Thủ tướng Nga Vladimir Putin có thể giải tán đảng cầm quyền của ông và tạo ra một nền tảng quyền lực mới sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 tới, hai người gần gũi với kế hoạch này cho biết.


Thủ tướng Nga Putin đang đối mặt với nhiều thách thức trước cuộc bầu cử tổng thống. Ảnh: Topnews


Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 12 vừa qua, đảng Nước Nga thống nhất được ông Putin thành lập năm 2001 đã để mất ưu thế 2/3 ghế quốc hội. Theo người có liên quan tới các cuộc thảo luận trong chính phủ Nga về kế hoạch trên, đảng sẽ có cái tên khác, biểu tượng mới và nhà lãnh đạo mới. Tuy nhiên, người phát ngôn của đảng Nước Nga thống nhất Natalia Virtuozova cho biết, bà không biết về dự kiến này.

Việc đảng Nước Nga thống nhất trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 12 đã mất 77 ghế trong tổng số 450 ghế là một kết quả “của những vấn đề thâm căn cố đế”, ông Putin nói trong một cuộc gặp với những người ủng hộ ngày 7/2. "Nó thể hiện phản ứng của người dân với việc đảng thiếu khả năng giải quyết bất công ở tầng lớp thường dân”, ông nhấn mạnh.

Hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố trong các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử mà họ cho là gian lận hồi tháng 12. Moscow từ đó đã cam kết cho phép thêm nhiều đảng chính trị đăng ký, dành nhiều ghế cho nghị sĩ độc lập và khôi phục hệ thống bầu cử trực tiếp với nhà lãnh đạo vùng.

Người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov, qua điện thoại trả lời rằng, ông “chưa bao giờ nghe” về một kế hoạch đổi tên đảng nước Nga thống nhất. Thủ tướng Putin, 59 tuổi, người đã từ chối yêu cầu của phe đối lập về việc tổ chức lại cuộc bầu cử quốc hội, có thể chấp thuận bầu cử sớm vào năm 2014 để xoa dịu chỉ trích - Mikhail Dmitriev, phụ trách Trung tâm nghiên cứu chiến lược tại Moscow nói sau cuộc gặp với Thủ tướng Nga ngày 6/2. Dự kiến cuộc bầu cử tiếp theo là vào năm 2016.

Nếu tình hình yêu cầu

"Các cuộc bầu cử sớm không phải là điều mà Putin mong muốn, nhưng ông sẵn sàng làm điều này nếu tình hình yêu cầu”, Dmitriev nói. Ông cho rằng các cuộc bầu cử sớm là rất có khả năng xảy ra. Theo ông, Putin cũng có thể thay thế người dự kiến sẽ hoán đổi vị trí với ông - Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev khi ông này nắm giữ ghế Thủ tướng sau một năm.

Thủ tướng Nga năm ngoái đã thành lập liên minh những người ủng hộ dưới sự lãnh đạo của ông để hỗ trợ cho đảng cầm quyền bị suy giảm vị thế. Ông Putin là Tổng thống Nga từ 2000 - 2008. Tháng 9 năm trước, ông thông báo sẽ tham gia tranh cử tổng thống để trở lại Kremlin, hoán đổi vị trí với ông Medvedev sau 4 năm làm Thủ tướng.

Ông Medvedev, 46 tuổi, nguyên là một luật sư đã cam kết chống tham nhũng và cải tổ luật pháp, lên nắm quyền năm 2008 sau khi Putin hết hai nhiệm kỳ làm tổng thống theo quy định của hiến pháp.

Bầu cử tháng 12

Các đảng đối lập cáo buộc rằng, đảng Nước Nga thống nhất đã gian lận trong bầu cử quốc hội tháng 12 để tăng số phiếu từ 30% lên sát 50%. Chính phủ Nga khẳng định cuộc bầu cử là công bằng.

Năm 2007, đảng cầm quyền của ông Putin giành hơn 64% phiếu bầu chiếm thế ưu số 2/3 trong quốc hội và cho phép có thể thay đổi hiến pháp. Ông Putin đứng đầu đảng nước Nga thống nhất.

Các đối thủ trong cuộc đua giành ghế tổng thống với ông Putin ngày 4/3 tới đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử quốc hội mới vào tháng 12. Theo kết quả thăm dò mới đưa ra hôm 3/2 của Trung tâm nghiên cứu quan điểm công chúng toàn nước Nga, sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Putin đang tiến gần hơn tới ngưỡng cần thiết để giành thắng lợi hoàn toàn.

Ông có được 52% ủng hộ, tăng so với con số 49% trong cuộc thăm dò công bố một tuần trước đó. Sự ủng hộ thấp nhất với ông là 37% theo kết quả thăm dò từ 20-23/1 của Trung tâm độc lập Levada.

Trong khi đó, những người đối lập với ông Putin khẳng định, ông chỉ có thể giành chiến thắng ngay trong vòng bầu cử đầu tiên thông qua gian lận - động thái có thể sẽ dẫn tới những cuộc biểu tình. Theo Dimitriev, nhà lãnh đạo Nga đang yếu hơn bao giờ hết và có thể phải có một kế hoạch “chiến lược rút lui”.

Thái An (theo Bloomberg)