗi người dân.
Đại biểu Triệu Là Phan (Hà Giang) bổ sung thêm "một chính sách tiền lương hợp lý, công bằng sẽ giúp cho các cán bộ trực tiếp gần dân nhất ở cơ sở an tâm công tác lâu dài và phục vụ tốt". Ông Phan chỉ lo rằng không hiểu lộ trình cải cách lương có song hành với lộ trình kiểm soát lạm phát, giữ ổn định mặt bằng giá cả. Bởi nếu không song hành thì cải cách hay tăng lương sẽ không còn giá trị.
Thậm chí, đại biểu Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) còn đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xây dựng dự án Luật tiền lương trong thời gian sắp tới.
Tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, trong buổi thảo luận cuối cùng (sáng 28/10), Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công sẽ được Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 5 vào năm 2012, trong đó tập trung trước hết vào mức lương tối thiểu. Lộ trình từ năm 2012 đến 2014 cố gắng điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu tối thiểu.
"Đây là vấn đề mang tính chất cấp bách, bức xúc và tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị rất quan tâm", Bộ trưởng thừa nhận.
Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng
Kết quả thăm dò lần trước: