Chính quyền của Tổng thống Obama đã đề cử Derek Mitchell, đặc phái viên của bộ ngoại giao Mỹ tại Myanmar, là đại sứ Mỹ đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á kể từ năm 1990.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
 
Ông Derek Mitchell là đặc phái viên của bộ ngoại giao Mỹ tại Myanmar. Ảnh: AP

Động thái này sẽ được tuyên bố công khai trong vài ngày tới. Theo giới phân tích, nó thể hiện tiến trình nhanh chóng của Washington trong việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với chính phủ đang cải cách mạnh mẽ của Tổng thống Thein Sein.

 

Ông Mitchell, từng là cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của Obama trước đây và là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương. Chính quyền Obama đã bổ nhiệm đặc phái viên đầu tiên của mình tới Myanmar cách đây gần một năm, ngay trước khi ông Thein Sein lên nắm quyền sau khi giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử quốc gia vào cuối năm 2010.

 

Đại sứ mới của Mỹ sẽ đóng một vai trò quan trong trong quản lý tiến trình quan hệ với chính phủ Myanmar – chính phủ được Washington đang khuyến khích mạnh mẽ để tiếp tục cải tổ kinh tế và chính trị.

 

Đầu tuần này, Mỹ - nước áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế cứng rắn với Myanmar cuối những năm 1990 – đã tuyên bố đang từng bước nới lỏng các hạn chế tài chính với quốc gia này. Tuyên bố do Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra sau cuộc bầu cử quốc hội ở Myanmar hôm chủ nhật. “Chúng tôi hoan nghênh Tổng thống Thein Sein và các cộng sự của ông vì sự lãnh đạo và can đảm của họ”, bà Hillary nói.

 

Ngoại trưởng Mỹ cho hay, ngoài việc đề cử một đại sứ - lần đầu tiên Mỹ sẽ có tại Myanmar kể từ khi hạ cấp quan hệ hai bên năm 1988, Washington sẽ cho phép có chọn lựa một số quan chức Myanmar tới thăm Mỹ và nới lỏng các hạn chế trong việc xuất khẩu những dịch vụ tài chính. Mỹ cũng sẽ mở một văn phòng của Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ ở quốc gia Đông Nam Á.

 

Theo các quan chức Mỹ, không có thời gian cụ thể để tiến hành những thay đổi mà bà Clinton tuyên bố cho dù việc đề cử một đại sứ có thể diễn ra khá sớm và một số quan chức cấp cao Myanmar đã được mời tới thăm Mỹ.

 

Myanmar có cả nửa thế kỷ dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự và có nhiều thập niên hứng chịu các lệnh cấm cận cứng rắn của Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu xem xét lại chính sách với nước này và đề xuất một số sáng kiến để đổi lấy cải cách. Năm ngoái, chính quyền quân sự đã chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự và cam kết đi tới dân chủ.

 

Tháng 12 trước, Ngoại trưởng Clinton đã tới thăm Myanmar và trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ viếng thăm nước này trong hơn 50 năm. Lúc đó, bà cam kết rằng, các hành động tích cực của chính phủ Myanmar sẽ nhận được phản ứng tích cực từ Mỹ.

 

Trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Myanmar, lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi và đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà  đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử quốc hội với 43 ghế. Cũng đầu tuần này, ông Thein Sein đã thể hiện sự hài lòng với cuộc bầu cử khi nói nó được tiến hành “một cách cực kỳ thành công”.

 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Tổng thống Myanmar đang phải đối mặt với áp lực từ những người bảo thủ trong chính quyền của mình – chính quyền vẫn do các quan chức quân sự về hưu chiếm ưu thế.

 

Trước khi tham gia chính quyền Obama, ông Mitchell từng công tác tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington – nơi ông làm việc với Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, người có ảnh hưởng quan trọng trong chính quyền Washington với việc thúc đẩy quan hệ với Myanmar. Việc bổ nhiệm ông Mitchell được thông tin đầu tiên trên trang web của tờ Foreign Policy.

 

Thái An (theo FT)