- Khu vực sẽ ổn định nếu có một Việt Nam hay Philippines hùng mạnh... Sẽ mất ổn định nếu chỉ có nước yếu, trong khi Mỹ, TQ là cường quốc - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh sáng nay (4/6) ở Hà Nội.

Cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi hai Bộ trưởng tiến hành hội đàm. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho hay hai bên tập trung trao đổi tìm biện pháp thúc đẩy thực hiện bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng được ký năm ngoái.

Việt Nam đồng ý mở 3 khu khai quật mới tìm hài cốt lính Mỹ

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã trao cho Bộ trưởng Panetta 3 bức thư, những kỷ vật của lính Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Hai bên cũng tiếp tục hợp tác trong rà phá bom mìn sót lại trong chiến tranh, hợp tác tẩy độc chất da cam tồn lưu ở một số sân bay, khu vực trước đây Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ảnh: Trường Sơn

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong những lời mở đầu hội đàm cho hay, ông ấn tượng với vịnh Cam Ranh mà ông đi thăm ngày hôm qua. Nó làm ông nhớ đến vịnh San Fransisco của Mỹ nhưng đường vào hẹp hơn. "Đây là vịnh quan trọng. Nếu Việt Nam trong quá trình cải tạo có nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ thì Mỹ sẵn sàng". Trả lời Bộ trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho hay Việt Nam đã có chiến lược cải tạo, phát triển cảng Cam Ranh theo 3 khu vực và Việt Nam có các phương tiện để phục vụ cho chiến lược này.

Bộ trưởng Mỹ cũng cho biết hai bên đã thảo luận cách thức làm sao cải thiện việc thực hiện biên bản ghi nhớ 2011 để thúc đẩy quan hệ quốc phòng hai nước, cách thức Mỹ làm việc với VN thông qua nhóm đối thoại của Bộ trưởng quốc phòng ASEAN về an ninh hàng hải.

"Chúng tôi đã thảo luận cam kết chung làm sao xây dựng một khu vực châu Á hòa bình, thịnh vượng, an ninh. Tôi đã lưu ý trong thảo luận hai bên nên thiết lập một văn phòng điều phối hợp tác, nó sẽ thúc đẩy quan hệ hai bên, gửi đi tín hiệu Mỹ cam kết lâu dài vào mối quan hệ quốc phòng Mỹ và Việt Nam" - Bộ trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Ông cũng cho hay tại hội đàm, phía Việt Nam đã đồng ý mở ra 3 khu khai quật mới tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Muốn Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương

Sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Leon Panetta có cuộc họp báo chung:

AFP: Xin hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam: xin ngài cho biết kế hoạch của VN đối với việc mua vũ khí của Mỹ nếu Mỹ đồng ý bán. VN có tiếp tục cho phép gia tăng việc ra vào của tàu quân sự Mỹ đến cảng Cam Ranh? Ngài muốn thúc đẩy quan hệ hai nước nhưng hai nước có quan ngại về tự do, nhân quyền, theo ngài quan hệ này ảnh hưởng thế nào đến nỗ lực thúc đẩy hai nước?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Hiện nay Mỹ mới bỏ cấm vận mua các loại vũ khí phi sát thương, còn các loại vũ khí sát thương chưa được dỡ bỏ cấm vận. Chúng tôi mong muốn Mỹ sẽ sớm bỏ lệnh cấm vận mua bán vũ khí sát thương vì mục đích bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước, vì lợi ích chung của hai nước.

Nếu được dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, chúng tôi có nhu cầu mua một số loại trước hết để sửa chữa, bảo quản, nâng cấp các loại vũ khí chúng tôi thu được trong chiến tranh. Sau đó, nếu khả năng tài chính cho phép, chúng tôi sẽ từng bước hiện đại hóa quân đội, sẽ lựa chọn mua những loại trang bị vũ khí phù hợp yêu cầu hiện đại hóa quân đội của Việt Nam, giá cả cạnh tranh.

Tàu hậu cần, kỹ thuật của Mỹ nếu đến sửa chữa ở các cảng thương mại, cảng của tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thì chúng tôi hoan nghênh. Việt Nam có lợi thế các cơ sở sửa chữa, sản xuất tàu biển, kể cả tàu hậu cần, kỹ thuật của quân đội Mỹ, thợ của chúng tôi lành nghề, tay nghề tốt, chăm chỉ, giá cả cạnh tranh, để tăng cường hợp tác quốc phòng song phương đồng thời tạo công ăn việc làm cho công nhân của phía Việt Nam.

Bộ trưởng Leon Panetta: Mục đích chuyến thăm của tôi là làm bất cứ điều gì có thể để củng cố, tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Chúng ta biết Mỹ đã nêu ra một chiến lược quốc phòng mới, trọng tâm là nhấn mạnh khu vực châu Á-TBD, điều quan trọng hơn là tăng cường khả năng phát triển của các nước đối tác trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.

