- Trọng tâm buổi thảo luận tổ về đề án đổi mới hoạt động QH chiều nay (28/5) là đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Bỏ phiếu tín nhiệm: Cần được 'bật đèn xanh'
Bỏ phiếu tín nhiệm phải minh bạch
Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng, bộ trưởng hàng năm
Khi dân thấy "có vấn đề"
Theo ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị), nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức danh có "vấn đề". "Khi dư luận xã hội trào sôi, khi cử tri, các cơ quan công luận, báo chí lên tiếng, ĐBQH, HĐ Dân tộc và các UB của QH, Thường vụ QH thấy có vấn đề, đặc biệt khi có 20% ĐB tán thành thì nên đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm", ông Tiến nói.
"Trong trường hợp đó, nói là bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm", ông Tiến nhận định.
ĐB Lê Như Tiến: Thực
chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm. |
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (ĐB tỉnh Tây Ninh) cũng đồng tình "xem những đồng chí nào có vấn đề thì đưa ra QH thảo luận cho rõ vấn đề rồi bỏ phiếu tín nhiệm về tư cách đồng chí đó, coi như nhắc nhở phấn đấu làm tốt hơn".
Tuy nhiên ông không ủng hộ việc bỏ phiếu hàng năm vì "có thể làm thui chột động lực họ, làm tròn vo, đến khi bỏ phiếu sẽ không có ý kiến gì cả".
Nhưng nhiều ý kiến khác lại ủng hộ bỏ phiếu hàng năm, dù trong lần trình gần đây nhất, chi tiết này đã không còn trong dự thảo đề án. Một số ĐB đề nghị khoanh lại danh sách các chức danh thực sự cần thiết, có vai trò và thẩm quyền lớn trong quản lý xã hội, để bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) thấy khi bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm, "nếu một lần chức danh đó không đủ tín nhiệm thì nên thực hiện quy chế từ chức vì lúc đó không còn tín nhiệm để điều hành bộ, ngành mình quản". ĐB Trần Thị Diệu Thúy cùng đoàn thì cho rằng nên quy định 2 lần bỏ phiếu không đạt tín nhiệm mới xem xét bãi miễn, bãi nhiệm, nhưng "lần đầu bỏ phiếu không đạt thì kỳ sau phải bỏ phiếu tiếp xem có tiến bộ không, không chờ gần hết nhiệm kỳ mới bỏ phiếu lại rồi tính bãi miễn, bãi nhiệm".
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thì thấy bỏ phiếu tín nhiệm mỗi năm một lần "vẫn còn chậm", thậm chí mỗi kỳ họp nên đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm một số chức danh.
"Nhưng đi liền với bỏ phiếu tín nhiệm thì QH cũng cần đồng thời quy định trong Đề án đổi mới việc phê chuẩn các chức danh tại QH phải có số dư, có chương trình hành động, để ĐB có cơ sở bỏ phiếu tín nhiệm, xem trong thời gian nhất định đó anh ta làm được gì, không làm được gì", ông Đương nói. “Phải đổi mới cả đầu vào và đầu ra".
ĐB
Đỗ Văn Đương: Phải đổi mới cả đầu vào và đầu ra. |
Nhấn mạnh việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong luật Tổ chức QH và luật Hoạt động giám sát của QH, Phó đoàn TP.HCM Võ Thị Dung đề nghị làm khẩn trương, "đến cuối nhiệm kỳ vẫn chưa thực hiện là có lỗi với dân". ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) thì hy vọng việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ khiến các bộ, ngành nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được QH giao.
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga thấy nên tổ chức theo hai cách: bỏ phiếu bất tín nhiệm và bỏ phiếu thường kỳ. Bà Nga từng góp ý nên bỏ phiếu hàng năm, bắt đầu từ năm thứ 2 trong nhiệm kỳ của chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.
Lo ‘mất công’
Điều các ĐB vẫn băn khoăn là "hậu bỏ phiếu tín nhiệm". Như ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) chỉ ra, thanh tra kiểm tra có kết luận rồi còn xử lý chậm hoặc không xử lý, thì sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, cơ quan quản lý cán bộ có trách nhiệm ra sao, phải có ý kiến như thế nào.
Ông Lê Như Tiến còn e "bỏ phiếu xong nhưng cơ quan quản lý cán bộ không đồng ý thì bỏ phiếu mất công". Chia sẻ nhận thức với nhiều ĐB khác rằng công tác cán bộ liên quan đến nhiều cơ quan cấp cao, ông Tiến cho rằng "phải chuyển động đồng bộ hệ thống thì mới làm được".
Một điểm không rõ nữa là quy định 20% số ĐB tán thành việc bỏ phiếu tín nhiệm. "Ai sẽ đứng ra tập hợp loại ý kiến này?", ông Tiến đặt câu hỏi.
Các ĐB băn khoăn việc quy định đã có từ 10 năm nay mà chưa một lần thực hiện. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo các ĐB, chính vì những điểm còn vướng mắc như vậy mà quy định này đã có 10 năm mà chưa một lần thực hiện được. Do đó, Phó đoàn Quảng Nam, ông Ngô Văn Minh đồng ý để Thường vụ QH xây dựng quy trình thật cụ thể, khả thi trước khi QH tiếp tục cho ý kiến về đề xuất này.
"Việc bỏ phiếu tín nhiệm chưa nên đưa ra tại kỳ họp tới mà phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chứ không nên vội vàng", ông Minh nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang QH, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng nhấn mạnh cần chuẩn bị chu đáo, đồng bộ, tránh làm theo phong trào.
Đẩy nhanh sửa luật về tham nhũng, đất đai Góp ý cho chương trình làm luật của khoá XIII, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) tha thiết đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2013 luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vì "một số quy định hiện nay đã lạc hậu so với yêu cầu". ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì thấy "lùi Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là lần cuối cùng thôi, không thể lùi được nữa". ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chỉ ra cử tri bức xúc nhất là về đất đai, nhiều nguy cơ bất ổn cũng xuất phát từ đây mà "vì sao chúng ta cứ tránh né hoài mà không sửa ngay". Thấy việc quản lý đất đai ở các cấp cơ sở ngày càng lúng túng, ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) yêu cầu tiến hành sửa ngay Luật Đất đai. Hiện theo dự kiến, Luật Đất đai (sửa đổi) bị lùi sang năm 2013, cho ý kiến ở kỳ 5 và mãi đến kỳ 6 mới biểu quyết. |
T. Chung - X.Linh - P.Loan