Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, việc nước này tiếp tục thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên không liên quan gì tới các diễn biến hiện tại trong khu vực.
Tàu sân bay Trung Quốc. Ảnh: THX

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Canh Diên Sinh, các cuộc thử nghiệm trên biển trước đó của tàu sân bay đã đạt được kết quả như mong đợi và những hoạt động thử nghiệm tương tự sẽ được tiến hành theo kế hoạch.

Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin rằng, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Tuy nhiên, ông Canh không bình luận gì về việc này. Trung Quốc không bỏ lỡ nhiều dịp để khẳng định con tàu sân bay hoàn toàn phục vụ chính sách phòng thủ quốc gia.

Vào cuối tháng 4, tờ Nhật báo Thượng Hải đưa tin, hải quân Trung Quốc sẽ tiếp nhận con tàu trọng tải 55.000 tấn mua từ Ukraine khi chưa được hoàn thành trong năm 1998 và triển khai nó tại khu vực đang ngày càng mang nặng tính chính trị ở Biển Đông. Phó chỉ huy hải quân quân đội Trung Quốc Tô Hồng Mạnh đã xác nhận thông tin này.

Trung Quốc mua tàu sân bay không có vũ khí và động cơ từ một xưởng đóng tàu Ukraine năm 1998. Con tàu đã không được hoàn thành sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Trong các thông tin đưa ra, tàu vẫn chưa mang một cái tên Trung Quốc chính thức mà được gọi với cái tên cũ là Varyag.

Con tàu thuộc lớp Kuznetsov, dài khoảng 300m và rộng gần 40m. Việc nó đi vào hoạt động trong tháng 8 sẽ khiến Trung Quốc trở thành thành viên câu lạc bộ các nước có tàu sân bay trên thế giới.

Quan chức Trung Quốc đã cố gắng nhấn mạnh rằng, con tàu không nhằm tới bất cứ hoạt động quân sự gây hấn nào, mà chủ yếu sử dụng để huấn luyện đào tạo phi công, hải quân cũng như công tác nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, giới phân tích bình luận, sự kết hợp của tàu sân bay (cho dù còn nhỏ hơn nhiều tàu khác) với loại máy bay mới đã khiến các láng giềng Trung Quốc lo lắng về việc Bắc Kinh ngày càng trở nên quả quyết hơn trong tranh chấp lãnh thổ hàng hải, đặc biệt ở Biển Đông. Rất nhiều khu vực trong đó nằm gần các nước khác hơn là Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển này.

Theo một số nhà quan sát, Trung Quốc muốn tự xây dựng khoảng bốn tàu sân bay. Ông Fisher, người đã có 20 năm nghiên cứu quân sự Trung Quốc, nói đó là những tham vọng lớn. "Tàu sân bay là một phần nỗ lực thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa ra năm 2004 của Trung Quốc, theo đó quân đội sẽ gia tăng bảo vệ các lợi ích bên ngoài đất nước”, ông nói. "Vào khoảng những năm 2020, Trung Quốc muốn quân đội có thể triển khai toàn cầu và sẽ có thể thách thức các lợi ích Mỹ nếu họ cần thách thức”.

Vụ thử nghiệm mới nhất của tàu sân bay Trung Quốc diễn ra giữa lúc tình hình khu vực có nhiều căng thẳng, nhất là vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Bế tắc trong vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines vẫn chưa chấm dứt dù đã bước sang tuần thứ ba. Trong khi đó, Mỹ và Philippines đang tổ chức cuộc tập trận chung hàng năm, và Trung Quốc đã cảnh báo hoạt động này làm ảnh hưởng tới sự ổn định khu vực.

Gần như cùng thời điểm với cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines, lần đầu tiên Trung Quốc và Nga đã tổ chức diễn tập hải quân chung tại Hoàng Hải. Về cuộc diễn tập này, Trung Quốc nói họ sẽ "tăng cường sâu sắc quan hệ hợp tác và chiến lược với Nga". Mục đích của diễn tập là để "cải thiện các khả năng cùng nhau phản ứng trước các thách thức và đe dọa mới" và "bảo vệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như hòa bình, ổn định thế giới".

Tuyên bố chính thức trên không đề cập tới tên một quốc gia nào, nhưng ít nhiều nó khiến người ta phải suy nghĩ khi Trung Quốc đề cập tới cái gọi là "những thách thức và những mối đe dọa mới".

Thái An (tổng hợp)