Ảnh: Trường Sơn

Bộ trưởng Thanh và tôi đã thảo luận cần phải đưa quan hệ nâng lên tầm cao mới, việc đó không chỉ bao gồm tổ chức đối thoại song phương cấp cao, mà chú trọng an ninh hàng hải, chuyến thăm tàu hải quân, cải thiện tìm kiếm cứu nạn, thúc đẩy giúp đỡ trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thảm họa thiên tai, cũng như việc gìn giữ hòa bình.

Chúng tôi mong trợ giúp Việt Nam nhưng bất cứ trợ giúp nào cũng tùy thuộc vào cải thiện nhân quyền cũng như một số cải cách khác ở Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng những bước đi đang tiến hành làm cho mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng trở nên vững mạnh hơn.

Tuổi Trẻ: Thưa Bộ trưởng Leon Panetta, hiện nay có mối lo sợ sự gia tăng, hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực làm cho bên thứ ba lo ngại. Ý kiến của ông?

Tôi muốn tất cả nhân dân ở khu vực này nhận ra rằng mục đích căn bản của Mỹ ở khu vực châu Á-TBD là chúng tôi muốn cải thiện cơ hội hòa bình, an ninh, thịnh vượng cho khu vực. Mục đích của chúng tôi là làm việc với các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc để thúc đẩy cải thiện quan hệ quân đội các nước với nhau, giúp gia tăng khả năng của từng nước tự bảo vệ, duy trì an ninh cho mình.

Mỹ là nước thuộc châu Á-TBD, luôn coi mình là thành viên trong gia đình châu Á-TBD, mục tiêu của chúng tôi làm việc cùng các nước để thúc đẩy an ninh, thịnh vượng ở khu vực.

Điều cốt lõi để thực hiện điều đó là chúng ta có những quy định, nguyên tắc, luật pháp quốc tế căn bản. Nếu các nước cùng tuân thủ những nguyên tắc, quy định, luật pháp quốc tế căn bản đó, chúng ta sẽ đạt mục tiêu xây dựng một khu vực tốt đẹp hơn, an ninh hơn.

Không đi với nước này để chống nước khác

Wall Street Journal: Thưa Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, ngài có cho rằng các nước châu Á đang phải đứng giữa sự lựa chọn hoặc thân hơn với Trung Quốc, hoặc thân hơn với Mỹ không? Liệu các nước buộc phải chọn thân với Mỹ có tạo ra sự khiêu khích đối với Trung Quốc và làm thay đổi quan hệ tương đối hiện nay không?

Thưa Bộ trưởng Leon Panetta, sau khi Mỹ tuyên bố chiến lược quốc phòng mới, một số nước châu Á tỏ ra lo ngại chiến lược này làm mất ổn định trong khu vực. Mỹ sẽ làm gì để xây dựng mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và các nước trong khu vực?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Đường lối đối ngoại của Việt Nam là giữ độc lập, tự chủ, hoàn toàn không lệ thuộc vào bên ngoài. Chúng tôi, với tinh thần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, đóng góp ổn định chung của khu vực cũng như của thế giới.

Với tinh thần Việt Nam muốn là bạn, đối tác tin cậy của các nước, chúng tôi quan hệ tốt với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, trong đó xác định quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với Mỹ là quan hệ ổn định, hợp tác lâu dài. Việt Nam không đi với nước này để chống lại nước khác.

Trung Quốc là nước láng giềng có nhiều tương đồng với Việt Nam, đối tác hợp tác toàn diện của Việt Nam. Theo tinh thần 16 chữ, 4 tốt, quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội giữa hai nước đang phát triển rất tốt. Chúng tôi mong muốn quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ hữu nghị, ổn định, toàn diện vì lợi ích chung của hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực.

Bộ trưởng Leon Panetta: Mỹ có mục đích muốn thúc đẩy chính những điều như Bộ trưởng Thanh đã đề cập là độc lập, chủ quyền của các nước trong khu vực. Đó chính là phục vụ lợi ích của sự ổn định. Chắc chắn chúng ta sẽ có sự ổn định nếu có một Việt Nam hùng mạnh hay Indonesia hùng mạnh, Philippines hùng mạnh và các nước trong khu vực hùng mạnh.

Sự mất ổn định diễn ra nếu khu vực chỉ có nhóm những nước yếu, trong khi Mỹ và Trung Quốc là cường quốc trong khu vực. Vấn đề trọng yếu là để có tương lai ổn định, thịnh vượng, nhân dân các nước trong khu vực sống tốt đẹp thì điều quan trọng phải bảo đảm làm sao các nước có thể phát triển năng lực, kinh tế, thương mại. Điều đó sẽ đem các nước xích lại với nhau chứ không phải đẩy nhau cách xa. Đó là mục đích của Mỹ và là lý do vì sao tôi có mặt ở Việt Nam.

Linh Thư - Ảnh: Trường Sơn