- Lương vẫn là chủ đề nội cộm khi Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều nay.

>> Tôi muốn sống bằng lương
 
Lương cơ bản thay vì lương tối thiểu?

Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định cụ thể hơn về tiền lương và mức lương tối thiểu.

Theo đó, tiền lương là khoản tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp và các khoản bổ sung, trong đó mức lương không được thấp hơn mức tối thiểu do Chính phủ quy định.

Ảnh: Bình Minh

Dự thảo nhấn mạnh lương căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. Lương phải được trả bình đằng, không phân biệt giới tính khi người lao động làm công việc giống nhau.

Về mức lương tối thiểu, bà Trương Thị Mai chỉ ra vẫn còn khác biệt giữa cán bộ công chức và khu vực doanh nghiệp. Hiện nay, mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp thấp nhất là 1.400.000 đồng, trong khi lương tối thiểu của công chức năm nay được nâng lên 1.050.000 đồng.

“Xã hội thấy khó hiểu, sao hai mức lương tối thiểu lại khác nhau, trong khi nhu cầu sống tối thiểu đều như nhau”, bà Mai nói.

Về sự chênh lệch này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lý giải: Lương công nhân trong các doanh nghiệp quá thấp khiến họ sống rất khó khăn. Hiện nay, do cải cách hành chính doanh nghiệp chủ động xây dựng thang bảng lương thường chỉ tăng thêm chút ít so với mức tối thiểu, công nhân vẫn không đủ sống. Lương thấp là nguyên nhân chính dẫn đến đình công và căng thẳng giữa người lao động và giới chủ.

Ông Hùng cho biết do đó, Chính phủ đã nâng mức lương tối thiểu tại khu vực doanh nghiệp sớm hơn so với công chức để cải thiện đời sống và bảo vệ quyền lợi công nhân.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng mức lương tối thiểu cho công chức hiện đang quá thấp. “Họ đã phấn đấu để trở thành công chức thì phải đạt mức sống trung bình của xã hội”, ông Hùng nói.

Đồng tình nhận định này, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh trong quá trình cải cách tiền lương khu vực nhà nước, mức lương tối thiểu phải căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của công chức và điều chỉnh theo biến động chỉ số giá cả. Đề án cải cách tiền lương khu vực nhà nước do Bộ Nội vụ xây dựng dự kiến trình Hội nghị TƯ trong tháng 4 tới.

Tuy vậy, bà Mai cho rằng đối với công chức, không nên gọi là “lương tối thiểu” để tránh “nhập nhằng” với khu vực doanh nghiệp, mà gọi là “lương cơ bản”. “Mức này phải vượt trên mức tối thiểu, vì công chức là những người lao động trí óc đặc thù”, bà Mai nói.

Sâu sát doanh nghiệp trong xây dựng lương

Về việc doanh nghiệp tự xây dựng thang bảng lương, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Đặng Ngọc Tùng cảnh báo cách làm này đang gây nhiều thiệt thòi cho người lao động.

Ông Tùng chỉ ra: Nhiều doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương quá sát mức lương tối thiểu, các thang lương chỉ chênh lệch vài chục ngàn đồng, thời gian nâng lương cũng kéo dài. Nhiều doanh nghiệp cũng đề ra các định mức quá cao, người lao động rất khó đạt, khiến thu nhập của họ bị ảnh hưởng.

Ông hoan nghênh sự tiến bộ, khoa học trong cải cách hành chính, song đề nghị không nên bỏ yêu cầu doanh nghiệp thông báo phương án xây dựng thang bảng lương để các cơ quan quản lý xem xét, đánh giá.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai cho biết trên thực tế “doanh nghiệp có đăng ký thang bảng lương thì cơ quan nhà nước cũng không quản lý nổi”. Bà Mai nhấn mạnh giải pháp là nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý, đồng thời cơ quan quản lý phải sát sao hơn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương.

Bà Mai cho biết Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam không nên có chế độ thang bảng lương mà trả lương theo vị trí việc làm. Nhưng trong điều kiện của nước ta, việc này chưa thể làm ngay mà cần thêm thời gian.

UB Các vấn đề xã hội cơ bản thống nhất phương án lao động nữ nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Một số ý kiến trong Thường vụ đề xuất quy định "mở", những lao động nữ có điều kiện có thể trở lại làm sớm sau khi nghỉ đủ 4 tháng.

Tuy vậy, Bộ LĐ-TB-XH vẫn trình phương án nghỉ 5 tháng đối với lao động nữ bình thường. Những phụ nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dân tộc ít người, người khuyết tật nghỉ 6 tháng.


Chung Hoàng