Bộ ngoại giao Philippines cho hay, Trung Quốc đã triển khai thêm nhiều tàu chính phủ và tàu cá tới khu vực bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông giữa lúc bế tắc hai bên tiếp tục diễn ra.
Bên trong tranh chấp TQ-Philippines ở Biển Đông
Mỹ đứng đâu trong cuộc đối đầu TQ-Philippines?
Hai bên thống nhất dùng giải pháp ngoại giao nhưng bế tắc vẫn chưa chấm dứt. Ảnh: wordpress |
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, tính đến đêm thứ hai, có 5 tàu chính phủ và 16 tàu cá Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough cùng với 56 tàu đa nhiệm mà các ngư dân sử dụng để đánh bắt ở các vùng nước nông.
Hai tàu của Philippines đang giám sát các hành động của Trung Quốc trước đó báo cáo chỉ có 3 tàu chính phủ Trung Quốc ở gần bãi cạn. Manila đã thể hiện sự phản đối với đại sứ quán Trung Quốc về sự tăng cường nói trên, ông Hernandez nói.
"Philippines yêu cầu rằng, các tàu của Trung Quốc lập tức rút khỏi Bajo de Masinloc và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", người phát ngôn đề cập tới tên gọi địa phương của bãi cạn.
Quan chức đại sứ quán Trung Quốc chưa có bình luận nào về thông tin trên.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với bãi cạn Scarborough cũng như hầu hết Biển Đông, kể cả những vùng ấy sát cạnh bờ biển của một số nước láng giềng châu Á. Trong khi đó Philippines tuyên bố bãi cạn nằm trong phạm vị 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, được luật pháp quốc tế công nhận.
Cả hai nước đã đưa tàu ra bãi cạn kể từ khi vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines xảy ra hồi đầu tháng 4. Hải quân Philippines đã cố gắng bắt giữ ngư dân Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt và xâm nhập trái phép. Nhưng Trung Quốc đã điều tàu hải giám ngăn cản việc này.
Manila và Bắc Kinh đã cam kết làm dịu căng thẳng ở khu vực tranh chấp. Cả hai bên cũng đã ban hành lệnh cấm đánh cá trong khu vực kể từ 16/5.
Hernandez nói rằng, trong khi số lượng tàu đa nhiệm của Trung Quốc ở quanh bãi cạn đã lên tới con số 76 thì không có một tàu cá nào của Philippines xuất hiện tại đây. "Họ đang đánh bắt cá và thu thập san hô", người phát ngôn Philippines cho biết, và rõ ràng là đã vi phạm lệnh cấm đánh cá từ chính chính phủ của họ.
Ông Hernandez khẳng định, hai chính phủ vẫn đang thương thảo về cuộc tranh chấp, và cáo buộc việc tăng cường lực lượng của Trung Quốc chỉ làm "căng thẳng leo thang" xung quanh bãi cạn.
Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với một số nước Đông Nam Á tại Biển Đông. Tranh chấp các bên kéo dài nhiều thập niên qua khiến cho khu vực này trở thành một trong những nơi "nóng nhất", dễ châm ngòi cho xung đột quân sự của châu Á.
Thái An (theo mysinchew)