- Trước thềm bầu cử Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI hôm nay, nhiều nhà lãnh đạo, cán bộ lão thành đã góp thêm ý kiến về tiêu chí lựa chọn ủy viên TƯ. Nếu có một quy trình chọn lựa dân chủ, công khai, minh bạch, chắc chắn sẽ tìm ra được những ủy viên xứng đáng với đòi hỏi của đất nước và thời cuộc.

VietNamNet lược ghi những tâm huyết của những cựu ủy viên Trung ương này.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển:
“Phải là người dám làm dám chịu trách nhiệm”


Các ủy viên Trung ương luôn có vai trò rất quan trọng. Là những người đứng đầu một tỉnh, thành phố hoặc một ngành, họ hiểu rõ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở ngành, địa phương mình. Từ thực tiễn đó, họ thấy rõ hơn yêu cầu của cuộc sống. Và, giải quyết những vấn đề của thực tiễn luôn là cội nguồn của sáng tạo chứ không phải những giáo điều kinh viện.

Bài học về khoán hộ ở Vĩnh Phú mãi còn giá trị, không phải ở cách cụ thể mà đồng chí Kim Ngọc giải quyết mà là ở chỗ ông đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ và dám tháo bỏ những quy định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển.

Với tư cách là người đứng đầu một ngành, một tỉnh, các ủy viên Trung ương phải là người đi đầu trong công cuộc đổi mới, có tư duy sáng tạo, dám làm dám chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, lựa chọn nhân sự ban chấp hành Trung ương phải là những người có quan điểm và dám bày tỏ quan điểm của mình.

ng viên nên trình bày chương trình hành động

Không ai hạn chế việc các ủy viên Trung ương đóng góp về nhân sự. Trên thực tế đã có không ít trường hợp Bộ Chính trị giới thiệu nhưng Trung ương không đồng ý.

Tuy nhiên, hạn chế ở đây là thông tin. Mỗi người làm việc ở những địa phương khác nhau, lĩnh vực công tác khác nhau nên không hiểu hết nhau. Mà khi đã không hiểu thì đành dựa vào giới thiệu của Bộ Chính trị. Vì, dù sao cũng đã có cơ quan sàng lọc giúp còn hơn là bầu mà không dựa vào cái gì cả, mặc dù không phải trường hợp nào cũng đúng vì Bộ Chính trị cũng dựa vào các cơ quan tham mưu.

Vì vậy, vấn đề là phải có tranh cử. Người tranh cử phải công khai báo cáo mình đã làm thế nào trên cương vị hiện tại và tạo điều kiện cho dân giám sát báo cáo đó, lại phải nêu ra những vấn đề cần giải quyết trong nhiệm kỳ tới và quan điểm giải quyết của mình là thế nào? Đương nhiên làm việc này không hề đơn giản. Nhưng phải mạnh dạn làm.
Trước hết, nếu làm không được tất cả thì có thể bắt đầu với các đồng chí Bộ Chính trị dự định tái cử Trung ương. Khi làm được như vây, các đại biểu sẽ có thông tin để lựa chọn.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng:
Nên công khai danh sách những người được giới thiệu


Tiêu chuẩn chung của các ủy viên Trung ương đã có, nhưng vấn đề là làm thế nào để soi chiếu vào từng người, đặc biệt là tiêu chuẩn không tham nhũng và có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng. Theo tôi, đây là vấn đề phải làm cả quá trình, nghĩa là có sự chọn lọc từ cơ sở. Đất nước ta chỉ có một đảng lãnh đạo và trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XI cũng nêu: “Đảng Cộng sản VN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc VN”. Như vậy không chỉ có đảng viên mà quần chúng cũng phải được góp ý kiến vào các công việc chung của Đảng.

Góp ý không chỉ dự thảo văn kiện mà cả công tác nhân sự. Nếu công khai danh sách những người được giới thiệu vào Ban chấp hành Trung ương để đảng viên và người dân biết, tương tự như việc công khai danh sách những người ứng cử vào Quốc hội, chúng ta có thể dựa vào tai mắt của đảng viên và người dân để xây dựng Đảng. Tất nhiên việc công khai đó phải được thực hiện rất công phu và đúng nguyên tắc, để làm sao minh bạch được các thông tin về ứng cử viên, như về năng lực, phẩm chất, lối sống, gia đình, tài sản, các mối quan hệ xã hội...

Chúng ta biết rằng Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng không phải là một sự kiện độc lập mà là cao điểm của một quá trình liên tục, khi đã làm tốt từ dưới lên sẽ góp phần cho đại hội lựa chọn được các ủy viên trung ương đủ đức, đủ tài và có “bàn tay sạch”.

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực:
"Cần những người dám chấp nhận"


Lãnh đạo phải trong sạch, mạnh và có tầm nhìn.
Đất nước đang cần những người dám chấp nhận, dám nói rằng tôi dám làm việc đó, phải có tranh cử hẳn hoi, có nhiều người để lựa chọn và phải nói rõ cương lĩnh của mình. Cái đó phải từ dưới lên trên. Kể cả quy trình bầu cử, quy trình tuyển chọn làm sao tạo nên một cái để mọi người thừa nhận.

