Mỹ đã công khai tuyên bố bốn lần rằng, họ sẽ tuân thủ Hiệp ước phòng thủ chung 1951 quy định, quân đội Mỹ sẽ giúp bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công, bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết.

Ảnh: wordpress

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã đưa ra tuyên bố trên giữa lúc cuộc đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines vẫn tiếp tục kéo dài tại bãi cạn Scarborough.

Ông Del Rosario nói, quan chức Mỹ đã công khai tuyên bố cam kết của họ để bảo vệ Philippines khi ông và bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin gặp gỡ Ngoại trưởng Hillary Clinton và ông chủ Lầu Năm Góc Leon Panetta tại Washington vào tuần trước. DFA giải thích, tuy nhiên sự ủng hộ quân sự sẽ cần được quốc hội hai bên phê chuẩn. 

Chính sách của Washington là không can thiệp vào cuộc cạnh tranh tuyên bố chủ quyền của một số quốc gia châu Á ở Biển Đông. Tuy nhiên, quan chức Mỹ công khai khẳng định, theo Hiệp ước phòng thủ chung, Mỹ có bổn phận trợ giúp Philippines nếu các lực lượng vũ trang, tàu thuyền công hay máy bay của họ bị tấn công.

Vào ngày 6/1/1979, Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là Cyrus Vance đã viết thư gửi người đồng cấp Philippines Carlos Romulo nói rằng, Mỹ sẽ phản ứng "với bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào lãnh thổ Philippines cũng như vào lực lượng Philippines ở khu vực Thái Bình Dương", ông Del Rosario nhấn mạnh.

Ngày 24/51999, cựu đại sứ Mỹ tại Philippines Thomas Hubbard đề cập trong một bức thư gửi tới Ngoại trưởng Philippines khi đó là Domingo Siazon rằng, cựu bộ trưởng Quốc phòng William Cohen nói: “Mỹ coi Biển Đông là một phần của khu vực Thái Bình Dương".

Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống - tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang - có thể điều quân ra nước ngoài nhưng phải thông báo cho quốc hội trong vòng 48h. Điều này cũng được quy định trong Nghị quyết về quyền lực chiến tranh của Mỹ năm 1973. Nghị quyết này cũng đặt ra những giới hạn như: quân đội Mỹ được triển khai trong 60 ngày, thêm 30 ngày thời gian rút quân nếu không có sự phê chuẩn của quốc hội.

Điều này có nghĩa là, sự phê chuẩn của quốc hội sẽ chỉ cần tới nếu việc can thiệp của quân Mỹ ở nước ngoài vượt quá 60 ngày.

Vào ngày 23/7/2011, trong cuộc gặp tại Washington, bà Clinton đã lần nữa xác nhận với ông Del Rosario rằng, Mỹ sẽ "tuân thủ các bổn phận trong hiệp ước với Philippines". Ngoại trưởng Mỹ đã nhắc lại cam kết tương tự trong cuộc đối thoại an ninh cấp cao đầu tiên giữa hai nước vào tuần trước.

Hồi đầu tháng trước, Manila và Bắc Kinh đã có nhiều tranh cãi xung quanh vụ đụng độ ở bãi cạn Scarborough ở ngoài khơi tây bắc Philippines. Vụ việc bắt đầu khi Philippines cho biết, tàu hải quân của họ đã phát hiện ra 8 tàu cá Trung Quốc ở bãi cạn. Philippines cho rằng, các tàu cá đã xâm nhập và đánh bắt trái phép ở khu vực này. Hai tàu hải giám Trung Quốc sau đó đã tới khu vực, ngăn không cho hải quân Philippines bắt giữ ngư dân và để cho tàu cá rút đi.

Báo chí Philippines hôm qua (9/5) đưa tin, các tàu hàng hải Trung Quốc đang cản trở ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống trong các đầm phá tại bãi đá ngầm Panatag (tên quốc tế là Scarborough - Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), ngoài khơi tỉnh Zambales của Philippines. Theo nguồn tin quân sự Philippines, số tàu Trung Quốc tại bãi đá ngầm đã lên tới 33 tàu, tăng từ 14 chiếc tuần trước. Trong khi đó, Philippines chỉ có hai tàu ở khu vực này. Đó là tàu phòng vệ bờ biển BRP Edsa II và tàu của cục Ngư nghiệp và Tài nguyên thủy sản.

Manila đã yêu cầu Bắc Kinh giải quyết tranh chấp tại Tòa án quốc tế về Luật biển. "Chúng tôi không muốn leo thang căng thẳng”, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói với báo giới. "Vì thế, những gì chúng tôi làm hiện tại là xem xét tình hình và đưa trường hợp này ra tòa án quốc tế”.

Cả Trung Quốc và Philippines đều khẳng định bãi cạn Scarborough nằm trong phạm vi chủ quyền của mình. Manila khẳng định nó nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines được Công ước LHQ về Luật Biển công nhận. Còn Bắc Kinh thì viện dẫn chủ quyền với bãi cạn này từ thế kỷ 13.

Bãi cạn xảy ra vụ đụng độ nằm cách tỉnh Zambales của Philippines 124 hải lý và cách tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) tới 472 hải lý. Đây là một trong số hàng trăm hòn đảo, bãi đá ngầm tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển được tin là giàu trữ lượng dầu và khí, nguồn cá và có những tuyến vận chuyển quan trọng nhất thế giới. Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển này, dù Philippines và những nước khác cũng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.

Thái An (tổng hợp)