Quan chức không gian Triều Tiên khẳng định, toàn bộ công việc lắp ráp và chuẩn bị cho kế hoạch phóng vệ tinh đã hoàn tất. Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phủ nhận động thái này che giấu một cuộc thử nghiệm tên lửa.
Trung, Hàn, Nhật lo ngại chuyện tên lửa Triều Tiên
Triều Tiên khẳng định tên lửa đã sẵn sàng trên bệ
phóng.
Ảnh: KCNA |
Tại cuộc họp báo ở Bình Nhưỡng, quan chức Triều Tiên nói rằng, vụ phóng rocket ba giai đoạn đã được lên lịch tiến hành vào khoảng từ 12-16/4, là một phần hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhà sáng lập Kim Nhật Thành. "Toàn bộ việc lắp ráp và chuẩn bị phóng vệ tinh đã hoàn tất", Ryu Gum Chol, phó giám đốc phụ trách khảo sát vũ trụ tại cơ quan Công nghệ Không gian nói.
Mỹ và một số nước khác cho rằng, việc phóng tên lửa Unha-3 cũng có thể là nhằm thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa với khả năng sử dụng chống lại Mỹ và những mục tiêu khác.
Trong khi đó, Triều Tiên khẳng định, tên lửa sẽ đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Shining Star) vào quỹ đạo để quan sát trái đất và thu thập dữ liệu về các tài nguyên rừng và tự nhiên ở Triều Tiên. Ông Ryu nói, vụ phóng vệ tinh là sự phát triển hoà bình của chương trình thăm dò không gian mà Triều Tiên thực hiện, và bất kỳ sự khẳng định nào về việc đó là động thái che đậy chương trình phát triển công nghệ tên lửa đều là "vô lý".
Quan chức không gian Triều Tiên trước đó đã cho phép các phóng viên nước ngoài tới thăm địa điểm dự kiến phóng rocket ở phía tây bắc đất nước.
Mỹ tuyên bố, vụ phóng tên lửa sẽ gây nguy hiểm cho thỏa thuận Mỹ - Triều về việc Mỹ sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng viện trợ lương thực cần thiết để đổi lại quyết định ngừng các hoạt động hạt nhân.
Một vụ phóng tên lửa tương tự vào năm 2009 của Triều Tiên đã bị Hội đồng Bảo an LHQ lên án. Bình Nhưỡng đã rút khỏi bàn đàm phán giải trừ hạt nhân để thể hiện sự phản đối và tiến hành thử hạt nhân sau đó dẫn tới quyết định thắt chặt các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Triều Tiên đã hai lần thử thiết bị hạt nhân, nhưng không được cho là đã làm chủ công nghệ cần thiết để gắn một đầu đạn lên tên lửa tầm xa.
Nga cũng đã lên tiếng rằng, kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Hãng RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói rằng, Nga xem kế hoạch của Triều Tiên là "một ví dụ cho sự phớt lờ các quyết định của Hội đồng Bảo an".
Theo giới phân tích, một vụ thử nghiệm thành công sẽ đánh bóng tên tuổi và hình ảnh vị lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un khi Kim đang nỗ lực thiết lập danh tiếng và uy tín là một vị lãnh đạo mạnh mẽ sau khi kế nhiệm vị trí của cha là ông Kim Jong-Il - người qua đời tháng 12.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều chỉ trích kế hoạch phóng tên lửa. Ba nước nói bất kỳ loại tên lửa nào cũng vi phạm lệnh cấm vận của LHQ nhằm kiềm chế chương trình tên lửa của Triều Tiên. Trung Quốc cũng lên tiếng thúc giục các bên liên quan giữ bình tĩnh, tìm ra giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao.
Thái An (theo PA)