- Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH nhất trí việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Việc tiến hành "hàng năm" đã không còn được nhắc đến. Ủy ban Thường vụ QH được giao xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012). Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố công khai.

Nằm trong tổng thể đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, nội dung bỏ phiếu tín nhiệm nhận được sự quan tâm của các ĐBQH.

Ảnh: Minh Thăng

Chiều nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đọc báo cáo thẩm tra cho hay có ý kiến đề nghị cân nhắc việc dùng khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” hay “lấy phiếu tín nhiệm”, do quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hiện đã được quy định trong luật Tổ chức Quốc hội, luật Hoạt động giám sát của Quốc hội.

Thẩm tra đề án, Ủy ban tán thành với nội dung đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm của đề án để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định tại điều 84, Hiến pháp năm 1992.

Trao đổi với VietNamNet, ĐBQH kỳ cựu Dương Trung Quốc cho rằng, xung quanh những quy định về bỏ phiếu tín nhiệm vốn được Hiến pháp và luật của Quốc hội quy định, thì những quy định đã có thì cứ thực hiện (chỉ có điều khó thực thi), còn phương thức theo định kỳ và mang tính “đại trà” như dự kiến cũng có mặt hay và mặt còn băn khoăn.

ĐBQH chỉ ra điểm “hay” ở điểm là nó mang tính thực thi cao, cứ “đến hẹn lại... làm”. Khách quan nó cũng tạo ra một áp lực để các đối tượng được/bị giám sát ấy phải tích cực và cẩn trọng khi thực thi công vụ. Nhưng tôi còn băn khoăn ở hiệu quả thực sẽ ra sao. Vì dân chủ là một công cụ của sự tiến bộ, nhưng người sử dụng nó phải có đủ những phẩm chất và kỹ năng sử dụng, nếu không, nó chỉ mang tính hình thức.

Nguyên ĐBQH, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng, Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Quốc hội, “bật đèn xanh” sẽ đảm bảo cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đi vào thực tiễn một cách thực chất.

        Luật Đất đai (sửa đổi) lùi sang năm 2013

Đây là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước quan tâm.

Một số nội dung quan trọng của dự án như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về chính sách đất đai. Do đó, Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.

Chung Hoàng

Bỏ phiếu tín nhiệm: Cần được 'bật đèn xanh'
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Quốc hội, “bật đèn xanh” sẽ đảm bảo cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đi vào thực tiễn một cách thực chất.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm phải minh bạch
Theo đại biểu QH kỳ cựu Dương Trung Quốc, việc lấy ý kiến tín nhiệm hàng năm với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn phải càng công khai càng tốt.