- Kết thúc thăm cấp nhà nước ở Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC 19) từ ngày 11-13/11 tại Hawaii (Mỹ), theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Rời một Hàn Quốc quân bình…

Mấy tuần trước đây, Hàn Quốc là nước đầu tiên không thuộc G-8 đã chủ trì và đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20, chào đón các lãnh đạo trên thế giới kéo đến thủ đô Seoul.

Sự kiện trên làm nổi bật thực tế “kép” về bán đảo Triều Tiên, và cả về Đông Á.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: VOV
Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, dường như là động lực quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua.


Nhưng bán đảo Triều Tiên chưa phải là “miền đất hứa” cho ổn định. Tương lai thương lượng 6 bên về phổ biến các vũ khí hủy diệt hàng loạt chưa rõ ràng. Xu hướng hiện đại hóa các lực lượng vũ trang thông thường ở khu vực vẫn nổi trội.

Sự kình địch đang nảy sinh giữa các nước lớn càng tô đậm thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, gây không ít khó khăn cho các nước châu Á.

Những xu hướng trái ngược nhau này đang cùng tồn tại. Cuộc cách mạng thông tin, cơn lốc dân chủ hóa và toàn cầu hóa đang đặt các mô hình an ninh và phát triển truyền thống thành vấn đề.

Để biến bán đảo Triều Tiên từ khu vực xung đột thành khu vực của lòng tin, Hàn Quốc đang kiến tạo một thế quân bình. Nước này thúc đẩy “nền chính trị của niềm tin”, nhằm khuyến khích sự đón đợi tùy thuộc lẫn nhau dựa trên các chuẩn mực toàn cầu.

Tuy nỗi lo vẫn còn đó: những năm tới, bán đảo Triều Tiên có thể vẫn phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn gia tăng, nhưng người Hàn Quốc đã từng cho thấy, họ có thể biến các thách thức thành cơ hội lịch sử.

Những năm 1960-1970, Hàn Quốc đã chọn sự phát triển thông qua công nghiệp hóa nhanh chóng. (Đương nhiên họ biết tận dụng tối đa các cơ hội trong lịch sử và cũng sẵn sàng trả giá cho sự lựa chọn của mình)!

Vào những năm 1990, Hàn Quốc chủ động mở rộng thêm các mối quan hệ với các nước trước đây họ hầu như không có quan hệ gì trong Chiến tranh Lạnh, như Trung Quốc, Nga, Việt Nam và cả Đông Âu.

Thập kỷ qua, Hàn Quốc nổi lên như một trong những nền dân chủ mạnh mẽ ở châu Á. Và ngày nay, Hàn Quốc tích cực hợp tác với Hoa Kỳ, Trung Quốc và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo cho tiến trình hòa bình không bị đảo ngược.

Hàn Quốc đẩy mạnh “ngoại giao tứ cường” nhằm ưu tiên tới Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật và Nga để giữ thế quân bình ở Đông Bắc Á, “ngoại giao đa biên” với Đông Nam Á cũng như các khu vực khác để đa dạng hóa quan hệ và “ngoại giao kinh tế/năng lượng” hướng tới các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn.

Đến với sức mạnh của đa phương

Liệu có bao nhiêu nước hưởng ứng rầm rộ APEC 19 như Việt Nam! Trước thềm của sự kiện này, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cách đây không lâu, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã cùng một số trường đại học, trung tâm nghiên cứu liên tục tổ chức hội thảo về các phương pháp tiếp cận mới và cơ hội mới cho VN.

"21 nền kinh tế cho thế kỷ 21"
Không chỉ là các lợi ích cụ thể về kinh tế, mà thông qua tiến trình APEC 19, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt được những xu thế lớn. Tự do hóa thương mại dưới sự bảo vệ của WTO, NAFTA, ASEAN dường như đang lỗi thời. APEC 19 tung ra chủ đề mới: “21 nền kinh tế cho thế kỷ 21 - Chương trình nghị sự về tăng trưởng và tạo ra việc làm”.


Điểm nổi bật nhất lần này là Tổng thống Obama muốn tuyên bố với thế giới, cả 9 nước, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam hoàn thành cơ bản các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thời điểm ông chủ trì Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt này.

9 nước đi đầu trong đàm phán TPP có Chile, Peru, Hoa Kỳ ở châu Mỹ; Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam ở châu Á; và Úc, New Zeland ở châu Đại dương. Tại vòng đàm phán mới nhất ở Peru, phái đoàn Hoa Kỳ đã cho lưu hành các đề nghị của họ, thiết lập các quy tắc mới đối với các xí nghiệp quốc doanh.

Ý đồ của Hoa Kỳ là quy định trước một bộ khung luật lệ chặt chẽ bên trong TPP đối với các công ty nhà nước, đề phòng trường hợp Trung Quốc nay mai muốn gia nhập khối này. Tất cả các nước trong TPP đều là thành viên của APEC. Và họ sẽ là “các đối tác chiến lược” của nhau, theo như một điều khoản của Hiệp định.

Các bộ trưởng tài chính đã họp từ hôm qua, 11/11, kêu gọi các nước châu Á đẩy mạnh tăng trưởng, không để cho vấn đề nợ công của châu Âu ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Các bộ trưởng cũng kêu gọi thúc đẩy việc thành lập khu vực tự do thương mại và xây dựng nền kinh tế Xanh.

APEC 19 thảo luận và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực thương mại thuộc thế hệ mới. Đó là thương mại Xanh, tăng trưởng Xanh, thúc đẩy tự do hóa trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường; chuyển giao công nghệ về hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Ngoài ra, hội nhập kinh tế khu vực, trong đó tập trung vào cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng này cũng là những ưu tiên trong Thượng đỉnh lần này.

Hiển nhiên APEC 19 còn sống động hơn bởi chiến lược “ngoại giao tiến công” (forward-deployed diplomacy) mà Hoa Kỳ vừa tung ra trước thềm Hội nghị. Ngày 10/11, Ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố các nước châu Á sẽ mở rộng sự hợp tác chưa có tiền lệ, Hoa Kỳ nắm bắt cơ hội mới đó và sẽ can dự mạnh mẽ vào khu vực.

Chiến lược mới này của Hoa Kỳ dựa trên 6 trụ cột: i) Tăng cường các quan hệ đồng minh song phương; ii) Tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi (trong đó có các nước ASEAN và Trung Quốc); iii) Tăng cường can dự tại các thể chế khu vực (ASEAN, ARF…); iv) Mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực; v) Tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực; vi) Thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Tuyên bố Hawaii lần này được kì vọng sẽ củng cố các mục tiêu và nguyên tắc Bogor. Thành công của APEC 19 sẽ phụ thuộc vào khả năng của các nhà lãnh đạo trong việc thuyết phục các thành viên khác nhằm đạt được tầm nhìn APEC 2011.

Cục diện thay đổi đòi hỏi cách tiếp cận khác trước. Từ quản trị theo mô hình lãnh đạo chiến lược, các doanh nghiệp đang chứng kiến các mô hình lãnh đạo mới: lãnh đạo tập trung vào các chuyên gia (staff driven) và lãnh đạo dựa trên các chỉ số và hiệu năng tài chính (numbers driven).

Từ nay, bên cạnh áp lực về thị trường tài chính, các doanh nghiệp phải gánh thêm một áp lực nữa, đó là thị trường tài năng. Và chính điều này sẽ tác động đến sự dịch chuyển thang giá trị của vai trò lãnh đạo: từ hình ảnh một ông chủ đến hình ảnh một nhóm lãnh đạo gồm các cố vấn cao cấp.

Nguyễn Hoàng