- Chắc chắn không ai bằng lòng với không khí hội hè, diễn văn mòn sáo, cảnh tranh công, đổ lỗi, hay việc đại biểu bỏ phiếu với tâm trạng “cầm lòng vậy, đành lòng vậy”...

LTS: Cùng với việc việc đón Năm mới 2011 và Tết Nguyên đán Tân Mão, chúng ta cũng chờ đón một sự kiện  trọng đại sẽ diễn ra trong những ngày tới đây: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội được mong chờ sẽ xác định đường lối phát triển của đất nước cũng như bầu chọn ra ban lãnh đạo mới gánh vác trọng trách chèo lái đất nước trong 5 năm tới.

Trước thềm sự kiện quan trọng bậc nhất này, VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Bùi Đức Lại, từng là chuyên gia cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương. Góc nhìn của tác giả có thể có nhiều chỗ cần tranh luận thêm, song  ông cũng mạnh dạn nêu lên với tinh thần "việc của Đảng cũng là việc của quốc gia", bằng tâm huyết của một đảng viên lâu năm và niềm tin tưởng Đại hội Đảng sẽ thực sự trở thành ngày hội lớn của dân tộc.

Năm đầu tiên của thập niên thứ hai thế kỷ 21 đến trong bộ mặt trầm tư với những thành tựu không trọn vẹn, những khó khăn đã tích tụ, những nguy cơ đang rình rập. Nhưng cũng lấp ló nhiều hy vọng.

Tâm trạng từng người có thể khác nhau. Nhưng chắc là không mấy người có thể yên lòng với hiện tình đất nước, dù nhìn từ góc độ nào, từ yêu cầu phát triển phồn vinh, đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; thực hiện quyền làm chủ, tự do mưu cầu hạnh phúc của nhân dân; hoặc từ những lo toan hàng ngày, bữa ăn, viên thuốc…

Cùng với tăng trưởng kinh tế, đời sống vật chất có cải thiện, nhưng bất công xã hội cũng đã tăng lên, nhiều tai ương xuất hiện, đời sống tinh thần nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Cuộc sống thực ngày càng tiến gần đến hay càng rời xa lý tưởng xã hội được thiết kế? Thật không dễ trả lời câu hỏi đó.

Có những vấn đề của đất nước không thể đòi hỏi giải quyết xong trong một sớm một chiều. Điều này ai cũng phải thừa nhận.

Nhưng đáng lo ngại là ở chỗ, những khuyết tật thay vì phải giảm dần thì đang có khuynh hướng tăng lên, tích tụ lại trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Chúng cộng hưởng, trở nên phức tạp, nguy hiểm, biến hóa ngày một quái ác, do đó việc khắc phục chúng càng gian nan hơn.

Các khuyết tật đó đã được chỉ ra rất sớm, đã được phê phán trong nhiều nghị quyết với lời lẽ ngày càng gay gắt, thống thiết, đã có những gương “phản diện” tầy liếp cảnh báo. Nhưng các kế hoạch, biện pháp, khẩu hiệu hành động đề ra trên thực tế đã không tạo được chuyển biến cơ bản, cũng không hứa hẹn một hiệu quả khá hơn trong tương lai. Có khi một giải pháp tình thế cải thiện phần nào tình hình ở mặt này, lại khiến nẩy sinh vấn đề ở những mặt khác.

Từ “bất cập” được nhắc đến ngày càng nhiều trong các đánh giá tình hình gây ấn tượng về sự lúng túng, bất lực trên các lĩnh vực quản lý. Đây chính là điều khiến xã hội lo lắng, phân tâm, lòng tin suy giảm. 

Có thể kể ra những nguyên nhân khách quan, suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính quốc tế, thiên tai, địch họa…; viện dẫn những khó khăn nẩy sinh khi thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 1000 USD… Nhưng nguyên nhân cơ bản là do những khuyết điểm chủ quan trong lãnh đạo và quản lý.

Các văn kiện của Đảng đã thừa nhận điều này, nhưng nhiều khi chỉ dừng lại ở đó, chưa phân tích đầy đủ, sâu sắc bản chất vấn đề, chưa kiên quyết khắc phục những nguyên nhân có tính thể chế, chưa chỉ rõ và xử lý nghiêm, đúng chế độ trách nhiệm đối với cá nhân người lãnh đạo, quản lý.

