Trung Quốc đã triển khai con tàu thứ ba ra vùng tranh chấp thuộc Biển Đông - nơi xảy ra vụ đụng độ giữa tàu hải giám nước này với tàu Philippines.
Trong vụ đụng độ nguy hiểm nhất giữa
hai bên vài năm gần đây, Philippines và Trung Quốc đang nỗ lực tìm ra
một giải pháp ngoại giao. Ảnh: 7daysindubai
Các nhà ngoại giao Trung Quốc và Philippines đang cố gắng vật lộn để tìm ra giải pháp giải quyết tình trạng bế tắc đầy nguy hiểm ở bãi đá ngầm Scarborough Shoal phía tây bắc Philippines.
Vụ việc xảy ra khi một tàu chiến Philippines cố gắng bắt giữ một số ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc xâm nhập trái phép và đánh bắt trộm, nhưng hai tàu hải giám Trung Quốc đã lập tức xuất hiện và ngăn chặn không cho tàu Philippines bắt giữ ngư dân.
Một trong hai tàu Trung Quốc đã chặn ở lối vào bãi đá ngầm, nơi ít nhất có 8 tàu cá Trung Quốc thả neo. Các tàu Trung Quốc cũng yêu cầu tàu chiến Philippines rời đi với tuyên bố rằng, Trung Quốc có chủ quyền với khu vực giàu nguồn cá này.
Nhưng tàu chiến Philppines vẫn ở lại, với khẳng định đây là vùng thuộc lãnh thổ Philippines. Phó đô đốc hải quân PhilippinesAlexander Pama cho hay, tàu chiến BRP Gregorio del Pilar sẽ ra khỏi bãi đá ngầm Scarborough để tiếp nhiên liệu và thay thế vào đó là một tàu phòng vệ bờ biển. Động thái này không phải là sự rút lui hay nhượng bộ nào với Trung Quốc, ông nói. "Chúng tôi không rút khỏi lãnh thổ của chúng tôi”, ông Pama nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết, ông sẽ yêu cầu đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh giải thích về sự xuất hiện tàu hải giám thứ ba của Trung Quốc tại Scarborough. Ông del Rosario khẳng định, đây là khu vực hoàn toàn nằm trong phạm vi lãnh hải của nước ông và ở ngoài khơi tỉnh Zambales, tây bắc Philippines.
Bất chấp những quan ngại mới, ngoại trưởng Philippines nói, ông sẽ tiếp tục trao đổi với bà Mã để giải quyết tình hình đang bế tắc, có thể là trong tuần này. "Chúng tôi đang theo dõi diễn biến và cùng lúc đó, chúng tôi thúc đẩy con đường ngoại giao”, ông Del Rosario nhấn mạnh. "Chúng tôi đang dịch chuyển về phía trước nhưng nó vẫn là công việc đang được tiến hành”.
Theo hai quan chức Philippines theo dõi các cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Del Rosario đã đề xuất hòa giải chấm dứt bế tắc trong các cuộc trao đổi với đại sứ Trung Quốc. Ông Del Rosario từ chối cung cấp chi tiết đề xuất, nhưng nói rằng nó là giải pháp “cùng có lợi” nhằm nhanh chóng chấm dứt đụng độ. Những ngư dân Trung Quốc mắc kẹt khó có thể ở lại lâu dài trên bãi đá ngầm không có người ở vì họ có thể không còn lương thực và những dự trữ khác.
Ông Del Rosario nói rằng, ông mong muốn vấn đề sẽ được giải quyết trước khi ông rời Philippines vào chủ nhật để bắt đầu chuyến thăm Mỹ kéo dài một tuần lễ.
Tranh cãi bắt đầu xảy ra vào chủ nhật khi nhà chức trách Philippines phát hiện ra 8 tàu cá Trung Quốc ở bãi đá ngầm cách đảo Luzon ở phía tây 124 hải lý. Philippines đã cáo buộc các ngư dân Trung Quốc hoạt động trái phép, khẳng định đây là khu vực thuộc phạm vi lãnh thổ của Philippines vì nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế được công nhận bởi luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền với hầu hết Biển Đông, thậm chí là với cả những vùng nước nằm ngay cạnh bờ biển của các nước khác và giới chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng, các ngư dân được phép ở bãi đá ngầm.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, các tàu cá đã tránh bão bằng cách neo đậu ở bãi đá ngầm và cáo buộc quân đội Philippines “quấy nhiễu” họ. Nhưng nhà chức trách Philippines khẳng định, ngư dân Trung Quốc đã xâm nhập trái phép lãnh thổ Philippines và sau đó tận thu các loài sinh vật hàng hải quý hiếm, vi phạm luật pháp địa phương.
Tình hình ở bãi đá ngầm vẫn tương đối yên tĩnh, mặc dù quân đội Philippines đã phát hiện ra một máy bay do thám Trung Quốc bay qua bãi đá ngầm vào hôm thứ tư, ông Pama cho biết.
Mỹ tuyên bố họ quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. “Chúng tôi thúc giục tất cả các bên kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao”, một người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Cạnh tranh trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông từ lâu được xem là một trong những điểm nóng của châu Á có nguy cơ châm ngòi cho xung đột quân sự. Vùng biển này có ý nghĩa kinh tế, chính trị to lớn và được tin là rất giàu trữ lượng dầu khí, dồi dào nguồn cá và sở hữu các tuyến đường biển sống còn với thương mại toàn cầu.
Thái An (theo AP, Reuters)