- "Chúng tôi là những cá nhân bình thường trong một dân tộc vĩ đại, làm những công việc bình thường như bao người dù là trong chiến tranh, hay giữa thời bình", ông Phạm Văn Đức, nhà báo từng bám trụ ngay giữa lòng Hà Nội trong 12 ngày đêm B52 Mỹ rải bom ở Thủ đô, bộc bạch.
Ba nhà báo từng tác nghiệp trong 12 ngày đêm tôi gặp là ông Đức, ông Chu Chí Thành, và ông Nguyễn Xuân Mai. Trong giai đoạn Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, ông Đức nguyên là phó phòng tin tiếng Pháp ban đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam; ông Chu Chí Thành từng là phóng viên ảnh quân sự, chính trị ngoại giao Thông tấn xã Việt và ông Nguyễn Xuân Mai - nguyên là phụ trách Tuần báo Phòng không Không quân.
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành - nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam (đứng trước, tại Quảng Trị 1973) |
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành -
miền ký ức nối dài
Trong bộ ảnh “Ký ức chiến tranh”, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã dành riêng một chương cho các tấm hình về Hà Nội và Hải Phòng 12 ngày đêm năm 1972. “Chúng tôi vào cuộc hết sức nhẹ nhàng và giản đơn, không hề gò bó hay cảm thấy khó khăn”, ông Thành mở đầu câu chuyện.
Sáng sớm 27/12/1972, ông Thành tới hiện trường vụ bom rải thảm ở Khâm Thiên. Đêm 26, B52 dội bom dọc phố làm 500 người chết và bị thương. Hôm đó không phải phiên trực, ông cùng vợ lên thăm bố ở Hàng Bột thì gặp Mỹ bỏ bom. Gia đình ông xuống hầm trú ẩn ở Giám. “Tôi nghe thấy rõ tiếng bom nổ, tiếng đạn pháo tên lửa của mình bắn lên. Đã nếm mùi B52 trước đó, khi ấy tôi hiểu bom ở rất gần, bất chợt tôi run lên. Trong đầu thoáng qua ý nghĩ cái chết đã gần kề”.
Người đầu tiên sau trận bom ông nhìn thấy là một phụ nữ tại Cống Trắng, Khâm Thiên. “Khi ấy mọi người đã tập trung khá đông để cứu người, tìm người. Nhưng ra phía sau, tôi thấy cô ấy, giữa đổ nát lại hầu như không một bóng người. Một cô gái Thủ đô, đầu đội chiếc khăn rằn, vai đeo súng, bước chân quả quyết đi làm nhiệm vụ, không cần ai, một mình trên cánh đồng bom mênh mông, có lẽ cô đi cứu người và tôi đã cố đuổi theo để ghi lại hình ảnh”.
Có hình ảnh khiến ông đã day dứt và không được đưa vào bộ ảnh "Ký ức chiến tranh". Có lẽ, ông giữ nó cho riêng mình. Đó là cảnh ông chụp một viên phi công Mỹ chết bên cạnh xác máy bay rơi ở cánh đồng Định Công. Ông đã thấy trong chiếc túi cá nhân rơi ra từ buồng lái có tấm hình vợ và con của viên phi công. Người vợ trẻ trung xinh đẹp, đứa con có lẽ chưa đầy một tuổi rất dễ thương. “Khoảnh khắc ấy tôi chợt nghĩ, nếu người này không tham gia cuộc chiến, có lẽ anh đã có một gia đình hạnh phúc. Nhưng giờ đây, anh ta nằm chết trên cánh đồng ngoại thành Hà Nội”.
Và ông cũng không thể nào quên về kỷ niệm về bức ảnh chụp trận đánh ngay ở trận địa gần hồ Trúc Bạch. "Tôi đứng trên ụ rađa chụp ảnh, giữa trận địa khốc liệt, đường Thanh Niên và Hồ Tây mờ mờ phía sau". Chìm lắng trong nỗi xúc động, ông kể: “Vài ngày sau, trận địa ấy bị phá hủy hoàn toàn. Cả một nhóm kỹ sư trẻ của Bách Khoa mới tuyển quân, học điều khiển rađa, vào trận địa để thực tập và chiến đấu đã hy sinh. Nơi tôi đứng chụp ảnh vài ngày trước bị san phẳng…”.
