- Trao đổi với báo chí bên hành lang QH sáng nay (4/6), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định các dự án ODA nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Trước thông tin từ Bộ Ngoại giao Đan Mạch ngày 31/5 về quyết định ngừng 3 dự án ODA về biến đổi khí hậu ở Việt Nam do phát hiện có dấu hiệu sử dụng tiêu cực tài chính, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam coi trọng vai trò của ODA trong việc đóng góp xây dựng và phát triển đất nước.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói, các nước tài trợ đánh giá Việt Nam luôn sử dụng ODA một cách hiệu quả.

Với các vụ việc cụ thể này, gần đây Đan Mạch mới cho ý kiến về phía Đan Mạch, phía Việt Nam đang cho kiểm tra.

Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ đã gặp Đại sứ Đan Mạch, nêu quan điểm của Việt Nạm là sử dụng ODA phải hiệu quả, có vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc, và ta luôn chân thành và coi trọng vốn ODA của các nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

- Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện các tiêu cực liên quan đến sử dụng ODA, thưa Bộ trưởng?

Trong tổng số các dự án ODA rất lớn, số sai phạm không phải nhiều. Chính vì vậy qua các kỳ kiểm điểm việc thực hiện ODA, các nước vẫn đánh giá VIệt Nam là một trong những nước sử dụng ODA hiệu quả.

Thế nhưng cũng có những "con sâu bỏ rầu nồi canh", ta đã xử lý nghiêm tất cả những dự án nào sử dụng ODA không hiệu quả, có sai phạm đều xử lý.

- Vậy mức độ tín nhiệm của Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào trong những vụ việc như thế này?

Các vụ việc này cần có điều tra, khi có kết luận ta sẽ đánh giá và xử lý. Chúng tôi tin là các nhà tài trợ nước ngoài vẫn đánh giá cao Việt Nam.

- Hiện các bộ ngành đã có ý kiến gì về việc xử lý trách nhiệm trước mắt?

Phía Đan Mạch mới đưa thông tin ngày 31/5, ta cần có thời gian để kiểm tra các dự án.

Bộ Ngoại giao đã gặp Đại sứ quán Đan Mạch. Đại diện Việt Nam ở Đan Mạch cũng đã gặp phía Đan Mạch yêu cầu cho biết tình hình và ý kiến.

Bộ Công an hiện chưa vào cuộc.

Chính phủ luôn chủ trương sử dụng ODA hiệu quả, nếu có sai phạm, phải kiểm tra. Nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý rất nghiêm.

- Bên nào sẽ chịu trách nhiệm điều tra về phía Việt Nam?

Trước hết, các chủ dự án về phía Việt Nam sẽ phải báo cáo, và theo tôi theo dõi báo đài, các chủ dự án này cũng rất sẵn sàng cung cấp thông tin.

ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa), ủy viên UB Tài chính - Ngân sách: Quy định đã có, vấn đề là thực hiện

- ODA cũng là một nguồn tài chính công, cần có giám sát như thế nào để trong thời gian tới tránh được những vụ việc tương tự, ảnh hưởng đến bộ mặt quốc gia?

Quốc hội các nước khi thông qua việc cung cấp ODA, viện trợ hoặc vay ưu đãi cho Việt Nam đều đã có cơ chế, chế tài giám sát việc sử dụng. Nhưng Việt Nam cũng cần chủ động  trong khuôn khổ các quy định của luật pháp Việt Nam.

Quản lý ODA và các dự án sử dụng ODA là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Tôi không nắm cụ thể các nội dung về giám sát, quản lý nhưng tôi thấy về phía Việt Nam đã có những quy định cụ thể về giám sát ODA, vấn đề là triển khai và giám sát việc thực hiện như thế nào.

- Theo ông, có cần một cơ quan độc lập kiểm soát nguồn tài chính này không?

Hiện Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang thay mặt Chính phủ liên hệ, tiếp nhận và quản lý việc sử dụng ODA, nếu Bộ làm tốt việc này thì tôi nghĩ không cần thiết. Nhưng khi xảy ra sự việc thì cần có một cơ quan khác kiểm tra, giám sát, cơ quan này do Chính phủ quyết định.

- Thế còn vai trò của UB Tài chính - Ngân sách của QH?

ĐBQH nói chung và UB Tài chính - Ngân sách nói riêng có trách nhiệm, trên cơ sở thông tin và dư luận xã hội, yêu cầu các bộ ngành báo cáo. Sau khi báo cáo, nếu thấy mọi việc đáp ứng yêu cầu thì thôi, nếu không QH sẽ vào cuộc.

Hiện UB Tài chính - Ngân sách chưa nhận được yêu cầu nào, tuy nhiên để việc sử dụng tài chính công, trong đó có nguồn ODA, được tốt thì nên làm.

Chung Hoàng (ghi)