Tôi tin là đội ngũ cán bộ trong quá trình được chọn lựa mạch lạc sẽ tìm thấy rất nhiều người tâm huyết. Kể cả những người càng trẻ càng tốt đảm nhận công việc đó và nên có một quy trình tuyển chọn công khai minh bạch, có ứng cử, có đề cử, có giải trình, có đề án, có chứng minh, có đối thoại.

Điều kiện tiên quyết là phải có một quy trình chọn lựa thực tiễn, dân chủ, công khai minh bạch.

Thời cụ Hồ mới thành lập nước đã gửi thư đi khắp nơi đề nghị nhân tài nào ra giúp nước. Cụ yêu cầu các thành viên chính phủ phải ra tìm người tài và những người tài đó phải là người tài thực sự, qua cọ xát thực tế và qua bình chọn.

Anh phải trình bày cương lĩnh của anh như thế nào. Không thể nói do Đảng phân công nên tôi làm, không thì thôi. Tôi nhận làm vì tôi có đam mê, có ý chí để nhận lãnh việc này, tôi có năng lực làm việc này, tôi chịu trách nhiệm trước dân tộc này.

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ Lê Phước Thọ:
Mạnh dạn hơn trong lựa chọn


Ở thời nào, người cán bộ cũng phải trong sạch, phải là tấm gương mẫu mực, phải tập hợp được cán bộ, tập hợp được lòng dân. Đó là người phải quyết đoán và có tư tưởng đổi mới vì nhiều khi tham mưu giỏi nhưng người cầm đầu không dám quyết đoán thì cũng hỏng. Hay có tham mưu giỏi mà người trên không đổi mới thì cũng hỏng.

Phải có tầm nhìn xa hiểu rộng, phải quyết được, vì bộ tham mưu nghiên cứu đề xuất thì có lúc nó đề xuất đúng, có lúc sai, có lúc đề xuất không cơ sở, thì người đứng đầu phải tỉnh táo phải biết và phải dám quyết.

Nếu chọn người để giao trọng trách phải chọn người làm việc có hiệu quả, hoàn thành công việc, đó là thước đo chuẩn mực nhất. Đó còn phải là người tập hợp đoàn kết được cán bộ. Và bản thân người đó phải là người trong sạch, đừng có tham lam của chung.

Trong cách chọn lựa, đang rất cần một sự thay đổi lớn về nhận thức trong công tác cán bộ. Chọn nhân tài mà cứ luẩn quẩn thì làm sao có đột phá.

Bộ Chính trị cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tùy theo tầm quan trọng có tính chất then chốt của mỗi đơn vị, địa phương mà lựa chọn cán bộ có đủ trình độ năng lực. Ở những địa bàn mang tính chất trung tâm khu vực kinh tế và quan trọng về an ninh quốc phòng, có thể bố trí 1-2 ủy viên Trung ương, không dàn trải, không nhất thiết bộ và địa phương nào cũng phải có ủy viên Trung ương.

Phải mạnh dạn hơn trong lựa chọn. Ví dụ, không nhất thiết phải là ủy viên Trung ương mới được đưa lên Bộ Chính trị. Thậm chí, cán bộ cấp cơ sở nhưng là người có thành tích, có uy tín, có năng lực thì vẫn có thể xem xét đưa thẳng vào Bộ Chính trị.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ Dương Phú Hiệp:
"Dám quyết"



Tôi nghĩ lãnh đạo của ta phải lắng nghe quần chúng, lắng nghe cán bộ, lắng nghe người khác; hai là phải chịu khó đọc, đọc tài liệu liên quan trực tiếp đến những quyết định; ba là trực tiếp đi khảo sát thực tế để tìm hiểu. Ông Trường Chinh đổi mới chính nhờ năm 1983 ông đi suốt từ Bắc vào Nam, lên cả các công trường. Ông về mới tâm tư là có lẽ phải đối mới, từ đó đưa đến quyết định đổi mới.

Vậy nên, những ưu điểm như xuống gặp gỡ quần chúng, lắng nghe quần chúng, đọc những kiến nghị của quần chúng là tốt rồi; nhưng cái cần nữa, mà lấy những cái trên làm cơ sở, làm nền, là dám quyết. Bây giờ, tình trạng của ta để lại bao nhiêu vấn đề, nếu các đồng chỉ hỏi ở trên tồn đọng bao nhiêu vấn đề, những vấn đề ở dưới kiến nghị cứ để lại đấy, vì như anh nói, tế nhị hay sao đó, không dám quyết.

Tôi đã hỏi khi ông Nông Đức Mạnh xuống thăm Viện khoa học xã hội Việt Nam: Thưa anh, một yêu cầu đối với người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cao nhất, phải là dám quyết. Bác Hồ vào năm 1945, khi có những yêu cầu giải tán đảng cộng sản thì mới nhận được sự ủng hộ, mà giải tán đảng là khó lắm, thế mà Bác bàn với đảng rằng đảng phải hy sinh để cứu dân tộc, cứu tổ quốc, tạm thời giải tán. Những quyết định hệ trọng như thế mà Bác Hồ còn dám quyết, thì bây giờ, tại sao những vấn đề khác chúng ta phải né tránh?
Anh Thư (lược ghi)