- Việt Nam nhất quán chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh, đóng góp nỗ lực chung của quốc tế - thông điệp của Thủ tướng tại hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Seoul được quốc tế hoan nghênh.
Với vị thế của quốc gia trong giai đoạn bắt đầu phát triển năng lượng hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự hội nghị ở Seoul mang theo tâm thế tìm kiếm cơ chế hợp tác quốc tế, học hỏi ở những quốc gia đi trước, không chỉ ở những thành công mà cả những bài học mới nhất như Fukushima.
Tổng thống Hàn Quốc chào đón Thủ tướng Việt Nam dự Thượng đỉnh an ninh hạt nhân. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Chương trình điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia được Thủ tướng nhắc tới là một trong những mối quan tâm của nhiều nước, tổ chức trong và tiếp xúc bên lề hội nghị. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Nga, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... đã và đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện những bước đi đầu tiên để thực hiện chương trình này.
Thượng đỉnh tại Seoul là cơ hội tham khảo lớn khi những hạng mục của chương trình điện hạt nhân ở trong nước bắt đầu triển khai. Cá nhân Thủ tướng cũng ít nhiều có thể mang những trăn trở khi dự hội nghị. Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 do chính ông phê duyệt đặt ra những tầm nhìn, mục tiêu quan trọng liên quan vấn đề năng lượng phục vụ cho giai đoạn phát triển lâu dài.
Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, bước sang thế kỷ 21, khi mà yếu tố môi trường toàn cầu và an ninh năng lượng trở nên có ý nghĩa quyết định và công nghệ điện hạt nhân ngày càng được nâng cao thì xu hướng phát triển điện hạt nhân đã có những thay đổi tích cực
Các dự báo tin cậy đều cho thấy sự tăng rất lớn về nhu cầu năng lượng toàn cầu trong 50 năm tới chủ yếu do tăng dân số và tăng mức sống trong các nước đang phát triển, mặc dù một số nước phát triển trong khối OECD có thể giảm việc sử dụng năng lượng do áp dụng các công nghệ mới tiêu tốn ít năng lượng. Để đáp ứng nhu cầu này, các kịch bản đều tính đến sự tăng trưởng liên tục của việc sử dụng điện hạt nhân.
Nước chủ nhà Hàn Quốc là một câu chuyện điển hình. Với điểm xuất phát nghèo tài nguyên, nước này bắt đầu phát triển chương trình điện hạt nhân từ rất sớm, những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, khi GDP trên đầu người khoảng 60 USD. Đến nay, Hàn Quốc đã có 20 tổ nhà máy điện hạt nhân đang vận hành. Seoul đặt mục tiêu sẽ xây thêm 8 tổ máy từ nay đến năm 2015.
Trung Quốc giàu tài nguyên than và thủy điện tập trung ở phía tây song để đảm bảo nhu cầu phát triển cả phía đông, nước này đã xây dựng và vận hành 9 tổ máy. Đến năm 2020, nước này dự kiến phát triển khoảng 32-40 tổ máy điện hạt nhân.
Nhiều cơ chế đặt khuyến khích các nước tham gia các điều ước quốc tế và cơ chế quốc tế về hạt nhân |
Nhiều cơ chế đặt ra như khuyến khích các nước tham gia các điều ước quốc tế và cơ chế quốc tế về hạt nhân, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp trong nước, xây dựng các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân, tăng cường hợp tác quốc tế trên vấn đề này...
Theo định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, Việt Nam dự kiến xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại 8 tỉnh miền Trung (Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi), mỗi địa điểm có khả năng xây dựng từ 4 - 6 tổ máy điện hạt nhân. Theo đó, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân dự tính đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện.
Tại Seoul, trao đổi với lãnh đạo các nước, Thủ tướng cho hay Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý, hạ tầng an toàn, an ninh và tham gia các điều ước quốc tế, các sáng kiến liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả những cam kết của mình, đặc biệt là từ sau Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ nhất tại Washington DC.
Việt Nam đang hoàn tất thủ tục nội bộ gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; hợp tác có hiệu quả với IAEA, Mỹ và Nga trong việc hoàn tất việc chuyển đổi nhiên liệu urani có độ giàu cao sang loại có độ giàu thấp tại lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và mới ký hiệp định với Nga ngày 16/3 về việc đưa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trở lại Nga.
Việt Nam cũng đang hợp tác với Mỹ trong Sáng kiến thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho các cơ sở bức xạ có nguồn phóng xạ hoạt độ cao, Sáng kiến ngăn chặn vận chuyển bất hợp pháp vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác, Sáng kiến giảm thiểu nguy cơ phóng xạ toàn cầu; đồng thời đang đàm phán với Mỹ tiến tới ký kết hiệp định hợp tác về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân...
Nhộn nhịp ngoại giao song phương Bên lề Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có các cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Tổng thống Phần Lan, Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Úc, Thủ tướng Đan Mạch, Thủ tướng Pakistan, Phó Thủ tướng Anh... Các cuộc gặp nhằm củng cố, tăng cường quan hệ với các đối tác theo hướng sâu sắc, toàn diện hợp tác trên mọi lĩnh vực. |