Trong buổi giao lưu trực tuyến trên truyền hình hôm qua, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã trả lời các câu hỏi xung quanh những chỉ trích gian lận bầu cử hạ viện. Ông tuyên bố, hệ thống camera sẽ được lắp đặt tại các điểm bầu cử trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống sắp tới.

Trước sức ép của làn sóng biểu tình đối lập, tại buổi giao lưu, ông Putin đã "mềm mỏng" nêu quan điểm của Kremlin khi ông bắt đầu chiến dịch quay trở lại ghế tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 3 năm tới.

Thủ tướng Nga Putin trả lời trực tuyến. Ảnh Rian
Từ chức nếu không được dân ủng hộ

Trong suốt 4,5 tiếng đồng hồ truyền hình trực tiếp, ông Putin đã từ chối thừa nhận những sai phạm trong bầu cử hạ viện, nhưng ông khẳng định, để ngăn chặn gian lận bỏ phiếu trong tháng 3 tới, ông sẽ yêu cầu lắp đặt camera ở tất cả các điểm bầu cử ở Nga "để toàn bộ đất nước được chứng kiến". Ông cho biết, ông hài lòng với các cuộc biểu tình diễn ra trong thời gian vừa qua. “Tôi đã thấy trên truyền hình nhiều người, hầu hết là những thanh niên trẻ, tích cực bày tỏ rõ ràng quan điểm phản đối của họ. Tôi vui vì điều đó. Nếu đây là kết quả của chính quyền Putin thì thật là tốt. Tôi không thấy có gì tồi tệ trong việc này”, ông Putin cho biết. Đây là phát biểu công khai đầu tiên của Thủ tướng Putin về các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở Nga từ sau ngày 4/12 đến nay.

Thủ tướng Nga cũng cam kết sẽ thỏa mãn yêu cầu của người dân bằng cách khôi phục chế độ dân bầu trực tiếp các chức danh tỉnh trưởng và thượng nghị sĩ. Những năm trước, ông Putin đã chủ trì việc gỡ bỏ hệ thống bỏ phiếu trực tiếp với các quan chức này.

Ông Putin cũng cam kết sẽ cho phép các đảng đối lập tự do đăng ký, bao gồm đảng Parnas dẫn đầu là cựu thủ tướng Mikhail Kasyanov. "Đầu tiên, chúng ta cần tăng cường hệ thống chính trị, mở rộng nền tảng dân chủ trong đất nước".

Ông cho biết sẵn sàng từ chức nếu không còn được dân ủng hộ. “Tôi có thể nói với các bạn rằng, nếu tôi không còn được ủng hộ, tôi sẽ không ở lại văn phòng dù chỉ một ngày”, ông nói. Nhưng theo Putin, sự ủng hộ của người dân không phải phản ánh qua các cuộc biểu tình nơi này, nơi kia hay trên trang web mà phải thông qua kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, trong khi cố mềm mỏng lúc bày tỏ quan điểm và trả lời hàng chục câu hỏi trên truyền hình, Putin đôi khi vẫn có sự thể hiện khá gay gắt. Ông bác bỏ các cáo buộc gian lận bầu cử, gọi đó là công cụ để phe đối lập giành quyền lực. "Phe đối lập luôn tuyên bố các cuộc bầu cử không trung thực, điều này xảy ra ở mọi quốc gia", ông nói.

Ông thậm chí còn so sánh biểu tượng thể hiện sự phản đối của người biểu tình - dải ruy băng trắng - với bao cao su. "Thành thực mà nói, khi tôi xem truyền hình và thấy có thứ gì đó đeo trên ngực một số người, không hay ho gì lắm, và tôi nghĩ đó là kiểu tuyên truyền phòng chống AIDS - rằng thứ họ đang đeo, thứ lỗi cho tôi, là một bao cao su", ông nói. Người biểu tình đã dùng biểu tượng này để thể hiện sự phản đối của họ với cuộc bầu cử hạ viện.

Không đề cập tới yêu cầu của người biểu tình về việc kiểm tra lại phiếu bầu cử, Putin cũng đôi lần chỉ trích Mỹ, đặt ra sự hoài nghi về cái gọi là "thiết lập lại quan hệ" giữa hai nước. "Chúng tôi muốn là đồng minh với Mỹ", ông nói. "Nhưng với tôi, dường như Mỹ không cần đồng minh, mà cần các nước lệ thuộc".

Nới lỏng 'dây cương'

Ngoài những vấn đề quen thuộc mà Putin thường đưa ra trong các cuộc đối thoại trực tiếp với người dân như sự thiếu tin tưởng đối với phương Tây, củng cố nước Nga, lần này, ông đã ra dấu hiệu chứng tỏ đã sẵn sàng nới lỏng “dây cương” trong một số lĩnh vực của đời sống chính trị. “Nếu tất cả các công dân tin tưởng tôi bầu tôi vào vị trí cao nhất của đất nước - chiếc ghế tổng thống, tôi chắc chắn sẽ hợp tác với tất cả mọi người”, Thủ tướng Putin tuyên bố.

Putin cho biết, nếu tái đắc cử chức Tổng thống Nga, ông sẵn sàng cân nhắc khả năng ân xá cho tỉ phú Mikhail Khodorkovsky, cựu Giám đốc công ty dầu mỏ Yukos đang ngồi tù, với điều kiện ông này phải thừa nhận tội lỗi.

Sau chương trình trả lời trực tuyến, ông Putin đã xác nhận ý định bổ nhiệm Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev giữ chức thủ tướng sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3.

Hồi tháng 9, Putin đã thông báo kế hoạch chạy đua vào chức tổng thống và bổ nhiệm ông Medvedev vào cương vị thủ tướng, nhưng ông cũng bóng gió rằng, kế hoạch có thể thay đổi nếu đảng nước Nga Thống nhất không đạt được kết quả tốt trong cuộc bầu cử Duma.

Thái An (tổng hợp)