- Thảo luận về đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế sáng nay 8/6, đại biểu cho biết chủ trương của UBTVQH là chưa thông qua đề án tại kỳ họp này, cần tiếp tục lấy thêm ý kiến để hoàn thiện.


Bên cạnh hàng chục ý kiến về nội dung đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thông tin về chủ trương tạm thời không thông qua tại kỳ họp này đã được một số đại biểu Quốc hội chia sẻ.

ĐB Cao Sĩ Kiêm, tỉnh Thái Bình cho biết: “Đây là đề án rất lớn, được hợp thành 5 bộ phận. Đề án đã làm rõ những tồn tại hiện nay, lý giải được những yếu tố mà chúng ta phải gắn trong quá trình thực hiện, tái cơ cấu với đổi mới mô hình tăng trưởng".

Tuy nhiên, ông Kiêm nói, đề án còn rất hạn chế ở một số điểm. Đó là việc phân tích diễn biến tình hình thế giới, những tồn tại ảnh hưởng cụ thể như khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác kinh tế biển, xử lý các tồn tại trong 5 lĩnh vực cơ cấu, vùng miền, giải quyết vấn đề khoa học môi trường, điều kiện tài chính và mô hình tổ chức. Toàn bộ các nội dung lớn này chưa nêu ra được. 

Ông Cao Sĩ Kiêm, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Với các phân tích trên, ông Kiêm nói: “Tôi rất đồng tình với chủ trương của của Thường vụ Quốc hội là chưa thông qua đề án này và ra Nghị quyết ở kỳ họp này. Thay vào đó, sẽ tiếp tục lấy ý kiến nhiều bên, cần lấy thêm ý kiến rồi mới thông qua”.

Theo ĐB Cao Sĩ Kiêm, trên cơ sở các góp ý của đại biểu, Ủy ban Kinh tế và báo cáo giải trình mới của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đề án sẽ cần được tiếp thu ý kiến để hoàn thiện hơn.

Ông cho rằng đề án tái cơ cấu tổng thể phải nêu và rút ra bài học kinh nghiệm qua mấy kỳ đổi mới, sắp xếp lại nền kinh tế, kể cả bài học thành công hay chưa thành công.

Thứ hai, đề án cần làm rõ những tư duy mới về nhận thức trong các lĩnh vực kinh tế  như kinh tế thị trường đầy đủ, vai trò của Nhà nước, chỉ đạo của kinh tế Nhà nước, vai trò điều tiết vĩ mô của DN, vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình tái cơ cấu, xây dựng các tiêu chí trong đề án tổng thể và 3 lĩnh vực trụ cột.

Thứ ba là đề án phải làm rõ cần hay không cần nguồn tài chính làm tái cơ cấu, trong đó, kể cả nguồn tài chính ta phải bỏ ra thêm và cả những nguồn tài chính phải bù đắp lại, như chi phí tổn thất khi mua bán nợ DNNN.

Thứ tư, đó là việc có cần hay không một tổ chức, một ủy ban để thực hiện quá trình tái cơ cấu này.

Liên quan chủ trương này, ĐB Phạm Văn Hổ, Phú Yên tỏ ý rất đồng tình. Ông cũng cho rằng, đề án tổng thể còn chung chung, mục tiêu còn khái quát quá. Phân kỳ thực hiện và nguồn lực thực hiện chưa rõ. Đến năm 2020, chưa thấy đề án tái cơ cấu sẽ tác động ra sao tới mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa.

“Vì vậy, tôi cũng đồng tình là chưa thông qua đề án tái cơ cấu kinh tế tổng thể tại kỳ họp này”, ĐB Hổ nhấn mạnh.

Phạm Huyền