- Nếu Nhà nước phải trả lương cho nhiều người, kể cả những người làm không hiệu quả, thì tiền lương công chức khó được cải thiện - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói.
>> Toàn cảnh: Tôi muốn sống bằng lương
Một trong những nội dung quan trọng trong đề án cải cách tiền lương được Bộ Nội vụ soạn thảo, trình hội nghị Trung ương sắp tới là trả lương theo vị trí việc làm.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức sẽ là căn cứ để thúc đẩy cải cách lương có hiệu quả.
Ông Tuấn nói: Đây sẽ là căn cứ để xóa
bỏ hoàn toàn cơ chế "xin - cho" trong quản lý biên chế cũng như bảo đảm thực
hiện tốt, có hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức thông qua
các hoạt động
tuyển dụng, thi nâng ngạch đối với công chức, thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Người nào không đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm sẽ bị đưa ra khỏi công vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ngoài ra, với bảng mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm kèm theo của từng vị trí việc làm sẽ là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá một cách chính xác, khách quan, công bằng đối với công chức, viên chức. Qua đó, khẳng định và phân biệt được đúng người làm tốt và người làm chưa tốt. Từ đó mới phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng.
Sức cản từ 'sống lâu lên lão làng'
Trong cơ quan nhà nước hiện nay còn phổ biến tình trạng thừa những người
không làm được việc và thiếu những người làm được việc, "sống lâu lên lão làng".
Thực hiện tốt việc xác định vị trí việc làm có giúp khắc phục tình trạng này?
Tình trạng này thực ra đã được nhiều người nói đến từ lâu và rất tiếc đó lại là
một sự thật, nhưng theo cơ chế trước đây thì đúng là cơ quan có thẩm quyền quản
lý không thể làm gì được để giải quyết đối với một bộ phận công chức không làm được
việc. Nay luật Cán bộ, công chức đã quy định công chức có 2 năm liên tiếp không
hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc. Thực hiện tốt việc xác
định vị trí việc làm sẽ là cơ sở và căn cứ để tính
toán được biên chế công chức
phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và đối tượng quản lý trong từng cơ
quan, tổ chức, đơn vị.
Với vị trí việc làm, kèm theo
đó là bản mô tả công việc
và khung năng lực, việc bố trí, sử dụng công chức cũng được thực hiện đúng
người, đúng việc. Người nào không đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm
sẽ bị đưa ra khỏi công vụ. Vì vậy, thực hiện tốt việc xác định vị trí việc làm sẽ khắc phục
được tình trạng đội ngũ công chức thừa những người không làm được việc và thiếu
những người làm được việc, đồng thời khắc phục cả tình trạng “sống lâu lên lão
làng”.
Khó khăn trong việc xác định vị trí việc làm ở Việt Nam là gì, thưa ông?
Việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị là một
vấn đề mới, rất khó khăn, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Do vậy, Chính
phủ đã xác định lộ trình thực hiện công việc này, phấn đấu đến năm 2015, 50% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã
thực hiện thí điểm việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn
vị thuộc Bộ và phối hợp với Bảo
hiểm Xã hội VN xác định vị trí việc làm trong toàn ngành
bảo hiểm xã hội.
Mặc dù mới mẻ và là những cơ quan đi tiên phong, nhưng việc xác định vị trí việc làm tại Bộ Nội vụ và Bảo hiểm Xã hội VN đã được đánh giá đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, chúng tôi thấy có một số khó khăn. Thứ nhất, đây là một việc làm mới, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao. Xác định vị trí việc làm sẽ là cơ sở và căn cứ để thay đổi cơ chế quản lý đội ngũ công chức, viên chức nên gặp nhiều sức cản từ những người vẫn tư duy theo lối cũ, không muốn đổi mới, có tư tưởng "sống lâu lên lão làng".
Thứ hai, thực trạng bố trí, sử dụng công chức, viên chức dựa trên thâm niên, kinh nghiệm công tác, tình trạng công chức, viên chức làm trái ngành, trái nghề so với chuyên môn đào tạo là phổ biến. Vì vậy, khi xác định vị trí việc làm sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp đội ngũ.
Lắng nghe chuyên gia
Thủ tướng từng nhận định việc tới đây Quốc hội thông qua ngân sách chi
trả lương cho bộ máy quản lý nhà nước sẽ liên hệ chặt chẽ với việc xác định biên
chế. Quản lý không tốt về biên chế sẽ là một nhân tố hạn chế việc cải thiện tiền
lương cho công chức. Xin ông giải thích nhận định này?
Nếu Nhà
nước phải trả lương cho nhiều người, trong đó bao gồm cả những người làm việc
không có hiệu quả, thì tiền lương công chức khó được cải thiện; nếu bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả sẽ có cơ sở để cải thiện lương.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện xác định vị trí việc làm. Qua đó xác định biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và đối tượng quản lý trong từng cơ quan nhà nước, nhằm tạo cơ sở cho cải cách tiền lương có tính khả thi.
Việc thí điểm xác định ở Bộ Nội vụ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ sở giúp Bộ Nội vụ rút kinh nghiệm để triển khai trong toàn quốc.
Hệ thống danh mục vị trí việc làm
sẽ là cơ sở quan trọng để xác định biên chế công chức trong các cơ quan nhà nước
và số lượng viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, giúp cho cải cách tiền lương được
thuận lợi và tiến tới trả lương theo vị trí việc làm trong tương lai.
Theo chuyên gia UNDP về cải cách hành chính và chống tham nhũng, trả lương
theo vị trí việc làm không quá khó và nên tiến hành thí điểm sớm với nhóm đầu tiên là các tổng cục trưởng, cục trưởng, trưởng ban trong 22 bộ và cơ quan ngang
bộ. Quan điểm của ông?
Việc trả lương theo vị trí việc
làm là cần thiết, tuy nhiên cần thực hiện theo lộ trình. Bộ Nội vụ đang
khẩn trương phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm hoàn thành đề án cải cách
tiền lương, báo cáo Hội nghị Trung ương 5 vào tháng 4 tới.
Ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý là rất quý nên chúng tôi luôn lắng nghe và nghiên cứu để phục vụ cho việc hoàn thiện đề án trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Vân Anh