Trung Quốc đã thể hiện thái độ rõ ràng rằng, họ không muốn thảo luận về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong hội nghị thượng đỉnh Đông Á tuần này ở Bali, Indonesia. Đây là hội nghị đầu tiên có sự tham dự của một tổng thống Mỹ.

Theo giới phân tích, Bắc Kinh đang cố phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ để can dự sâu hơn vào vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh Washington muốn khẳng định lại ảnh hưởng của họ ở châu Á.

Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Philippines một lần nữa nhắc lại đề xuất một cuộc họp giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để thảo luận về kế hoạch thành lập "vùng hòa bình" bằng cách xác định rõ ràng đâu là khu vực tranh chấp hay không có tranh chấp.

Hai động thái trên nhấn mạnh sự căng thẳng trong khu vực đã tạo ra bối cảnh cho các cuộc hội đàm hôm thứ sáu, thứ bảy giữa các nhà lãnh đạo Asean, và 8 quốc gia khác gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia và New Zealand. Diễn đàn rộng hơn của nhóm này được biết tới là hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Theo các nhà ngoại giao và chuyên gia khu vực, an ninh hàng hải dự kiến là vấn đề chủ chốt tại Bali khi Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác khu vực đang cố gắng "kiềm chế" những gì họ chứng kiến về quan điểm ngày một quả quyết hơn trong ngoại giao cũng như quân sự của Trung Quốc ở khu vực.

Tại cuộc gặp ngày mai của 10 nhà lãnh đạo Asean, vấn đề Biển Đông cũng có thể được đề cập khi đây là vùng biển đang diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á.

Nhưng một số các thành viên khác của Asean có vẻ miễn cưỡng trong việc ủng hộ đề xuất của Philippines, giới ngoại giao cho biết. Và Bắc Kinh không hề muốn đưa vấn đề ra hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Họ phản đối các nước không tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là Mỹ, liên quan tới một vấn đề mà họ cho là cần được giải quyết song phương giữa các bên liên quan trực tiếp.

"Không có liên kết nào giữa Biển Đông và thượng đỉnh Đông Á khi thượng đỉnh Đông Á là một diễn đàn, một nền tảng để thảo luận hợp tác trong phát triển kinh tế", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói trong cuộc họp báo hôm qua. "Chúng tôi hy vọng Biển Đông sẽ không được thảo luận tại thượng đỉnh Đông Á".

Trung Quốc đã nổi đóa với Mỹ khi Ngoại trưởng Hillary Clinton năm ngoái đưa ra tuyên bố, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông - vùng biển có rất nhiều tuyến vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới.

Trong khi đó, đáp trả những phàn nàn từ Bắc Kinh, Mỹ đã lên tiếng bảo vệ quyền của Tổng thống Barack Obama trong việc đưa tranh cãi lãnh thổ ở Biển Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh. "Chúng tôi tin là vấn đề an ninh hàng hải là chuyện thích hợp để thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á", phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói với các phóng viên đi cùng ông Obama. "Và trong bối cảnh các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải, Biển Đông rõ ràng là một mối quan tâm. Trong khi chúng tôi không cho rằng, hội nghị là nơi để giải quyết các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, thì đó là cơ hội để các nhà lãnh đạo khẳng định lại nguyên tắc như tự do hàng hải, thương mại không cản trở và giải pháp hòa bình cho tranh chấp".

Theo hãng tin AP, Ngoại trưởng Mỹ Clinton dự kiến sẽ thảo luận vấn đề lãnh thổ với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario, và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin trong chuyến thăm Philippines hôm thứ tư. Hôm qua, ông del Rosario đã đưa ra tuyên bố thúc giục Asean đóng vai trò quyết định hơn trong vấn đề Biển Đông và giúp tổ chức một hội nghị cấp cao để thảo luận về đề xuất của Philippines trong việc thiết lập một "khu vực hòa bình, tự do, thân thiện và hợp tác" ở vùng biển này.

Thái An (theo wsj)


Mỹ đưa Biển Đông ra thượng đỉnh Đông Á
Đáp trả những phàn nàn từ Bắc Kinh, Mỹ lên tiếng bảo vệ quyền của Tổng thống Obama trong việc đưa tranh cãi lãnh thổ ở Biển Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali.
 
Mỹ và ASEAN: Một sự phức tạp
Trừ phi có thay đổi vào phút cuối, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Asean tại Bali vào tuần này.
 
Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương
Chính quyền Obama sẽ mở rộng các hoạt động kinh tế, quân sự và đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton trong Hội nghị thượng đỉnh APEC đang diễn ra tại Hawaii.
 
Trước thềm thượng đỉnh, APEC nhớ tới vai trò an ninh Mỹ
Các nước giàu dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawaii có thể "cãi cọ" với nhau về thương mại, nhưng họ đã tránh được xung đột vũ trang nghiêm trọng trong nhiều thập niên qua...