- Hoan nghênh dự thảo Cương lĩnh của Đảng đã xác định các mục tiêu lớn cho giai đoạn phát triển tiếp theo, độc giả VietNamNet cũng mong muốn Đại hội chỉ rõ phương hướng, đường lối để tiến hành đổi mới kinh tế và chính trị, mở rộng dân chủ.
Độc giả VietNamNet hoan nghênh tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật khi đánh giá, nhìn nhận lại các thành tựu, yếu kém trong diễn văn khai mạc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Đặc biệt là tinh thần kiểm điểm nghiêm túc trong báo cáo kiểm điểm của Trung ương trước Đại hội.
Độc giả Hữu Tiến (Quảng Ninh) cho rằng, bản báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH TƯ Đảng đọc trước toàn thể quốc dân, đồng bào là một sự xác nhận uy tín lớn.
"Xác nhận uy tín ở tinh thần nghiêm túc “nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật” ngay trong các khuyết điểm, hạn chế về lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên toàn diện, mọi mặt đời sống. Không khoa trương khuyết điểm còn những khuyết điểm, hạn chế được phân tích thấu đáo, kỹ càng. Chúng ta không sợ hạn chế, khuyết điểm. Chỉ sợ sự thật bị né tránh để rồi không nhận ra con đường phải đi tới ra sao trước mắt. Nhận khuyết điểm, hạn chế không lo bị “bắt lỗi” mà đó là cách khôn ngoan nhất thể hiện uy tín, vai trò đi đầu, vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng đối với dân tộc", bạn Tiến viết.
Ảnh: Hoàng Long
Độc giả Trần Quân (Hải Phòng) cũng hoan nghênh Thường trực Ban Bí thư đã thẳng thắn phê bình một số ủy viên Trung ương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm hoặc để xảy ra một số sai phạm, tiêu cực.
"Đó chỉ là số ít trong hàng ngũ cán bộ của bộ máy trung ương nhưng sự phê bình thẳng thắn cho thấy tính lãnh đạo nghiêm khắc, kỷ cương cao của Đảng. Đảng lãnh đạo tiên phong và là đảng cầm quyền duy nhất. Một vài cá nhân không thể là lực cản tay chèo của một tập thể đang đi xuôi dòng. Nhân dân nhìn nhận sự nghiêm khắc đó như nếp kỷ cương của một dân tộc. Không thể cho rằng mọi sự phát triển, ổn định không có khiếm khuyết, hạn chế. Kỳ vọng lớn nhất của dân, đó là một bộ máy lãnh đạo đất nước uy tín, trong sạch, vững mạnh. Song kỳ vọng lớn hơn là bộ máy giám sát, kiểm tra, phản biện chất lượng lãnh đạo của cán bộ phải phát huy hiệu quả cao. Người dân là một trong những kênh giám sát lớn cần phát huy mạnh mẽ", bạn Trần Quân viết.
Còn theo độc giả Nguyễn Hoằng (Thanh Hóa), Việt Nam có làm nên một “lịch sử đổi mới kỳ diệu” lần thứ hai trong những thập kỷ tiếp theo hay không, trước hết chính ở tinh thần như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh tại khai mạc Đại hội Đảng XI. Đó là cần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm” trong 20 năm đổi mới vừa qua.
Chất vấn trong Đảng
Đa số bạn đọc đều hoan nghênh việc dự thảo Cương lĩnh đã xác định năm mục tiêu và ba khâu đột phá, đi vào thẳng các "điểm nghẽn" kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các quan điểm, định hướng lớn như phát triển bền vững, đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị, mở rộng dân chủ và coi trọng phản biện.
"Tổng Bí thư nói, cần mở rộng dân chủ và coi trọng phản biện xã hội, và người dân mong muốn phải phát huy dân chủ trong Đảng đầu tiên. Quy định về chất vấn trong Đảng đã có nhưng vừa qua chúng ta chưa làm. Người đứng đầu cần tạo điều kiện và làm sao để chất vấn trong Đảng, trong sinh hoạt chi bộ trở thành điều bình thường. Hy vọng, việc này sẽ được làm ngay trong nhiệm kỳ tới", độc giả Nguyễn Thanh (Hà Nội) góp ý.