Đại biểu dự đại hội đảng bộ huyện Từ Liêm, Hà Nội năm 2010. Ảnh: LAD

Đất nước nào, thời đại nào cũng có những khó khăn, những vấn đề gay gắt phải đối mặt. Nhưng khó khăn nào cũng có thể vượt qua, nếu có đường lối, sách lược hợp lòng người, đủ sức huy động được toàn dân đồng tâm hiệp lực, trên dưới một lòng, hành động thống nhất.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, hiện đang nắm ngọn cờ xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không một người Việt Nam nào không đồng tình với một mục tiêu như vậy. Vấn đề là làm cho những mục tiêu đó trở thành hiện thực trong đời sống. Trước mắt là phải khắc phục tình trạng bộn bề hiện nay, chấm dứt những vấn nạn tiếp tục làm suy yếu đất nước.

Đó là yêu cầu mà cũng là thách thức đối với Đảng.

Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã đề ra nhiều năm, đã bỏ ra không ít công của để thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả. Đó là một chỉ báo rõ ràng rằng cần có những chủ trương, chính sách mới, có tính bước ngoặt, mạnh mẽ hơn, trên cơ sở tư duy mới, sát đúng hơn với thực tế khách quan.

Đó là điều được chờ đợi ở Đại hội XI. Đại hội có thể đáp ứng đến mức nào những yêu cầu chính đáng đó phụ thuộc vào toàn thể Đại hội, vào từng đại biểu, vào ban lãnh đạo khóa X của Đảng.

Trong thể chế nước ta hiện hành, ban lãnh đạo khóa X của Đảng là nhân tố đang có vai trò quyết định trong việc này. Thiếu vai trò “nêu vấn đề”của nó trên cơ sở tập hợp, chắt lọc, chưng kết trí khôn của dân tộc và thời đại, thì đại biểu không thể phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và trí tuệ sáng tạo. Mọi ý kiến tâm huyết, tìm tòi của xã hội, đảng viên và nhân dân, dù may mắn được “trân trọng”, thì cũng rơi vào chỗ trống.

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng không phải là một sự kiện độc lập, mà là cao điểm của một quá trình liên tục, bắt đầu từ việc dự thảo các văn kiện và tiếp diễn qua đại hội các cấp. Là một phần của quá trình, đương nhiên nó chịu ảnh hưởng của cả quá trình. Nhưng trí tuệ của Đại hội không đơn giản là trí tuệ được cộng từ đại hội các cấp dưới, mà một khi được tập trung lại và phát huy đầy đủ, nó có thể tạo ra chất lượng mới, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

Các dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị, bổ sung nhiều vòng, nay đã hoàn tất cơ bản trên nền tảng dự thảo ban đầu, nhưng “một số vấn đề phức tạp, đã trao đổi, thảo luận nhiều, nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau, chưa đủ cơ sở để kết luận”, như Hội nghị Trung ương 14 đã thừa nhận. Chắc chắn đó không phải là những vấn đề chi tiết, cụ thể, mà là những nội dung quan trọng trong Cương lĩnh và Chiến lược.

Xét cho cùng, có ý kiến khác nhau cũng là sự thường. Vấn đề là ở chỗ có những quan điểm cơ bản được dự thảo tiếp tục khẳng định trình ra Đại hội vẫn chưa đủ căn cứ vững vàng về lý luận và thực tiễn để có thể tự bảo vệ và thuyết phục người khác. Dùng các biện pháp hành chính để thông qua là việc có thể làm được, nhưng không giải quyết được vấn đề gì, thậm chí còn có hại cho sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, thêm nguy cơ xa rời cuộc sống.

Đại biểu đại hội, qua hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực khác nhau, có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với các tầng lớp nhân dân, tiếp cận với thông tin trong và ngoài nước, đủ điều kiện để tự chủ bàn và quyết định các vấn đề của đất nước, của Đảng mà không cần ai “nắm tay chỉ việc”.

Vấn đề là tạo ra một “môi trường” thuận lợi để các đại biểu có thể phát huy hết tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh của họ. Thực hành dân chủ trong Đại hội là biện pháp quan trọng hàng đầu để Đại hội làm được chức năng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Để làm được điều đó cần đổi mới hoạt động của Đại hội, cụ thể là đổi mới Quy chế đại hội, Quy chế bầu cử và Chương trình làm việc. Đây là những việc có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp đối với chất lượng và kết quả Đại hội.

Quy chế là do Đại hội quyết định. Đổi mới quy chế phải vượt qua nhiều rào cản. Không phải mọi đại biểu đều sẵn sàng ủng hộ đổi mới quy chế trong điều kiện các “đoàn đại biểu” đã hình thành và việc giới thiệu nhân sự Trung ương đang dần hoàn tất.

