- Ở cuộc Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 10 diễn ra sáng nay tại Hà Nội, các nhà tài trợ quốc tế đều khẳng định đã đến lúc biến các khuyến nghị chính sách thành hành động thực tiễn.
Nhìn lại 9 kỳ Đối thoại được tổ chức 2 lần/năm từ 2007 đến nay với các chủ đề thiết thực như xã hội dân sự, cải cách hành chính, vai trò của báo chí, đầu tư xây dựng, y tế, giáo dục, đất đai, khai khoáng..., nhận định chung của Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế là Đối thoại đã có những tác động nhất định.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước các nhà tài trợ tại Đối thoại chống tham nhũng lần thứ 10. Ảnh: Chung Hoàng |
Có ý kiến cho rằng nên "giãn ra" tổ chức mỗi năm một cuộc đối thoại để có thời gian triển khai thực hiện và đánh giá. Song đại diện ĐSQ Thuỵ Điển, nước giữ vai trò nhà tài trợ điều phối trong phần lớn các cuộc đối thoại, nhận định "hiệu quả phòng chống tham nhũng không nằm ở việc tổ chức Đối thoại mấy lần một năm mà ở những hành động cụ thể được thực hiện giữa các kỳ".
Đồng tình với ý kiến này, đại diện ĐSQ Australia thấy Việt Nam đã cơ bản có một hệ thống thể chế đáp ứng gần đủ các yêu cầu của Công ước LHQ về phòng chống tham nhũng, vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện.
Vị đại diện này kiến nghị các cơ quan Việt Nam tiếp tục thu thập bằng chứng thực tế cũng như tiến hành nghiên cứu khảo sát để đánh giá hiệu quả của các chính sách đang thực thi.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng đánh giá 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng là đúng lúc và kịp thời, khi Quốc hội vừa thông qua các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 và 10 năm tới, tạo nền tảng cho phòng chống tham nhũng.
"Chúng tôi thấy Chính phủ Việt Nam đã không tự mãn với những kết quả đạt được và vẫn coi việc phòng chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu", bà Kwakwa nói.
Đại diện ĐSQ Thuỵ Điển cũng nhận định những kết quả đã đạt được "chưa phải là cái đích cuối cùng mà phải đặt những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới". Vị đại diện này khẳng định các đối tác quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chừng mực có thể.
Đại diện LHQ cho rằng cần chỉ ra các lĩnh vực, khu vực cụ thể với các mức độ tham nhũng khác nhau để có những ưu tiên phù hợp. "Các cuộc đối thoại hiện nay mới chỉ dừng lại ở trao đổi thông tin, trong tương lai phải là thảo luận để có thể tác động trực tiếp vào việc phòng chống tham nhũng thay vì gián tiếp như hiện nay", vị đại diện này nói.
Chuyên gia của UNDP Jairo Acuna-Alfaro thì chỉ ra cam kết chính trị có chuyển được thành hành động thực tiễn còn phụ thuộc vào nguồn lực cho các cơ quan thực thi phòng chống tham nhũng. Theo ông, đây là vấn đề cần được đặt lên bàn thảo luận.
Lôi kéo người dân, báo chí, xã
hội dân sự
Giám đốc WB Việt Nam nhấn mạnh lại hai kiến nghị đã được đưa ra trong tất cả các kỳ đối thoại: Tăng cường tính minh bạch và tạo điều kiện cho người dân cũng như các tổ chức xã hội tham gia chống tham nhũng.
"Minh bạch trong mọi hoạt động của Chính phủ như ngân sách, đầu tư xã hội... đã làm được bước đầu nhưng cần phải trở thành việc thường xuyên và bình thường", bà Kwakwa nói.
Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) góp ý về hai lĩnh vực cần được minh bạch ngay là đầu tư công và các tổng công ty, tập đoàn nhà nước: "Hai lĩnh vực này đều có vấn đề chung là đầu tư dàn trải, không hiệu quả, tính cạnh tranh thấp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Cải tổ chúng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng chống tham nhũng".
"Cũng cần có Luật tiếp cận thông tin để mở rộng khả năng cho công chúng", Giám đốc WB Việt Nam chỉ ra các phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp của QH hay những thông tin trên website của Chính phủ là những dấu hiệu tích cực.
Bà Kwakwa cũng cho rằng người dân và các tổ chức dân sự phải trở thành một phần quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đại diện ĐSQ Australia đồng tình cần lôi kéo người dân, những người bị ảnh hưởng bởi tham nhũng cũng như sẽ hưởng lợi từ các chính sách chống tham nhũng vào cuộc.
Đại sứ Canada Deborah Chatsis thì lưu ý về nhận thức của người dân và doanh nghiệp về cuộc chiến này: "Nếu trong nước vẫn còn lo ngại, thậm chí cho rằng tham nhũng tăng, sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài. Họ sẽ ngại ngần khi thấy môi trường kinh doanh chưa minh bạch, công bằng, bình đẳng".
Bà Chatsis cũng cho rằng "báo chí phải được tạo điều kiện đưa tin, viết bài về tham nhũng mà không phải sợ hãi".
Đại diện ĐSQ Mỹ nhận định sự tham gia của báo chí và các tổ chức xã hội không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người dân mà còn tạo áp lực, sức ép lên các cơ quan Chính phủ. "Minh bạch quan trọng nhất chính là thông tin đầy đủ, có vậy mới nâng cao vị thế kiểm tra, giám sát của người dân, từ đó phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn", vị đại diện này nói.
Thay mặt chủ nhà, Phó Tổng Thanh tra CP Trần Đức Lượng cho biết kết quả thảo luận của mỗi kỳ Đối thoại đều được tổng hợp báo cáo với những đề xuất cụ thể để Thủ tướng giao việc cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy vậy, ông Lượng thừa nhận công tác "hậu Đối thoại" chưa hiệu quả và cần triển khai nhanh hơn.
Chống tham nhũng: Sắp sơ kết kê khai tài sản
Cần bảo vệ cả thân nhân người tố cáo tham nhũng
Tham nhũng: Nói nhiều, xử lý không nhiều?