- "Nếu Việt Nam chứng tỏ mình có thể sử dụng ODA hiệu quả, đúng mục đích, giải ngân đúng tiến độ, các nhà tài trợ quốc tế sẽ tin tưởng và tiếp tục hỗ trợ", Bộ trưởng KH-ĐT nói.
Công bố chính thức con số 7,386 tỷ USD cam kết ODA cho Việt Nam năm 2012, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhận định tại phiên bế mạc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) hôm nay (6/12) rằng số tiền này “vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, càng quan trọng hơn khi Việt Nam đang gặp khó khăn, cần rất nhiều nguồn lực để theo đuổi các mục tiêu tái cơ cấu đã lựa chọn cũng như để đổi mới đất nước”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (trái) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại CG hôm nay (6/12). Ảnh: Trường Sơn |
Con số này tuy khiêm tốn hơn so với các năm trước, nhưng theo ông Vinh "vẫn là cao" do các nguyên nhân: Thứ nhất, trong số 7,9 tỷ USD cam kết ODA năm 2011 có gói cứu trợ của Ngân hàng TG (WB) mà năm nay không có.
Thứ hai, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, sự ưu tiên của các đối tác phát triển cũng phải giảm đi theo quy định chung. Và đặc biệt, Việt Nam vẫn nhận được sự trợ giúp của các đối tác phát triển dù hầu hết các nhà tài trợ lớn đều đang gặp khó khăn, các nước châu Âu đang đối phó với khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách lớn, Nhật Bản phải dồn sức khắc phục hậu quả động đất - sóng thần, trong khi nền kinh tế Mỹ đang chao đảo.
Tại họp báo sau hội nghị, phân tích ý nghĩa của sự trợ giúp này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý một trong những hướng tái cơ cấu mà Chính phủ Việt Nam nêu ra cho năm 2012 là tái cơ cấu đầu tư công.
"Tổng đầu tư xã hội vẫn sẽ phải tăng lên do nước ta còn nghèo, đang phát triển, nhu cầu về cơ sở hạ tầng rất lớn và ngày càng trở thành áp lực, nhưng trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nợ công ở mức cao hiện nay, tiết giảm đầu tư công từ ngân sách nhà nước là một trong những biện pháp mà Chính phủ quyết tâm theo đuổi", ông Vinh nói.
"Do hai nhu cầu đều cấp bách đó, tư duy của Việt Nam đã thay đổi theo hướng giảm dần đầu tư công, mở ra các kênh mới, tạo thêm điều kiện cho lĩnh vực tư nhân và nước ngoài tham gia đầu tư. Do vậy, ODA trở thành nguồn vốn rất ý nghĩa đối với các dự án lớn".
Cam kết sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ODA
"Trong khi chúng ta cần hơn 500 nghìn tỷ đồng để hoàn thành những công trình đang dở dang, đầu tư công từ ngân sách lại giảm mạnh, mỗi một đồng vốn ODA là rất quý, chúng ta có trách nhiệm sử dụng từng đồng vốn này một cách hiệu quả", Bộ trưởng KH-ĐT nhận định.
Bên cạnh Chỉ thị 1792 của Thủ tướng về tăng cường quản lý vốn ngân sách nhà nước và Trái phiếu CP, siết chặt hơn về yêu cầu bố trí vốn tập trung, không dàn trải, ông Vinh còn cho biết Bộ KH-ĐT đã được giao, ngay trong quý I năm 2012, xây dựng Nghị đình về xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, thay vì kế hoạch bố trí hàng năm, công bố rõ ràng các nguồn lực, bao gồm cả vốn ODA, để mỗi địa phương, bộ, ngành chủ động bố trí theo các tiêu chí chặt chẽ của Chính phủ về trách nhiệm của người ký quyết định, trách nhiệm giải ngân...
"Đó chính là lời cam kết của Chính phủ Việt Nam về sử dụng ODA", ông Vinh nói.
Bộ trưởng KH-ĐT cho biết năm 2010, Việt Nam đã giải ngân 2,941 tỷ USD, dù là cố gắng lớn nhưng các nhà tài trợ vẫn đánh giá là chậm. Năm 2011, đến tháng 11 mức giải ngân đã đạt 3,2 tỷ USD, dự kiến hết năm sẽ giải ngân được 3,65 tỷ USD, cao hơn khoảng 10% so với 2010. Ông Vinh tin tưởng tiến độ giải ngân năm 2012 sẽ được thúc đẩy, cao hơn năm 2011.
"Nếu Việt Nam chứng tỏ mình có thể sử dụng ODA hiệu quả, đúng mục đích, giải ngân đúng tiến độ, các nhà tài trợ quốc tế sẽ tin tưởng và tiếp tục hỗ trợ", Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh. "Ngược lại, nếu thấy Việt Nam còn nghèo mà sử dụng lãng phí, tham ô ODA, sẽ chẳng ai đầu tư".
Chung Hoàng (ghi)