Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm nay (13/1) đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao tại Nhật, bàn về mối lo Triều Tiên. Ngày mai, ông Gates sẽ tới Hàn Quốc.

Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen nhấn mạnh rằng, Bình Nhưỡng “đặt ra mối đe dọa, không chỉ với khu vực mà với cả nước Mỹ”. Tại Trung tâm báo chí đối ngoại ở Washington, ông Mullen đã thúc giục việc phối hợp gia tăng áp lực giữa Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản đối với Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  Robert Gates gặp gỡ các quan chức Nhật. Ảnh: AP
Theo ông Mullen, khả năng tấn công vượt xa bờ biển Triều Tiên “ngày càng trở nên nguy hiểm”.

Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gates thể hiện quan ngại của mình: Người dân Hàn Quốc đã “chán nản” sau hai cuộc tấn công chết người mà họ đổ lỗi cho Triều Tiên năm ngoái (vụ chìm tàu chiến Cheonan và vụ bắn pháo vào đảo Yeonpyeong), và họ muốn chính phủ đáp trả; trong khi đó, Triều Tiên đang nỗ lực phát triển hạt nhân có thể nhằm mục tiêu là Mỹ.

"Bằng việc tiếp tục phát triển các vũ khí hạt nhân và theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Triều Tiên đã trở thành mối đe dọa trực tiếp với Mỹ, và chúng tôi phải tính toán đến điều này”, ông Gates nói trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua.

Ông Gates thúc giục sự kiềm chế trong khi Bắc Kinh thì nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng tránh gây hấn quân sự khiến Seoul phải có câu trả lời thích đáng.

Năm ngoái, Triều Tiên hai lần gây chấn động Hàn Quốc. Seoul cáo buộc ngư lôi Triều Tiên làm chìm tàu chiến Cheonan hồi tháng 3 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Căng thẳng gia tăng trên bán đảo chưa có dấu hiệu giảm bớt thì tiếp tục tháng 11, quân đội Bình Nhưỡng đã nã pháo vào hòn đảo tiền tiêu Yeonpyeong làm bốn người chết, trong đó có hai dân thường.

Hôm thứ hai, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc hội đàm quân sự về thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ nhiên liệu, y tế cho mỗi bên. Theo giới phân tích, sự hợp tác giữa hai nước này cho thấy dấu hiệu quan ngại ngày một lớn về Triều Tiên.

Seoul và Tokyo là đối tác ngoại giao và thương mại quan trọng, nhưng khả năng về một hiệp định quân sự là chủ đề nhạy cảm ở Hàn Quốc bởi cuộc chiếm đóng của Nhật Bản kéo dài 35 năm trên bán đảo Triều Tiên (kết thúc vào 1945). Thỏa thuận nếu được ký kết sẽ là hiệp định quân sự đầu tiên giữa Hàn Quốc và Nhật Bản kể từ đó tới nay.

Hôm thứ tư, hai miền Triều Tiên đã khôi phục kênh thông tin quan trọng xuyên biên giới, cho dù Seoul vẫn bác bỏ lời kêu gọi hội đàm của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng gần đây đã đề xuất nối lại đàm phán với Hàn Quốc, họ cũng chấp thuận nối lại đường dây Chữ thập đỏ và cho phép quan chức Hàn Quốc trở lại khu công nghiệp chung hai miền tại Triều Tiên.

Seoul cho tới nay vẫn từ chối hội đàm và tuyên bố, Bình Nhưỡng phải thể hiện trách nhiệm về các vụ tấn công trong năm qua, và có những bước đi hướng tới giải trừ hạt nhân trước khi có thể đàm phán. Bình Nhưỡng bác bỏ liên quan tới vụ chìm tàu chiến Cheonan.

Mỹ và Hàn Quốc luôn lo ngại về quốc gia quân sự Triều Tiên. Khi dân số chỉ là 24 triệu người, nước này đã tạo lập một quân đội lớn thứ tư thế giới, ước tính với 1,2 triệu quân chính thức và 7,7 triệu người thuộc lực lượng dự bị.

Theo giới phân tích, tình huống năm 1950 - khi quân đội Triều Tiên thực hiện cuộc tấn công xuyên biên giới đầy bất ngờ, châm ngòi cho chiến tranh bùng nổ - là khó có thể lặp lại. Bởi đối mặt với họ là 650.000 lính Hàn Quốc, được chuẩn bị tốt hơn nhiều so với sáu thập niên trước và 28.500 lính Mỹ có sự hỗ trợ của 50.000 lính khác đóng tại Nhật Bản.

Mỹ đã hỗ trợ cho đồng minh của mình những thiết bị vũ khí hiện đại nhất như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu chiến và cả một tàu sân bay hạt nhân đóng ở Nhật. Seoul cũng nằm trong cái gọi là chiếc ô hạt nhân với cam kết bảo đảm an ninh từ Mỹ bằng cả lá chắn hạt nhân.

Triều Tiên được cho là vẫn theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và có đủ lượng plutonium cho ít nhất sáu quả bom nguyên tử. Hôm thứ ba, ông Gates cho rằng, Triều Tiên sẽ hạn chế trong khả năng sử dụng vũ khí để chạm tới bờ biển Mỹ trong vòng năm năm.

Theo đánh giá của Mỹ, Hàn Quốc có lợi thế về không quân và hải quân, nhưng Triều Tiên lại “giành điểm” về xe tăng, pháo tầm xa… Họ cũng có 200.000 biệt kích (ước tính của Hàn Quốc) sẵn sàng thực hiện các vụ xâm nhập xuyên biên giới, tiến hành mưu sát, gây ra những tổn thất cho các căn cứ không quân và hải cảng phòng thủ trọng yêu của Hàn Quốc. Đó là chưa kể lợi thế địa lý. Seoul - thủ đô Hàn Quốc và là thành phố của hơn 10 triệu dân, cách không xa biên giới và trong tầm bắn của lực lượng pháo binh Triều Tiên.

  • Thái An (Theo AP, Reuters)