Nhân vật được cho là người kế nhiệm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào - phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã phác thảo dự án lòng tin, minh chứng rằng ông có thể quản lý mối quan hệ phức tạp với Washington.


Một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã cảnh báo chuyện “thâm hụt lòng tin” đang làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là tới chuyến công du Mỹ của phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người được cho là sẽ trở thành vị lãnh đạo hàng đầu nước này vào cuối năm nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải còn mạnh mẽ bảo vệ quyết định của Bắc Kinh trong việc phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria ngày 4/2, về lên án sự chỉ trích của Mỹ.

Trong cuộc họp báo ngắn với các phóng viên hôm thứ năm, ông Thôi đã “dội gáo nước lạnh” vào bất cứ mong đợi nào về những thoả thuận thương mại lớn trong suốt chuyến thăm Mỹ của ông Tập hay sự nhượng bộ nào của Trung Quốc trước yêu cầu từ Mỹ về việc nước này cần nâng giá đồng nhân dân tệ hơn nữa.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phản ánh những thách thức chính trị và kinh tế mà phó Chủ tịch Tập phải đối mặt khi ông chuẩn bị cho chuyến công du năm ngày đến Washington, Iowa và California bắt đầu từ thứ hai. Ưu tiên chính của ông Tập là thiết lập lòng tin cùng uy tín của ông như một vị chính khách thế giới, có khả năng giải quyết mối quan hệ phức tạp với Mỹ trước khi lên nắm những chức vụ hàng đầu Trung Quốc khi nước này diễn ra sự thay đổi tầng lớp lãnh đạo trong mùa thu tới.

Ông đã sẵn sàng thể hiện những dấu hiệu cho thấy, ông sẽ là một hình ảnh cởi mở và tự tin.

Vào hôm thứ tư, ông Tập dự kiến sẽ tham dự cuộc hội ngộ tại thành phố Muscatine, Iowa, với một gia đình ông từng ở cùng trong chuyến thăm khi là vị quan chức trẻ 1985. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc cũng đang thảo luận về kế hoạch để ông hiện diện tại một buổi chơi bóng rổ ở Los Angeles vào ngày cuối chuyến công du cho dù thông tin chưa được xác nhận.

Cả hai bên đều hy vọng rằng, sự tự tin của ông Tập Cận Bình sẽ góp phần tạo lập tính tích cực hơn cho quan hệ Mỹ - Trung - vốn không mấy bình yên trong hai năm qua xung quanh các tranh cãi thương mại, nhân quyền, nghi ngờ lẫn nhau về chiến lược quân sự của mỗi bên tại châu Á.

Thâm hụt lòng tin

"Việc thâm hụt lòng tin đã tóm tắt lại một thực tế rất rõ ràng. Đó là, mức độ tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ đang tụt hậu với những gì đòi hỏi về nỗ lực mở rộng hơn nữa quan hệ song phương hai bên”, ông Thôi Thiên Khải nói. “Chuyến thăm của phó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là một cơ hội rất quan trọng để củng cố hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau giữa chúng ta”.

Với các quan chức Mỹ, chuyến thăm là để xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa ông Tập và phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đã tới Trung Quốc năm ngoái; và thiết lập mối quan hệ làm việc với Tổng thống Barack Obama trong cuộc gặp giữa hai người ở Nhà Trắng vào thứ ba. Mỹ cũng sẽ nghiên cứu tỉ mỉ các ngôn từ và hành động của ông Tập để có thể tìm hiểu việc ông sẽ cố gắng quản trị Trung Quốc thế nào trong thập niên tới, và ai là người thân cận nhất với ông trong số các ứng viên khác.

Một bữa trưa do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chủ trì hôm thứ ba và chuyến thăm Lầu Năm Góc có lẽ cùng ngày sẽ giúp quan chức Mỹ cơ hội tìm hiểu quan điểm của ông Tâp về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ - trong đó tập trung vào khu vực châu Á và những điểm nóng chính trong khu vực, đặc biệt là Triều Tiên và Biển Đông. Nhà Trắng đang nỗ lực tìm kiếm các dấu hiệu rằng, Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ với Iran và gia tăng áp lực quốc tế đối với chính phủ Syria.

