- Tuy gần đây Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng liên tục có giải trình về những vấn đề nóng thuộc thẩm quyền, nhiều ĐB vẫn muốn tiếp tục chất vấn ông tại QH tuần tới.

Đi đến cùng để dứt điểm

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh thấy chất lượng các công trình giao thông đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và dấy lên câu hỏi về sử dụng ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công vào hạ tầng giao thông.

“Tại sao đường vừa làm xong đã hỏng, tại sao vẫn để xe quá khổ quá tải chạy làm hư đường, tiền phạt thu được có bù nổi tiền sửa đường?”, ông Vinh nêu.


Đại biểu Trần Ngọc Vinh muốn chất vấn Bộ trưởng Thăng về hiệu quả đầu tư công

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (ĐB Hà Nội) thì nhận định đã có cải thiện, chuyển biến trong giao thông từ khi Bộ trưởng Thăng nhậm chức, song các giải pháp đưa ra đều là tình thế, tức thời... 

“Thậm chí có những đề xuất chính sách, ví dụ thu phí phương tiện cá nhân, có tác dụng ngược. Trong khi điều cần là cải thiện cơ sở hạ tầng để hài hoà với số lượng phương tiện, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông...”, ông Thảo nói.

Vì thế, ông Đinh Xuân Thảo muốn hỏi Bộ trưởng Thăng về chiến lược dài hạn giải quyết những bài toán cơ bản của ngành giao thông. “Bộ trưởng có đề xuất gì để phát triển đồng bộ các loại hình giao thông nhằm khai thông huyết mạch cho nền kinh tế?”, ông Thảo đặt vấn đề.

ĐB Hà Nội nhấn mạnh: Cử tri luôn quan tâm vấn đề giao thông và đều mong ngành có chiến lược cụ thể và lâu dài chứ không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt như ùn tắc giao thông mà đô thị lớn nào cũng có, bằng những giải pháp đối phó tốn kém như phân luồng, chặn ngã tư... 

Dù Bộ trưởng Đinh La Thăng gần đây đã giải trình và điều trần nhiều lần về các vấn đề của ngành, theo ông Thảo, do các câu trả lời vẫn chưa rõ, nên cần “làm cho rõ, đi đến cùng sự việc, tập trung trả lời cho dứt điểm” thay vì hỏi đáp rải rác, tản mạn, khó cho khâu giám sát.

“Chất vấn có hai mặt: Một là để xem xét trách nhiệm chỉ đạo điều hành trong những vấn đề nổi cộm. Mặt khác cũng là cơ hội để các bộ trưởng, trưởng ngành nêu lên những khó khăn mà QH có thể giúp tháo gỡ về cơ chế, đầu tư...”, ông Thảo nói. “Những khoá trước, nhiều bộ trưởng còn nói muốn được chất vấn, không coi là bị chất vấn”.


Đại biểu Đinh Xuân Thảo

ĐB Trần Ngọc Vinh thì cho rằng chất vấn chính thức trong hội trường sẽ có sức nặng hơn, đặc biệt nếu QH ra nghị quyết và có giám sát sau đó, sẽ ràng buộc trách nhiệm và có tính pháp lý cao hơn.

ĐB Đinh Xuân Thảo thấy việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải đã được Bộ trưởng Thăng nói nhiều lần nên “không quá đặt nặng”. Ông Vinh cho biết cũng sẽ chỉ hỏi “có mức độ”.

Trách nhiệm tham mưu chính sách đất đai

Ông Đinh Xuân Thảo cũng muốn hỏi Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường về một số chính sách đất đai chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, ví dụ Nghị quyết 69 về đền bù thu hồi đất khi thực hiện dẫn đến tâm lý so sánh giữa những người nhận đền bù trước và sau nghị định, hay lời hứa đến năm 2010 hoàn thành cấp sổ đỏ cho dân đến nay chưa thực hiện được do mắc ở những quy định liên quan.

“Đất đai là vấn đề nổi cộm, bức xúc nhất trong mỗi kỳ tiếp xúc cử tri”, ông Thảo nói. “Tôi muốn hỏi về vai trò tham mưu chính sách và thực thi chính sách đất đai của Bộ để dẫn đến những bất cập này, đã tổng kết và tính đến những giải pháp nào”.

Ông Trần Ngọc Vinh lại muốn chất vấn về tái cấu trúc ngân hàng. “Cả người gửi tiền lẫn doanh nghiệp đi vay đều kêu không được lợi nhiều, trong khi ngân hàng đứng giữa ăn chênh lệch quá lớn”, ông Vinh nói. “Có nhiệm vụ cùng Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng cần xem xét mức độ lợi nhuận hợp lý, đừng để thừa vốn mà người muốn vay không vay được”.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm (ĐB Thái Bình) cũng nhận định ngân hàng đang là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay.


Đại biểu Cao Sỹ Kiêm

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại muốn chất vấn Thủ tướng, “vì các bộ trưởng chỉ nắm từng lĩnh vực, Thủ tướng mới là người chịu trách nhiệm toàn bộ”.

Dự kiến 4 bộ trưởng, trưởng ngành và một Phó Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn trong hai ngày rưỡi cuối tuần tới (13-15/6). 7 ứng viên để các ĐB chọn gồm Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Công an, Giao thông - Vận tải, Công Thương, Tổng thanh tra Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

  • Chung Hoàng