Nhà báo Nguyễn Xuân Mai (ảnh trên, ngoài cùng bên trái) và tập bản thảo ông viết tay để Tuần báo Phòng không Không quân xuất bản khi chiến dịch 12 ngày đêm kết thúc. |
Đại tá Nguyễn Xuân Mai - nhà báo viết tường thuật giữa tiếng bom
Nhà báo Nguyễn Xuân Mai bắt đầu vào nghề năm 1961. Kể từ năm 1971, ông là phụ trách Tuần báo Phòng không Không quân. "Tôi hàng ngày liên lạc với bộ phận tiền phương, có máy điện thoại ưu tiên nói chuyện trực tiếp với họ, đồng thời có thể nói trực tiếp không qua tổng đài nào với các tiểu đoàn tên lửa. Chúng tôi làm việc không chỉ cho tuần báo mà còn là đầu mối thông tin cung cấp cho các báo đài về tình hình, tin tức chiến sự".
Ông kể về đêm đầu tiên (18/12) Mỹ ném bom. Cả Hà Nội rung chuyển, rực cháy bởi bom Mỹ và pháo phòng không, tên lửa đánh trả của Việt Nam. Tới đợt ném bom thứ hai trong đêm, một tiểu đoàn đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B52 đầu tiên tại cánh đồng xã Phù Lỗ (huyện Đông Anh). “Tôi lập tức cử phóng viên đến nơi máy bay rơi chụp hình. Anh ấy phóng mô tô tới Đông Anh thì không thể đi thêm được nữa vì đường sá bị cày tung, đành giấu mô tô vào ngôi nhà tranh của dân ở rìa đường và chạy bộ tới Phù Lỗ chụp ảnh”.
Nhìn thấy bức ảnh B52 đầu tiên rơi tại chỗ, ông đã xúc động, sung sướng đến tột cùng. “Ai cũng phấn khởi và đêm ấy thành đêm trắng. Trước nay vẫn hoài nghi chưa biết B52 bị bắn rơi ở đâu, nay được chứng kiến tận mắt. Cả đơn vị mừng tới nỗi không ăn uống được, buồn ngủ cũng không thể ngủ được”.
Không chỉ phụ trách thu thập, biên tập và xuất bản tin tức chiến sự, ông còn trực tiếp tham gia tác nghiệp ngay giữa lòng Hà Nội khi ấy. Ông kể, chiều ngày 22/12/1972, khi vừa từ trận địa tên lửa về nơi sơ tán của cơ quan ở vùng núi đá chùa Trầm thì nhận lệnh điều động nhiệm vụ đặc biệt. Đó là ghi lại đầy đủ hình ảnh, lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ông tới thăm các chiến sĩ trên trận địa Chèm, để kịp phục vụ Đài Tiếng nói Việt Nam phát trong đêm hoặc sáng sớm. Cuốn băng ghi âm tiếng nói Thủ tướng cần được mang về Hà Nội ngay trong đêm. Nhưng đường sá tắc nghẽn vì người đi sơ tán. Gần 1h sáng, xe mới về Cục Tuyên huấn, tại số nhà 83 Lý Nam Đế, nay là thư viện trung ương quân đội. Không còn thời gian để trích băng, ông đã viết nhanh tin tường thuật để kịp phát sóng trên Đài vào 6h sáng. Gần 3h đêm, bản tin hoàn thành trong khi máy bay Mỹ vẫn tiếp tục bắn phá, ném bom Hà Nội.
Cho tới giờ, ông còn giữ lại băng ghi âm tiếng nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và xem nó như một “chiến tích” chiến tranh.
Nhà báo Phạm Văn Đức - trải
nghiệm bình thường trong hoàn cảnh khác thường
Nhà báo Phạm Văn Đức |
Trong cảnh ngày thì máy bay tiêm kích bắn phá các trận địa, đêm thì B52 ném bom rải thảm ở các điểm định sẵn, người dân Hà Nội sống thế nào? Ông Đức cười giải thích: “Khi ấy có một câu tới bây giờ tôi vẫn thấy đúng. Đó là ‘ra ngõ gặp anh hùng’. Mỹ đánh cứ đánh, ta sống cứ sống, làm cứ làm. Một không khí rất bình thường, có bom thì tránh, không có bom lại làm việc và lao động. Gặp bất cứ ai, hỏi ai cũng đều có thể hành động như những anh hùng mà không cần động lực thúc đẩy, không cần tôn vinh hay tặng thưởng”.
Một nhà báo kỳ cựu với 40 năm trong nghề không nhớ nổi có bao nhiêu tin bài đã viết. Ông không viết sách vì luôn cho rằng, công việc mình làm rất bình thường, có rất nhiều người cũng làm, và cũng không có gì đáng để viết lại về bản thân.
“Chúng tôi sống trong lịch sử mà không biết, bước qua lịch sử cũng không hay”, ông Đức vui vẻ nói lúc tôi chào ra về.
Thái An