Nếu làm theo quy chế cũ, các bí thư đảng bộ trực thuộc, các vị “đầu ngành” được giới thiệu lại, các vị mới được giới thiệu, hầu như khá “chắc suất” tham gia Ban chấp hành mới. Họ thường có tâm thế muốn làm như cũ, đỡ bị “soi xét”, “hệ số an toàn” trúng cử cao hơn. Thường là trưởng các đoàn đại biểu, họ giữ vai trò chủ trì các cuộc họp, phản ảnh ý kiến thảo luận trong đoàn, trên thực tế, trở thành “người phát ngôn”, chi phối các đại biểu trong đoàn mà phần đông là cấp dưới trực tiếp của họ.

Những người được dự kiến giới thiệu vào vị trí cao trong khóa XI sẽ cùng với ban lãnh đạo khóa X tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội, dễ có tâm lý giữ cách làm cũ để cho mọi việc diễn ra suôn sẻ “theo đúng dự kiến”. Những người không được giới thiệu lại, cũng khó thẳng thắn đưa ra những ý kiến đổi mới, ngại bị chụp mũ gây khó khăn, “thiếu xây dựng”.

Tóm lại, có những đại biểu không ủng hộ đổi mới quy chế, những người này lại dễ rơi vào những người có vị trí quan trọng, tiếng nói có ảnh hưởng tạo dư luận và ra quyết định trong Đại hội.

Vì vậy, đổi mới quy chế, đổi mới tổ chức Đại hội đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của các đại biểu đại hội, trước hết là của ban lãnh đạo khóa X. Thoát ra khỏi nếp nghĩ và cách làm cũ là việc không đơn giản, có thể nảy sinh những khó khăn chi tiết trong công việc, nhưng chỉ có làm thế thì mới có điều kiện nâng tầm sức mạnh và hiệu lực của Đại hội. 

Chắc chắn không ai bằng lòng một không khí hội hè, những diễn văn mòn sáo, những tham luận - báo cáo thành tích của ngành, địa phương, những lời ca ngợi trống rỗng. Cũng không ai muốn thấy cảnh tranh công, đổ lỗi, xử lý ân oán riêng tư, dàn xếp sau hội trường, thực thi những thủ đoạn, thủ thuật và việc làm không minh bạch. Cũng không ai muốn lặp lại việc nhiều đại biểu bỏ phiếu với tâm trạng “cầm lòng vậy, đành lòng vậy”, bầu người vào ban lãnh đạo cao nhất của Đảng mà không chắc tin, vẫn băn khoăn vì không được giải đáp công khai và tường minh những thông tin về họ.

Đại hội toàn quốc, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng càng phải làm gương thực hiện chính những điều đặt ra đối với đại hội các cấp.

Tinh thần đổi mới cần đưa vào các dự thảo quy chế và chương trình làm việc. Đại hội cần xem đây là việc quan trọng, dành thời gian và tâm sức thảo luận kỹ và quyết định.

Đoàn Chủ tịch giữ đúng vai trò điều hành công việc, không làm các việc mang tính chất “chỉ đạo” Đại hội. Đoàn Chủ tịch là một phần của Đại hội, không phải là cơ quan giải trình, nên không có trách nhiệm trả lời chất vấn, cả về văn kiện lẫn về nhân sự. Trách nhiệm giải trình thuộc Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội, cơ quan trình các báo cáo, dự thảo văn kiện và chuẩn bị giới thiệu nhân sự. Cá nhân nào bị chất vấn thì người đó có trách nhiệm trả lời, không ai và tổ chức nào có thể trả lời thay.

Mọi việc quan trọng cần thực hiện trong các phiên họp toàn thể, kể cả trong thảo luận các dự thảo văn kiện, chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận về nhân sự, nhằm đảm bảo tập trung trí tuệ của Đại hội, đảm bảo thông tin công khai, thông suốt đến các đại biểu. Bỏ hẳn quy định Đoàn Chủ tịch trả lời riêng cho đại biểu có chất vấn về nhân thân người ứng cử hoặc được đề cử. Hạn chế đến mức cao nhất đưa các nội dung quan trọng về “trao đổi theo đoàn”, làm cho đại hội bị phân tán thành các “tiểu hội”, vô hình trung biến Đoàn Chủ tịch trở thành cấu trúc chi phối toàn thể đại hôi.

