Philippines kêu gọi ASEAN tạo điều kiện đàm phán với Trung Quốc về các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh lại không muốn đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.


Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, hội nghị thượng đỉnh Đông Á mà ông sắp tham dự tại Indonesia là “đấu trường hàng đầu” để thảo luận về những mối quan tâm tới vấn đề an ninh hàng hải, một chủ đề mà Trung Quốc phản đối giải quyết tại các diễn đàn quốc tế.

Hội nghị “có thể là địa điểm hàng đầu để chúng tôi có thể cùng làm việc với nhau về hàng loạt vấn đề: an ninh hàng hải hay không phổ biến hạt nhân”, ông Obama nói lúc bắt đầu cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Bali.

(Ảnh: AP)
Bình luận trên của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong khi Philippines nỗ lực thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Philippines đã kêu gọi ASEAN với 10 nước thành viên tạo điều kiện đàm phán với Trung Quốc về các khu vực tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển giàu tài nguyên dầu khí. “Đây không phải là một vấn đề có thể cô lập giữa Trung Quốc và Philippines”, Ricky Carandang, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Aquino nói với báo giới. “Đây là một vấn đề liên quan tới rất nhiều nước trong khu vực, và chúng ta có thể thảo luận thẳng thắn để tiến gần hơn tới nỗ lực tìm ra giải pháp”.

Hôm nay, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ. Washington vừa cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Philippines, một đồng minh hiệp ước. Trước đó, tại Australia, ông Obama đã ký thỏa thuận triển khai lính thủy đánh bộ Mỹ ở nước này.

Tại Bali, ông Obama nói với báo giới rằng, ông và ông Aquino đã thảo luận các vấn đề an ninh hàng hải trong một cuộc gặp.

Trong khi đó, phía Trung Quốc tuyên bố, ASEAN không phải là diễn đàn thích hợp để thảo luận về tranh chấp Biển Đông - người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói ở Bắc Kinh. Ông này cho biết, Trung Quốc thiên về hội đàm song phương về các tranh chấp kiểu này.

Theo giới phân tích, một thỏa thuận về các ranh giới trên biển sẽ xác định quyền tiếp cận trữ lượng dầu khí ở Biển Đông. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ năm 2008 đã đưa ra nghiên cứu của người Trung Quốc cho thấy, Biển Đông có thể có tới 213 tỉ thùng dầu. Hồi tháng 5, Philippines đề xuất xác định ranh giới theo Luật biển của LHQ. Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario nói hôm 15/11 rằng, chính bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc “là cốt lõi vấn đề”. Trung Quốc đã đưa ra bản đồ này để tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông.

Hồi tháng 7, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí về các hướng dẫn không mang tính ràng buộc cho hoạt động trên vùng biển. Đây được coi là bước đi đầu tiên hướng đến một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý mạnh mẽ hơn.

Thái An (theo Bloomberg)