Tổng thống Philippines Benigno Aquino III coi việc Mỹ mở rộng vai trò ở Đông Á là cách để đảm bảo cho một giải pháp lâu dài đối với một trong những "điểm nóng" ngoại giao và an ninh nhất của châu Á. Đó là chuyện ai kiểm soát Biển Đông.
Mỹ sắp bàn giao thêm tàu tuần duyên cho Philippines
Philippines xoa dịu TQ về sự hiện diện quân sự Mỹ
Tổng thống Philippines Benigno Aquino II. Ảnh: wordpress |
"Không hề có sai lầm nào, chúng tôi muốn mối quan hệ tốt với tất cả láng giềng. Không ai muốn xung đột với một siêu cường như Trung Quốc", ông Aquino nói tại phủ tổng thống ở Manila và nhấn mạnh, Philippines có quan hệ thương mại không ngừng phát triển và ngày càng quan trọng với Trung Quốc.
Đồng thời, ông cho biết, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông chỉ có thể được giải quyết nếu tất cả các bên tuyên bố chủ quyền trong khu vực nhất trí về một thỏa thuận đa phương lâu dài để khai thác tài nguyên năng lượng được cho là nằm sâu dưới đáy biển. "Có sự tham gia của Mỹ, có những nước khác nói về vấn đề này nhiều hơn, thì chúng tôi có thể tiến đến gần hơn trạng thái đem lại lợi ích cho tất cả mọi người", ông Aquino khẳng định.
Washington và Philippines đang làm việc để tìm cách có thể tăng hiệu quả trong hợp tác quân sự. Một dấu hiệu mà theo giới phân tích cho là gửi tới Trung Quốc rằng, Mỹ có khả năng phản ứng nhanh chóng tại khu vực xung quanh Biển Đông. Mỹ không trở lại các căn cứ quân sự tại Philippines nhưng quân đội Mỹ luôn sẵn sàng luân phiên tới quốc gia Đông Nam Á này cả thập niên nay để giúp những lực lượng địa phương chống lại phần tử cực đoan ở phía nam đất nước.
Trong tín hiệu mới nhất của mối quan hệ đang ấm dần, Mỹ nói rằng, quốc hội của họ đã phê chuẩn việc chuyển giao tàu tuần duyên thứ hai cho Philippines như là một phần nỗ lực mở rộng khả năng của lực lượng hải quân. Một tàu khác đã tới Philippines năm ngoái và đang tham gia việc tuần tra vùng biển Philippines ở Biển Đông.
Trong một diễn biến xa hơn, hải quân Mỹ sẽ sử dụng một căn cứ mới tại Darwin, phía bắc Australia như một bàn đạp bao quát Đông Nam Á và có lẽ là cả Biển Đông.
Chủ quyền với vùng biển giàu tài nguyên đã trở thành điểm nóng trong vài năm gần đây khi kinh tế tăng trưởng mạnh trong khu vực dẫn tới nhu cầu cạnh tranh các nguồn tài nguyên năng lượng mới. Mỹ đã từng chọc giận Bắc Kinh khi khẳng định có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông - vùng biển chiếm khoảng một nửa giá trị vận chuyển thương mại của thế giới.
Ngoài ra, các nỗ lực của ông Aquino trong cuộc chiến chống lại một nguy cơ trong nước - tham nhũng - cũng đang góp phần tăng thêm quan hệ giữa Philipines với Mỹ. Hôm 7/2, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã đánh giá cao nỗ lực chống tham nhũng của Tổng thống Philippines và thúc giục các nghị sĩ Mỹ phê chuẩn thêm nhiều hỗ trợ quân sự cho nước này.
Vào cuối năm ngoái, thế giới đã được chứng kiến sự xoay chiều hướng về châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Washington. Phát biểu trước quốc hội Australia ngày 17/11, Tổng thống Obama khẳng định, châu Á - Thái Bình Dương cực kỳ quan trọng với Mỹ. "Tôi đã yêu cầu đội ngũ an ninh quốc gia đặt sự hiện diện và các sứ mệnh của chúng tôi ở châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu. Mỹ là một siêu cường Thái Bình Dương, và chúng tôi tới đây để ở lại".
Xuất hiện tại Lầu Năm Góc hôm 5/1, ông Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Theo những gì ông mô tả, Mỹ sẽ có một đội quân nhỏ gọn hơn, nhanh hơn ở khắp châu Á, Thái Bình Dương và Trung Đông.
Thái An (theo Wall Street Journal)