Đồng quan điểm với bạn Thanh, độc giả Anh Lân (TP.HCM) viết thêm: "Lâu nay ta vẫn mải mê chạy theo thành tích tăng trưởng, ấn tượng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm, bất chấp chất lượng cuộc sống đang đi xuống, ô nhiễm đang tăng, ngộ độc thực phẩm, tệ nạn xã hội... Người dân rất phấn khởi khi nghe Đảng xác định mục tiêu hàng đầu phải là phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững".
Một cựu chiến binh đến từ Đà Nẵng, độc giả Nguyễn Tuân viết: "Hai mươi năm qua, chúng ta đã coi trọng đổi mới kinh tế và đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho người dân. Nhưng đã đến lúc, đổi mới kinh tế phải đồng bộ với đổi mới chính trị, cải cách thể chế, mở rộng dân chủ. Nhiều nước quanh ta đã đi theo con đường này và thành công. Đổi mới chính trị nên thực hiện từng bước để bảo đảm sự ổn định, tiến hành theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực quản lý và lãnh đạo của bộ máy. Đổi mới kinh tế nên đi theo hướng đẩy mạnh hòa nhập, cơ cấu lại nền kinh tế".
Còn theo Hải Anh (Hà Nội) "điểm sáng của dự thảo Cương lĩnh là khẳng định vai trò những tiếng nói phản biện trong xã hội. Thường trực Ban Bí thư trong bản đánh giá công việc cũng không ngại nói thẳng về việc chưa thực sự lắng nghe tiếng nói chuyên gia, phản biện xã hội. Rất mừng bởi những người lãnh đạo cao nhất đã nhận ra rằng, chỉ có lắng nghe thông tin đa chiều và phân tích khoa học từ phía phản biện mới giúp các vị lãnh đạo hình thành những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Đây là dấu hiệu của đổi mới tư duy rất đáng phấn khởi".
Công khai lộ trình
Mong đợi của người dân là Đại hội Đảng hãy bàn lộ trình rõ ràng cho đổi mới kinh tế, chính trị, mở rộng dân chủ và phải công khai lộ trình cho dân chúng được biết. Từ đó, dân có thể tham gia các ý kiến phản biện và đóng góp sáng kiến.
Theo bạn Nguyễn Tuân: "Khẩu hiệu đổi mới chỉ có thể đi vào thực tiễn nếu có bước đi cụ thể và nhanh chóng. Đổi mới kinh tế là để phát triển kinh tế, tạo tiền đề và cơ sở vững chắc cho đổi mới các lĩnh vực khác. Trong khi đó, chỉ có đổi mới về chính trị mới mở đường và định hướng cho đổi mới kinh tế. Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Nếu kinh tế chạy trước mà phương thức quản lý, mô hình thể chế không theo kịp thì sẽ gây bất ổn và kìm hãm kinh tế".
Một độc giả từ địa chỉ e-mail phamhoai@... viết thêm: "Đổi mới hệ thống chính trị không phải là thay đổi chế độ chính trị. Mà đổi mới là làm cho nó hoạt động có hiệu lực và hiệu quả cao hơn, phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Sau đợt lấy ý kiến nhân dân, văn kiện trình Đại hội XI đã hoàn tất. Người dân mong muốn Đảng công khai cho biết những điểm tiếp thu, chỉnh sửa.
Độc giả Kỳ Phương (TP HCM) phân tích: "Cần đảm bảo tiếng nói và sự tham gia lớn hơn của người dân trong các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ. Trước Đại hội, Đảng đã rất dân chủ khi đưa các dự thảo văn kiện Đại hội lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Nhưng nên công khai cho dân biết những điểm tiếp thu, chỉnh sửa và những điểm gì chưa thể tiếp thu, chưa sửa được và vì sao. Công khai và minh bạch hóa là cách tiếp cận tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và đảm bảo hiệu quả dân chủ".
Được kỳ vọng là Đại hội có ý nghĩa lịch sử, người dân mong Đại hội Đảng XI sẽ xem xét và đưa ra những quyết sách hệ trọng đối với con đường phát triển mạnh mẽ hơn phía trước của đất nước với người dân là trung tâm của sự phát triển.
-
Anh Thư (tổng hợp)