Theo ông Thôi Thiên Khải, sự hợp tác với Mỹ về vấn đề Syria vẫn là một khả năng. Nhưng ông này cũng nhấn mạnh, Trung Quốc không thích sự chỉ trích của Mỹ về việc họ cùng Nga phủ quyết nghị quyết về Syria. "Nếu có bất kỳ ai đó bị chỉ trích vì sử dụng quyền phủ quyết thì tôi sẽ nói rằng, Mỹ gánh trách nhiệm lớn nhất vì Mỹ sử dụng quyền phủ quyết của họ nhiều nhất”, ông Thôi nói. 

Quan chức Trung Quốc cho rằng: "Trong quan hệ quốc tế không nên bừa bãi sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Ông cũng nhấn mạnh là Trung Quốc chỉ sử dụng quyền phủ quyết của họ tám lần kể từ năm 1971.

Tuyên bố cứng rắn của ông Thôi đặt ra dấu hiệu về một số đổi trao căng thẳng có thể diễn ra ở Washington, đặc biệt là khi ông Tập thăm đồi Capitol vào sáng thứ tư và có cuộc gặp với một số nhà phê bình mạnh mẽ nhất. Phản ánh sự căng thẳng trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập, một số quan chức cấp cao chính quyền Obama, trong đó có phó Tổng thống Biden, tuần này đã có cuộc gặp với một nhóm hoạt động vì nhân quyền ở Trung Quốc.

Trong khi đó, giới kinh doanh Mỹ sẽ phải cạnh tranh với nhau để có được sự tiếp cận với ông Tập ở một vài cuộc gặp như bàn tròn các giám đốc điều hành hôm thứ tư và bữa trưa cùng ngày nơi ông sẽ có bài phát biểu trước khoảng 600 khách tham dự.

Hy vọng của doanh nghiệp

"Điều quan trọng nhất là tiếp tục xây dựng mối quan hệ với ông Tập Cận Bình”, John Frisbie, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, thành phần đồng chủ trì tiệc trưa hôm thứ tư cho biết. "Liệu ông ấy sẽ nói mọi thứ theo cách khác biệt? Phong cách ông ấy thế nào?”, Frisbie hỏi. “Điều quan trọng khác với ông là lắng nghe những vấn đề kinh doanh”.

Mỹ đang vận động để có được sự tiếp cận lớn hơn với thị trường Trung Quốc - đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và tự động, cũng như nỗ lực mạnh mẽ hơn chống vi phạm bản quyền, tạo lập sân chơi cạnh tranh hơn với các công ty Mỹ trong việc giành giấy phép và các hợp đồng chính phủ.

Một trong số ít hợp đồng thương mại có thể được ký kết là thoả thuận Trung Quốc sẽ mua nhiều đậu nành hơn từ Iowa - động thái mà giới phân tích xem là để làm nổi bật các lợi ích thương mại với Trung Quốc. Ông Tập cũng sẽ cố gắng nhấn mạnh tiềm năng đầu tư lớn hơn của Trung Quốc vào Mỹ bằng một chuyến thăm cảng ở Los Angeles và tham dự hội nghị đầu tư. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã “hạ nhiệt” kỳ vọng về bất kỳ thoả thuận lớn nào khi nói: “Chúng ta không nên xem chuyến đi này là một chuyến mua sắm hay gửi gắm quà tặng”.

Ông Thôi cũng thẳng thừng về vấn đề tiền tệ khi khẳng định: “Đừng hiểu nhầm chúng tôi nếu bạn nghĩ chúng tôi sẽ làm gì đó với đồng nhân dân tệ trong chuyến thăm cấp cao này”.

Trong khi đó, ông Biden, người xuất hiện tại Ohio hôm thứ năm cũng nhấn mạnh về các vấn đề kinh tế. Ông nói, kinh tế Trung Quốc không vượt Mỹ. “Rất nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc đang ăn bữa trưa của chúng ta”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh WLW. “Nền kinh tế của chúng ta lớn gấp 2,5 lần”.

Thái An (theo Wall Street Journal)