Giữa lúc căng thẳng hai miền gia tăng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il đã có chuyến thăm một căn cứ quân sự gần vùng biển tranh chấp với Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng cho hay, ông Kim Jong Il gặp gỡ quân đội ở một căn cứ tiền tiêu. Truyền hình quốc gia Triều Tiên đưa tin rằng, ông Kim còn bắt tay từng vị chỉ huy quân sự khi tới căn cứ gần vùng biển tranh chấp với Hàn Quốc. Các phương tiện truyền thông Triều Tiên không công bố thời gian cụ thể chuyến thăm của ông.

Một năm kỷ niệm vụ đấu pháo, căng thẳng hai miền Triều Tiên lại gia tăng. Ảnh: AP
Hôm thứ tư tuần trước, Hàn Quốc đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn gần khu vực biên giới hàng hải để kỷ niệm năm đầu tiên vụ Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc. Theo Bộ tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc (JCS), cuộc tập trận giả định là đáp trả một vụ oanh tạc mới vào Yeonpyeong và với nỗ lực đổ bộ vào Baengnyeong, một hòn đảo biên giới khác. Cuộc diễn tập nhằm kiểm tra hiệu quả bất kỳ hành động đáp trả nào sau khi quân đội của Seoul bị chỉ trích là phản ứng yếu ớt với sự kiện một năm trước đây.

JCS cho hay, diễn tập bao gồm cả đơn vị pháo binh đóng thường trực tại Yeonpyeong, máy bay chiến đấu, tên lửa tấn công mặt đất và một tàu khu trục trọng tải 4.500 tấn. Quân đội cũng được đặt trong tình trạng báo động. "Nếu Triều Tiên khinh suất tiến hành một hành động khiêu khích khác, lực lượng chung của chúng tôi sẽ nhanh chóng đáp trả mạnh mẽ ngay từ phút khởi đầu", tướng Jung Seung-Jo, Chủ tịch JCS tuyên bố.

Vào ngày 27/11, Triều Tiên lại đe dọa sẽ nhấn chìm miền Nam trong “biển lửa,” nhấn mạnh các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Seoul gần khu vực hải giới tranh chấp trên Hoàng Hải trong tuần qua là một phần của mưu toan xâm chiếm Bình Nhưỡng.

Trong một bài bình luận, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nhấn mạnh cuộc diễn tập chiến tranh là nhằm leo thang đối đầu và kích động một cuộc chiến tranh chống Triều Tiên bằng mọi giá.

Trước đó, ngày 24/11, một ngày sau khi Hàn Quốc tiến hành tập trận, Triều Tiên đã cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào bằng việc biến dinh Tổng thống Hàn Quốc thành "biển lửa". Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Triều Tiên ra tuyên bố khẳng định “nếu hải phận, không phận và lãnh thổ Bắc Triều Tiên bị vi phạm, dù chỉ là một viên đạn hay một quả pháo, thì biển lửa từ Yeonpyeong sẽ lan đến tận dinh Tổng thống Hàn Quốc".

Ngày 23/11/2010, quân đội Bình Nhưỡng đã nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Đây là vụ tấn công đầu tiên vào khu vực dân thường ở Hàn Quốc kể từ cuộc chiến 1950 - 1953, khiến người dân Hàn Quốc sôi sục và cộng đồng quốc tế lên án. Hai lính thủy đánh bộ và hai dân thường Hàn Quốc đã thiệt mạng khi Triều Tiên bắn 170 quả đạn pháo hoặc rocket vào đảo Yeonpyeong ở gần vùng biên giới tranh chấp thuộc Hoàng Hải. Vụ việc xảy ra khiến người ta thậm chí còn hình dung ra một cuộc chiến sắp đến. Người dân trên đảo hoang mang tìm cách trở về đất liền.

Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đã đáp trả bằng cách bắn 80 quả đạn pháo vào căn cứ pháo Kaemori của Triều Tiên cách Yeonpyeong 13km, nhưng Seoul không tiến hành không kích vì e ngại chiến tranh bùng nổ. Kể từ đó tới nay, Seoul đã tăng cường đáng kể số lượng binh lính và vũ khí bao gồm nhiều bệ phóng tên lửa và trực thăng tấn công Cobra trên đảo Yeonpyeong cùng các đảo tiền tiêu khác.

Thái An (theo Washingtonpost, Vietnam+, channelnewsasia)