Trong không khí dân chủ, cởi mở, trách nhiệm, không e sợ quy kết, chụp mũ (và cũng không ai có thể quy kết, chụp mũ người khác), biết lắng nghe nhau, lắng nghe đồng bào, đồng chí, lắng nghe những “mách bảo của cuộc sống hiện thực”, tin rằng các đại biểu hoàn toàn có đủ điều kiện thảo luận và quyết định những vấn đề trọng đại đối với đất nước và Đảng như:

Đánh giá khách quan, nghiêm túc, sát thực, đầy đủ hiện tình; phân tích sâu sắc cụ thể thời cơ và nguy cơ; nhận chân quy mô, tác hại, chỉ rõ trách nhiệm cụ thể những khuyết điểm, khuyết tật kéo dài lâu nay.

Đổi mới tư duy đề ra và thực hiện chủ trương chính sách. Gọi đích danh và loại bỏ các chủ trương, chính sách lỗi thời, không hiệu quả, gắn với tư duy và cách làm cũ. Định rõ cụ thể một số nội dung cơ bản của tư duy và quyết sách mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Tập trung vào yêu cầu làm xoay chuyển tình hình, giành lại thế khống chế đối với các hành vi và thế lực khuynh đảo lợi ích của đất nước, của nhân dân. Không lãng phí thời gian và tâm sức tranh cãi những vấn đề chưa thật bức xúc, chưa đủ điều kiện kết luận.

Xử lý nghiêm túc vấn đề nhân sự. Tự mình lựa chọn được ban lãnh đạo khóa XI. Do nhiều nguyên nhân, có thể ban lãnh đạo đó có những hạn chế, không hoàn thiện, nhưng đó phải là phương án tốt nhất, là kết quả lựa chọn dân chủ, tự chủ và có ý thức của các đại biểu, không chịu tác động lung lạc của bất cứ thế lực ngầm nào, trong cũng như ngoài Đại hội, trong cũng như ngoài Đảng, trong cũng như ngoài nước.

Có chất lượng đến đâu cấu tạo số lượng đến đấy. Từ bỏ lối dự kiến số lượng theo kiểu hành chính để có đủ số phân bổ cho mọi địa phương, đơn vị, từ đó chạy theo số lượng, cố “vơ bèo vạt tép”. Trong khi chưa có điều kiện khách quan để đòi hỏi cao hơn, một ban lãnh đạo tốt hiện nay là một ban lãnh đạo được đảng viên và nhân dân tin cậy. Trong ban lãnh đó không có chỗ cho những thành viên đạo đức yếu kém, tư duy và hành động cũ kỹ, mắc lỗi nặng trong lãnh đạo và quản lý, chỉ chăm lo vun vén cho lợi ích riêng, cục bộ, phe cánh, chịu sự chi phối của các tập đoàn lợi ích và thế lực bên ngoài.

Tinh thần nghiêm túc của Đại hội trong việc lựa chọn ban lãnh đạo khóa XI là một đảm bảo cho chất lượng triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội, cũng là tuyên ngôn và cam kết cụ thể dứt khóat của Đảng bài trừ các yếu tố suy đồi ngay trong tổ chức của mình.

Dù có khó khăn, nhưng Đại hội vẫn có thể chỉ ra và lựa chọn những gương mặt trẻ, thực sự xứng đáng để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách làm nguồn cho ban lãnh đạo tương lai.

Đại hội cũng đủ sáng suốt để cân nhắc và quyết định việc bầu chức danh Tổng Bí thư. Bầu thế nào? Đại hội hay Ban chấp hành Trung ương bầu? Bầu ai? Cần đặc biệt xem trọng những yếu tố nhân cách nào? Những điều gì dứt khóat không thể chấp nhận đối với cương vị này?

Tất cả những điều xem ra có vẻ khó khăn đó, đều nằm trong tầm tay xử lý của Đại hội, nếu đổi mới cách tiến hành Đại hội.

Đại hội Đảng là sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất, năm năm mới có một lần. Nội dung hệ trọng và tính phức tạp của vấn đề phải giải quyết đòi hỏi thời gian vật chất hợp lý. Nếu yêu cầu khách quan đòi hỏi thì không nên cố “gói ghém”thời gian Đại hội trong năm bảy ngày. Hàng năm, ban lãnh đạo trung ương và các cấp đã dành thời gian dài hơn nhiều cho những hội nghị, những công việc kém quan trọng hơn, khiến người ta có thể cho rằng, việc bố trí thời gian đại hội quá eo hẹp (với lý do tiết kiệm, không để “trống sân” lãnh đạo, xử lý công việc) thực chất là gò thời gian để hạn chế dân chủ, hạn chế “phát sinh vấn đề” mà thôi. Mà điều này thì trái với yêu cầu cơ bản đặt ra đối với Đại hội. 

Bùi Đức Lại