Giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động tại Biển Đông lúc 9h38 sáng nay, đánh dấu "bước tiến lớn" trong công nghiệp khai thác dầu khí biển sâu của nước này.

CNOOC 981 - giàn khoan bán chìm thế hệ sáu - do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sở hữu và điều hành. Giàn khoan đã bắt đầu hoạt động tại khu vực biển cách Hồng Kông khoảng 320 km về phía đông nam và có độ sâu khoảng 1.500m.
Giàn khoan CNOOC 981. Ảnh: THX

Đây là giàn khoan nước sâu độc lập đầu tiên do một công ty Trung Quốc quản lý. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên thăm dò tài nguyên dầu khí nước sâu tại Biển Đông.

"Các giàn khoan nước sâu cỡ lớn là vũ khí chiến lược để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc", Chủ tịch CNOOC Wang Yilin cho biết. Vị này nhấn mạnh, nó sẽ góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Hoạt động diễn ra bắt đầu từ hôm nay là bước đầu tiên để thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở một khu vực nước sâu với diện tích 25km vuông. Giàn khoan sẽ hoàn tất khoan thăm dò ở độ sâu 2.335m để đạt tới ước tính khoảng 30 tỉ mét khối khí tự nhiên. Thạch Hà Thắng - kỹ sư địa chất chi nhánh Thâm Quyến của CNOOC cho biết: "Về tầm nhìn dài hạn, hơn 700 triệu tấn tài nguyên dầu và 1,2 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên sẽ được tìm thấy trong khu vực này. Có hàng chục khu vực tương tự như vậy ở phần phía bắc của Biển Đông”.

Khu vực có độ sâu hơn 300m được quốc tế công nhận là vùng nước sâu và hơn 1.500m gọi là vùng nước cực sâu. Tính trên toàn cầu, khoảng 30-40% tài nguyên biển nằm ở các vùng nước sâu và khoảng một nửa địa điểm thăm dò đã phát triển ở ngoài khơi.

Biển Đông ước tính có trữ lượng 23 - 30 tỉ tấn dầu và 16 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên. Khoảng 70% trữ lượng dầu khí ở vùng biển giàu tài nguyên này nằm tại 1,54 triệu km vuông các khu vực nước sâu. "Biển Đông có thể trở thành vùng khoan nước sâu lớn thứ tư thế giới, sau cái gọi là "tam giác vàng" của vùng vịnh Mexico, Brazil và Tây Phi", Chu Thụ Vĩ - thành viên Viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết.

Do thiếu công nghệ kỹ thuật chủ chốt, mà phần lớn việc thăm dò dầu khí ngoài khơi gần đây của Trung Quốc được thực hiện ở độ sâu chưa đầy 300m. Lâm Bác Cường - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng tại Đại học Hạ Môn khẳng định, việc giàn khoan nước sâu CNOOC 981 đi vào hoạt động là cột mốc lịch sử trong nỗ lực thăm dò dầu khí của Trung Quốc. "Nó giảm bớt lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và thúc đẩy sự phát triển công nghệ cũng như thiết bị thăm dò dầu khí nước sâu", Lâm nhấn mạnh.

Nhu cầu tiêu dùng dầu khí tại Trung Quốc đã tăng vọt khi nước này trong quá trình hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Trung Quốc trông chờ vào việc nhập khẩu hơn 55% lượng dầu thô và 20% khí tự nhiên. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Để giảm bớt áp lực và sự phụ thuộc vào nhập khẩu, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực và thiết bị nhằm thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu khí nước sâu. Mất 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu USD) và hơn ba năm để nhà thầu là Tập đoàn China State Shipbuilding Corp. (CSSC), xây dựng giàn khoan CNOOC 981 cho CNOOC.

Giàn khoan này dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn. Theo CSSC, với kích cỡ bằng một sân bóng chuẩn, giàn khoan này có khả năng hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan khoảng 12.000m chiều dài. Được trang bị thiết bị hiện đại cùng hệ thống định vị toàn cầu, CNOOC 981 có thể chịu được những rung chấn do bão lớn gây ra.

Tháng 2 năm trước, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) cho hay, CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu.

Trung Quốc từng cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông được xem như một mũi tên bắn vào nhiều đích, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là muốn khẳng định chủ quyền 80% diện tích biển tại đây. Ngoài ra, nỗ lực thăm dò khai thác các tài nguyên biển, đặc biệt là năng lượng cũng là một mục tiêu quan trọng khi nền công nghiệp của Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh.

Hơn thế nữa, một giàn khoan khổng lồ đã đủ biểu trưng cho sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.Và như vậy, bất kỳ nỗ lực nào của lực lượng quân sự Đông Nam Á nhằm hạn chế hoạt động của giàn khoan khổng lồ ở Biển Đông cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ trả đũa từ Bắc Kinh.

Thái An (theo newstrackindia, ANI)