Trong tuần này, lần đầu tiên, Ấn Độ có kế hoạch bắn thử tên lửa tầm xa nhất trong kho đạn dược của họ. Loại vũ khí này có thể giúp quân đội quốc gia Nam Á chạm đến các mục tiêu ở phía bắc Trung Quốc hay phía đông châu Âu.

Ấn Độ trình diễn tên lửa Agni IV trong cuộc diễu binh tại New Delhi. Nước này dự kiến sẽ sớm thử tên lửa Agni V. Ảnh: Reuters


Agni V, có tầm bắn hơn 5.000km với khả năng mang một đầu đạn hạt nhân, có thể được phóng từ bang Odisha phía đông Ấn Độ trong sáng nay, theo một quan chức chính phủ Ấn Độ. Người này giấu tên vì không được phép công khai công bố thời gian diễn ra sự kiện.

“Loại tên lửa này sẽ vô hiệu hoá mối đe dọa từ Trung Quốc", Uday Bhaskar, cựu chỉ huy hải quân Ấn Độ hiện là nhà phân tích Quỹ Hàng hải quốc gia ở New Delhi nói. “Vụ thử nghiệm là nỗ lực để tạo ra sự cân bằng với Trung Quốc hơn là cố gắng vượt qua họ".

Cuộc thử nghiệm thành công sẽ giúp Ấn Độ tiến lại gần hơn vị trí trở thành nước thứ 6 được biết tới khi triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa - loại tên lửa có thể bay hơn 5.500km. Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp đều có khả năng này, theo đánh giá của Viên Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London.

Sitanshu Kar, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ từ chối bình luận về thời điểm thử tên lửa. V.K. Saraswat, phụ trách Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) hôm 19/3 nói rằng, vụ bắn thử tên lửa Agni V có thể diễn ra trong tháng 4. Thời gian phóng thử còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết.

Theo giới phân tích, tăng trưởng kinh tế trung bình ở mức 8,5% suốt thập niên qua đang giúp cho Ấn Độ có điều kiện gia tăng chi tiêu quân sự và các chương trình không gian khi nỗ lực bắt kịp người láng giềng phương bắc là Trung Quốc.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đang ở giai đoạn cuối cùng trong tiến trình đàm phán mua sắm 126 máy bay chiến đấu Rafale của hãng Dassault Aviation SA (AM) ở Paris. Đây sẽ là hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới trong 15 năm qua. Trong tháng này, Ấn Độ cũng đã đưa tàu ngầm hạt nhân thuê của Nga vào phục vụ lực lượng hải quân.

Mục tiêu chiến lược

Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2012 lên 13% khi họ nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang để đối phó với sự gia tăng quân sự Trung Quốc và những mối đe dọa từ đối thủ truyền thống như Pakistan. Tổng ngân sách sẽ tăng tới 38 tỉ USD, gấp bốn lần chi tiêu chính phủ dành cho y tế, theo thống kê ngân sách liên bang tuyên bố ngày 16/3.

Trung Quốc cũng dự kiến gia tăng chi tiêu quân sự lên 11% trong năm nay khi các lợi ích kinh tế, tranh chấp lãnh thổ gia tăng cũng như các cam kết toàn cầu ngày một mở rộng dẫn tới nhu cầu thêm nhiều tàu chiến, tên lửa và máy bay chiến đấu. Chi tiêu quốc phòng của họ với con số hơn 100 tỉ USD/năm hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Theo nhà phân tích Bhaskar, phát triển Agni V là rất quan trọng vì nó đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ có khả năng lần đầu tiên chạm tới các mục tiêu ở xa nhưng có tầm quan trọng chiến lược là phía bắc Trung Quốc. Tên lửa sẽ cần phải thử nghiệm thành công khoảng 4, 5 lần trước khi đi vào hoạt động, có lẽ vào năm 2014, ông nói.

Agni là một trong hàng loạt tên lửa mà Ấn Độ đã thử nghiệm kể từ năm 2002. Loại nhỏ nhất có tầm bắn 700km chủ yếu nhằm mục tiêu củng cố biên giới.

Ấn Độ và Trung Quốc có tranh chấp biên giới ở Himalaya. Hai bên chưa thể giải quyết những bất đồng sau hơn chục cuộc thương thảo kể từ năm 2005.

Kế hoạch thử tên lửa của Ấn Độ xuất hiện giữa lúc căng thẳng quốc tế leo thang về vụ phóng tên lửa tầm xa thất bại của Triều Tiên. Trong khi Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng tên lửa là nhằm đưa vệ tinh lên quỹ đạo thì Mỹ nói rằng, nó vi phạm các nghị quyết LHQ. Mỹ đã hủy bỏ kế hoạch đưa ra hồi tháng 2 nhằm cung cấp 240.000 tấn lương thực viện trợ sau khi Triều Tiên phóng rocket.

Thái An (theo Bloomberg)