- Một loạt cải tiến về thủ tục hành chính chứng tỏ chính quyền quận 1, TP.HCM, đã vượt qua được lực cản của sự trì trệ lâu nay trong cung cách phục vụ dân.

Không hề ngẫu nhiên khi TP.HCM đứng đầu trong đánh giá xếp hạng 30 tỉnh, thành qua về chỉ số hiệu quả quản lý hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do UNDP thực hiện năm 2011. Những thành quả kinh tế của thành phố này là một minh chứng về sự hỗ trợ tương thích của những thành tựu về cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Người dân xem bản đồ quy hoạch quận 1, TP.HCM qua màn hình cảm ứng. Ảnh: Thái Thiện
Từ triết lý coi dân là “khách hàng”của các nền hành chính hiện đại, để phù hợp với bối cảnh Việt Nam khi quan - dân còn có khoảng cách xa, UBND quận 1 đã đề ra phương châm "Hãy tiếp dân như tiếp lãnh đạo quận". Điều quan trọng là phương châm này được thể hiện qua những hành vi hành chính thiết thực như cung cấp dịch vụ công qua mạng, công khai bản đồ quy hoạch bằng màn hình cảm ứng, người dân bấm nút, chấm điểm cán bộ, gửi thư xin lỗi đến dân khi trễ hẹn... 

Đây rõ ràng là một cải tiến rất đáng học tập vì nó đã vượt qua được lực cản của sự trì trệ lâu nay trong cung cách phục vụ dân, hướng đến sự tôn trọng dân.

Công khai thủ tục

Cái mà chúng ta cần học hỏi từ sáng kiến của TP.HCM cũng như của các nước về TTHC là cách thức họ thực thi các TTHC ra sao. Có thể xếp theo 4 mức:

- Mức cao nhất, thường diễn ra ở các nước phát triển, người dân và tổ chức có thể thực hiện hầu hết các giao dịch với cơ quan công quyền qua mạng Internet.

- Mức thấp hơn, qua trang web của cơ quan này, công dân có thể tiếp cận các thông tin về loại TTHC mà họ cần. Sau khi nắm được thông tin về các điều kiện phải có và trình tự kê khai hồ sơ cũng như thời gian và lệ phí, họ sẽ đến cơ quan hành chính xã, phường hay quận, huyện để thực hiện giao dịch. 

- Mức thấp hơn nữa, thường diễn ra ở những nơi không có mạng Internet, người dân phải đến cơ quan công quyền để tìm kiếm thông tin qua bảng thông báo và hướng dẫn của công chức.

- Thấp nhất, là dân phải tìm kiếm công chức để hỏi, nếu không được chỉ dẫn hoặc chỉ dẫn không rõ thì quay về hỏi bạn bè, hàng xóm. Đây là kiểu thông tin “truyền mồm” khiến dân mất thời gian, vất vả lo lắng vì thông tin không rõ ràng.

Hiện nay, ở nước ta khá phổ biến cách 4. Người dân mất nhiều thời gian đi lại, có khi vẫn không được việc. Nếu các cơ quan hành chính thực sự thấy được ích lợi của hành chính với phát triển nói chung, với kinh tế - xã hội nói riêng và quyết tâm cải cách TTHC, hoàn toàn có thể áp dụng cách thứ hai ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng - nơi mỗi gia đình ít nhất có 1 người biết sử dụng máy tính. Còn ở những nơi trình độ dân trí còn thấp, nhất thiết cần áp dụng cách thứ ba. Cách thức “truyền mồm” chỉ nên áp dụng cho vùng cao, vùng xa.

Thực thi theo cách thứ 2, thì cơ quan công quyền cần phải xây dựng trang web cho mình, trên đó ghi rõ các nhiệm vụ mà cơ quan phải thực hiện để dân được biết cũng như các thông tin về TTHC theo thẩm quyền. Cách thứ 3, các thông tin này được ghi công khai trên bảng thông báo của cơ quan và để ở nơi người dân dễ thấy nhất.

