Giống như Obama, Nicolas
Sarkozy từng giành thắng lợi vang dội trong làn sóng hy vọng thay đổi. Nhưng làn
sóng của Sarkozy vấp phải khủng hoảng tài chính toàn cầu và chính những sai lầm
của ông.
Hôm nay, lãnh đạo Pháp phải đối mặt với cuộc chiến vất vả chống lại 9 người thách thức ông trong cuộc bầu cử tổng thống mới mà cử tri đang ngập tràn nỗi sợ hãi và sự tức giận.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu trong một cuộc tranh cử tại Nice, đông nam nước Pháp hôm 20/4. Người Pháp sẽ đi bỏ phiếu ngày 22/4 để chọn ra hai ứng viên tiếp tục bước vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống hôm 6/5. Ảnh: Getty Images |
Xã hội Pháp đang có một cuộc chạy đua của cảm xúc tiêu cực với sự hoài niệm quá khứ: một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và giờ đây, người Pháp lại đang cảm thấy họ sa sút vì các khoản nợ, vì người nhập cư, vì sự trì trệ và tương lai bất ổn.
Với cử tri, một Sarkozy bảo thủ phải gánh phần nhiều trách nhiệm. Trong khi hầu như ông sẽ vượt qua vòng đầu bầu cử và bước vào vòng hai quyết định ngày 6/5, thì các cuộc thăm dò đều cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông giảm dần.
Người ta dự đoán một người đàn ông khác sẽ đánh bại Sarkozy trong trận đấu lại và thế chỗ ông để vào điện Elysée: nhân vật của đảng Xã hội François Hollande.
Cân nhắc thế nào với ứng viên cực tả theo chủ nghĩa không tưởng hay ứng viên cực hữu chống nhập cư và vô vàn ứng viên khác sẽ là gánh nặng đè lên vai các cử tri trong nỗ lực thiết lập chính phủ tương lai và chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6.
Và đó cũng là gánh nặng đối với số phận nước Pháp cũng như cả một châu Âu đang vật lộn trong khó khăn.
Trong khi đó, Hollande đang tận dụng nỗi sợ hãi của thị trường tự do vốn luôn hiện hữu ở Pháp và hầu hết phương Tây, cũng như sự hồi sinh trong kỷ nguyên của phong trào Chiếm lĩnh và chống lại chủ nhà băng.
Hollande muốn thuế cho người có thu nhập cao ở mức 75% và cân nhắc lại hiệp ước tài chính châu Âu nhằm đẩy lui cuộc khủng hoảng nợ của khu vực. Ông nói, nó quá tập trung vào cắt giảm chi phí và sẽ làm tổn thương tới dân thường.
Các nhà đầu tư lo lắng rằng, nước Pháp - dù là ai lãnh đạo, nhưng đặc biệt nếu là Hollande - sẽ đi vào con đường của một thảm họa nợ nần nếu không thắt chặt chi tiêu công và giảm bớt hay tính toán lại các lợi ích phúc lợi rất hào phóng.
Cử tri nặng gánh
Tuy nhiên, Hollande chỉ là một trong năm thành viên phái tả bước vào cuộc đua hôm nay. Ông còn là người ôn hòa, thực tế nhất trong số ấy. Nếu đối thủ Jean-Luc Melenchon ghi điểm, ông và những cử tri của ông sẽ gây sức ép với Hollande để đẩy các chính sách của chính ông thậm chí đi xa hơn nữa về phía tả.
Phát biểu trước phóng viên quốc tế hôm thứ sáu, Melenchon - người muốn đánh thuế siêu giàu ở mức 100% - đã mô tả tài chính quốc tế là “ký sinh”. Ông chỉ trích sức mạnh quân sự và sự bá chủ của Mỹ, và thay vào đó nhìn về Trung Quốc cho quan hệ đối tác.
Ở mặt còn lại của cuộc đua, cuộc vận động tranh cử giữa các ứng viên còn có một tâm điểm khác: đó là tôn giáo.
Ứng viên cực hữu Marine Le Pen đang mạnh mẽ chống lại cái gọi là “Hồi giáo hoá” ở Pháp. Điều này khiến rất nhiều cử tri lo ngại. Pháp ước tính có 5 triệu người Hồi giáo - tỉ lệ dân số theo đạo Hồi lớn nhất ở Tây Âu. Le Pen - và rất nhiều cử tri của bà đã nối kết đạo Hồi với người nhập cư. Họ nghĩ rằng nước Pháp có nhiều cả hai “thể loại” này.
Trong cuộc tuần hành ủng hộ Le Pen tại Paris tuần này, cử tri 32 tuổi Fabien Engelmann tại Hayange (miền đông nước Pháp) nói rằng, Le Pen là “người duy nhất có thể bảo vệ đất nước” chống lại các mối đe dọa trong đó có “Hồi giáo hóa”.
Còn Sarkozy thì đấu tranh cho lệnh cấm phụ nữ dùng mạng che mặt ở nơi công cộng, ông nói đó là cầm tù phụ nữ và chống lại các giá trị Pháp. Ông muốn giảm lượng lớn người nhập cư. Ông thậm chí còn đe dọa rút nước Pháp ra khỏi Hiệp định Tự do đi lại (hay còn gọi là Hiệp định Schengen) của EU nếu EU không đưa ra thêm các biện pháp nhằm ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Đây không phải lần đầu tiên Sarkozy đề cập tới vấn đề này. Trước đó, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Pháp cho rằng hiện đang có quá nhiều người nước ngoài ở Pháp và hệ thống giúp người nhập cư hòa nhập cộng đồng "đang vận hành ngày một tồi tệ".
Hollande, dù bị cho là “nhạt” và có ít ý tưởng tranh cử hấp dẫn, vẫn giành tỉ lệ tán thành nhiều hơn hẳn Sarkozy những tháng qua.
Sarkozy từng thể hiện những dấu hiệu cho thấy sự trở lại và hồi sinh. Ông cố gắng tái tạo hình ảnh mình là một “ứng viên của nhân dân”. Trong cuộc mít ting ở Marseille, ông Sarkozy nói: “Tôi sẽ không là ứng viên cho số ít tinh hoa chống lại người dân”.
Nhưng trong những ngày gần đây, tỉ lệ ủng hộ ông lại sụt giảm trở lại. Cuộc thăm dò cuối cùng trước bầu cử đưa ra hôm thứ sáu cho thấy, ông lại bị tụt vài điểm sau Hollande ở vòng đầu và cách khá xa số điểm người thắng cuộc ở vòng đấu lại.
Ứng viên Hollande trong ngày vận động bầu cử cuối cùng, trông khá bình tĩnh và thoải mái. Ông đi xuống con phố chính của Vitry-le-Francois ở miền đông nước Pháp hôm thứ sáu, dừng lại ở một cửa hàng pizza, quán cà phê và cửa hiệu quần áo để chuyện trò. “Tổng thống François”, người hâm mộ hô vang, chen lấn nhau để bắt tay Hollande.
Thái An (theo AP, Reuters)