Liệu có những dấu hiệu cho sự thăng hoa đầy lãng mạn xuyên Thái Bình Dương khi Tổng thống Mỹ chọn ngày Valentine 14/2 để gặp gỡ nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc?


Ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du tới nhiều bang của Mỹ. Ảnh: Zuma Press

Thật khó để phóng đại tầm quan trọng của cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quan hệ thương mại tốt hơn giữa họ có thể giúp nền kinh tế thế giới mong manh trụ vững trên đôi chân của mình; hay những va chạm có thể lùi xa khi làn gió phục hồi ít nhiều đã nổi?

Bên ngoài tầng lớp cầm quyền Trung Quốc, thế giới biết không nhiều về Tập Cận Bình. Với những câu hỏi liên quan tới quyền lực của ông trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Kinh và các dụng ý trong chính sách đối ngoại kinh tế thì thậm chí những nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc cũng phải thừa nhận khó có thể nắm bắt.

Là con trai của một nhà anh hùng cách mạng Trung Quốc, ông Tập có thể giành được sự ủng hộ thậm chí rộng rãi hơn vị Chủ tịch hiện tại là ông Hồ Cẩm Đào, nhờ vậy ông sẽ thực thi được khả năng lãnh đạo một cách rõ ràng hơn. Cho dù phải nhắc tới việc năm 1997, ông Tập đã nhận được ít phiếu nhất khi vào Trung ương Đảng ở vị trí ủy viên dự khuyết. Và 10 năm sau, ông lại sở hữu nhiều phiếu nhất trong một lần bỏ phiếu thử để chọn ai sẽ làm người đứng đầu cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp.

Một cuộc gặp giữa ông và phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại nhà hàng địa phương ở Tứ Xuyên tháng 8/2011 là minh chứng cho thấy ở ông phong cách lãnh đạo thoải mái hơn, mang tính quốc tế hơn và khác xa các tiếp cận chính thống của người mà ông sẽ kế nhiệm. Nhưng trong một chuyến thăm Mexico năm 2009, người ta lại thấy ông Tập có những phát ngôn “phi ngoại giao” khi nặng lời rằng, có một số người nước ngoài chả biết làm gì hơn là chỉ trích Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, kinh nghiệm lãnh đạo của ông với các tỉnh phát triển mạnh ở duyên hải phía đông Trung Quốc như Phúc Kiến và Chiết Giang đã đối lập với nền tảng của ông Hồ Cẩm Đào tại những vùng nghèo hơn. Và nhiều người cho rằng, ông Tập có thể là người ủng hộ cho các cải cách ủng hộ thị trường. Tuy nhiên, có rất ít tuyên bố mà ông đưa ra ở cương vị phó Chủ tịch Trung Quốc cho thấy ông sẵn sàng coi “đặc quyền” của chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước hay lĩnh vực bất động sản là lực cản chính với cải cách.

Vai trò của Trung Quốc trong việc xác định triển vọng nền kinh tế Mỹ và thế giới có nghĩa là xây dựng những mối quan hệ mạnh mẽ hơn xuyên Thái Bình Dương như một yêu cầu cấp thiết. Nhưng với “chiếc hộp đen” về tầng lớp lãnh đạo của Trung Quốc, thì một cuộc hẹn ngày Valentine không đủ để để mối quan hệ giữa hai cường quốc đơm hoa.

Đầy 'không gian' cho cả Mỹ và Trung Quốc

Ở một tin tức riêng rẽ, hãng BBC đã đăng tải một số bình luận của báo chí Mỹ về ông Tập Cận Bình. Hãng này cho biết, Washington Post ngày 13/2 đăng các câu trả lời phỏng vấn ông Tập Cận Bình gửi tới.

Trong phần về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phó Chủ tịch Trung Quốc viết: "Trung Quốc và Mỹ ngày càng có nhiều quyền lợi gắn kết tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn ở bất cứ đâu khác. Trong những năm qua, hai nước chúng ta đã phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ APEC và Diễn đàn Khu vực ASEAN, và cải thiện trao đổi thông tin, hợp tác trong hội nhập kinh tế vùng, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí nguyên tử, chống tội phạm xuyên biên giới, chuẩn bị phòng ngừa thiên tai, xóa giảm đói nghèo và hợp tác trong các vấn đề điểm nóng thích hợp, qua đó tạo động lực mạnh cho hòa bình và thịnh phượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điều các nước châu Á - Thái Bình Dương quan tâm nhất là duy trì thịnh vượng kinh tế và tiếp nối đà tăng trưởng cùng hợp tác khu vực. Khi người dân mong muốn hòa bình, ổn định và phát triển thì cố ý làm nổi bật lên nghị trình an ninh quân sự, tăng cường triển khai quân sự và xây dựng các liên minh quân sự thực sự không phải là điều đa số các nước trong vùng muốn thấy.

Các vùng biển mênh mông của Thái Bình Dương có đầy không gian cho Trung Quốc và Mỹ. Chúng tôi hoan nghênh vai trò mang tính xây dựng của Mỹ trong việc cổ vũ hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ hoàn toàn tôn trọng và tạo điều kiện cho các quyền lợi chính yếu và lo ngại chính đáng của các nước châu Á - Thái Bình Dương".

Thái An (theo Wall Street Journal, BBC)