Cả 2 cách này đều đòi hỏi các cơ quan hành chính phải rà soát các thông tin về TTHC liên quan đến lĩnh vực mình quản lý để cung cấp một cách ngắn gọn, rõ ràng các thông tin mà người dân cần biết, bao gồm:

- Nêu rõ các điều kiện người dân phải có
- Hồ sơ kê khai và cách làm
- Thời gian và lệ phí.

Thủ tục xin cấp chứng minh thư trên trang web của chính quyền địa phương ở Thái Lan ghi ngắn gọn như sau:

* Điều kiện: là công dân Thái, độ tuổi, có hộ khẩu.
* Cách làm: Nộp bản đăng ký xin chứng minh thư, đến tuổi trong vòng 2 tháng phải xin cấp chứng minh thư, mất hoặc hết hạn trong vòng 60 ngày phải xin cấp lại.
*Lệ phí phải nộp. Lần đầu xin cấp và hết hạn được miễn phí.

Kết quả Đề án 30 đơn giản hóa TTHC cho hay sau khi cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC đã tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp chi phí tương đương 30.000 tỷ đồng/năm. Kết quả các TTHC được cắt giảm này đã được công bố bằng sách. Tuy nhiên, ý kiến bạn đọc trên báo Nhân dân điện tử ngày 7/11/2009 nêu: “Cách công bố cả quyển 'Bộ thủ tục hành chính' mà không chia nhỏ từng lĩnh vực và không có mục lục đã đẩy người xem bị lạc vào 'mê hồn trận', không biết đâu mà lần, nhiều người đành 'bó tay”. 

Cũng trong năm 2009, nhiều bộ như: Bộ Tài chính, Công an, Tài nguyên - Môi trường… đã long trọng tổ chức lễ công bố bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của mình, song đến nay đã hơn 2 năm, các TTHC này vẫn chưa được chính quyền các cấp cụ thể hóa bằng việc công bố những thông tin về TTHC - từ góc nhìn của người dân, thuộc thẩm quyền của cơ quan, tại trụ sở cho dân được biết. 

Một số ít UBND phường ở Hà nội đã treo trên bảng thông báo các tập văn bản quy phạm của các bộ, ngành. Đây là một tiến bộ nhưng còn mang tính hình thức, chưa thuận tiện cho dân khi các văn bản này khá dày. 

Xốc lại bộ máy

Mô hình “một cửa liên thông” đề xướng trong nhiều năm qua mới chỉ là tổ chức lại dòng chảy công việc trong nội bộ cơ quan hành chính, còn kết quả mà người dân cần lại vẫn chưa làm được. Đó là sự công khai các thông tin cần thiết về TTHC mà dân có quyền được biết. Các thông tin này sẽ cho thấy kết quả của tinh giản về thủ tục và cách thức thực thi các thủ tục ra sao. Lúc đó mới hy vọng ra được kết quả tiết kiệm 30.000 tỷ đồng/năm. 

Tuy nhiên, kết quả của cải cách TTHC còn phụ thuộc vào kết quả từng bước, liên tục của Chương trình tổng thể CCHC. Phải tổng thể, vì muốn có kết quả trong nhiệm vụ cải cách TTHC lại phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện các nhiệm vụ khác: xốc lại bộ máy hành chính, rà soát lại chức năng nhiệm vụ để tránh trùng chéo hoặc bỏ sót việc.

Không thể có TTHC tốt, công chức tốt trong một hệ thống xộc xệch. Bộ máy với sự phân chia thẩm quyền hợp lý mới có cơ sở xây dựng bản mô tả công việc cho từng vị trí công chức, đặc biệt là chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền.

TTHC liên quan đến rất nhiều mặt của cá nhân và tổ chức, như: từ xin giấy khai sinh, khai tử, chứng minh thư,, hộ khẩu, đăng ký đất đai và giấy phép xây dựng cũng như đăng ký số nhà, nộp thuế, xin cấp phép kinh doanh, hộ chiếu xuất ngoại… Bởi vậy, dưới cái nhìn của người dân và doanh nghiệp, những tiến bộ về TTHC chính là là kết quả đầu ra của thành tựu về CCHC.

Nguyễn Thu Linh (Phó viện trưởng Viện Các vấn đề phát triển)